Liên kết website

“Phòng, chống đại dịch Covid-19: Trách nhiệm của nhà nước, bổn phận của công dân”

02/03/2021

Đại dịch COVID-19 ảnh hưởng rộng khắp thế giới nói chung và tới Việt Nam nói riêng. Vì vậy, việc xác định rõ trách nhiệm của nhà nước và bổn phận của công dân trong việc phòng, chống đại dịch này là hết sức cần thiết nhằm ngăn chặn, đẩy lùi đại dịch hiệu quả. Để làm rõ được vấn đề này, bài viết tập trung làm rõ các nội dung sau: Cơ sở pháp lý về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống đại dịch; Mô hình quản trị nhà nước tốt trong công tác phòng, chống đại dịch COVID-19 ở Việt Nam; Thực tiễn trách nhiệm của hệ thống chính trị, trách nhiệm của Nhà nước, bổn phận của công dân trong phòng, chống đại dịch COVID-19 ở Việt Nam; Một số giải pháp thúc đẩy trách nhiệm của Nhà nước, bổn phận của công dân trong phòng, chống đại dịch COVID-19 ở Việt Nam.

1. Cơ sở pháp lý về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống đại dịch
Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, bên cạnh những thảm họa thiên nhiên khủng khiếp mà con người đang thường xuyên phải đối mặt như thiên tai, lũ lụt, hạn hán, ô nhiễm môi trường… thì bệnh dịch cũng là kẻ thù vô cùng đáng sợ đối với con người trên trái đất. Những căn bệnh nguy hiểm chết người đang xuất hiện nhiều và lây lan nhanh trên khắp thế giới là một trong những hiểm họa đe dọa trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của con người. Ở nước ta, nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh lây nhiễm là vấn đề cấp bách của xã hội, được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước cũng như sự chung tay góp sức của toàn dân. 

Hiện nay, đại bệnh COVID-19 đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu với diễn biến hết sức phức tạp, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế và đời sống của các tầng lớp Nhân dân. Đảng, Nhà nước đều xác định phòng, chống dịch bệnh COVID-19 là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, huy động sự tham gia tích cực, quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương và toàn thể Nhân dân.  Do đó, việc phòng, chống bệnh truyền nhiễm không chỉ là trách nhiệm của riêng Nhà nước hay cá nhân, tổ chức nào mà là trách nhiệm chung của cả cộng đồng và điều này cũng được quy định rõ trong Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007.

Điều 6 của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 quy định Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm trong phạm vi cả nước; Bộ Y tế chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm trong phạm vi cả nước; các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Y tế trong việc thực hiện quản lý nhà nước về công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm; Uỷ ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo phân cấp của Chính phủ.

Điều 7 của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 đã quy định rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức trong việc phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Theo đó, cơ quan, tổ chức, đơn vị vũ trang nhân dân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao có trách nhiệm xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch về phòng, chống bệnh truyền nhiễm và phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ lẫn nhau khi có dịch xảy ra và tuân thủ, chấp hành sự chỉ đạo, điều hành của Ban chỉ đạo chống dịch. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên thì có trách nhiệm tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phòng, chống bệnh truyền nhiễm đồng thời tham gia giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác trong nước và nước ngoài tại Việt Nam cũng có trách nhiệm tham gia phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo quy định của Luật.

2. Mô hình quản trị nhà nước tốt trong công tác phòng, chống đại dịch COVID-19 ở Việt Nam
Trong công cuộc phòng, chống đại dịch COVID-19 vừa qua, nước ta đã chứng minh được với thế giới về tính ưu việt của chế độ XHCN, sự chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của Đảng và khả năng quản trị tốt của nhà nước ta. Thành công đó xuất phát từ đường lối, chủ trương, chính sách và khả năng ứng phó thách thức của Đảng, Nhà nước ta, cùng những đặc điểm riêng có về truyền thống đoàn kết sức mạnh dân tộc đã giúp Việt Nam vượt qua Đại dịch toàn cầu. Đây chính những yếu tố mang tính then chốt để nước ta chiến thắng đại dịch COVID-19. 

Theo Ngân hàng Thế giới 1996, quản trị nhà nước là cách thức sử dụng sử dụng sức mạnh quyền lực nhà nước để quản lý nguồn lực nhà nước để quản lý nguồn lực xã hội vì sự phát triển của quốc gia. Quản trị nhà nước tốt liên quan đến 03 yếu tố: chế độ chính trị, quá trình sử dụng quyền lực để quản lý các nguồn lực vì sự phát triển; năng lực của Chính phủ trong việc thiết kế, hoạch định và thực hiện chính sách công, các chức năng chủ yếu của Nhà nước.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, căn cứ thực tiễn của đất nước, Chính phủ đã vận dụng nhuần nhuyễn mô hình quản trị nhà nước tốt trong công tác phòng, chống đại dịch COVID-19, thể hiện ở các tiêu chí sau:

(i) Huy động mọi nguồn lực và cả hệ thống chính trị vào cuộc chiến phòng, chống đại dịch COVID-19
Ngay từ những ngày đầu khi dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát, Chính phủ đã sớm xác định được chiến lược cụ thể để kịp thời ứng phó. Hàng loạt văn bản chỉ đạo của Đảng, Chính phủ được ban hành, nhiều phương án, biện pháp phòng chống được triển khai nhằm nhắc nhở người dân mức độ nguy hại của dịch bệnh, đồng thời nâng cao nhận thức và sự đồng thuận, thống nhất giữa các cấp ủy Đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương . Cùng với đó, Đảng và Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19, các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương cũng thành lập ngay Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch .
Các hoạt động phòng, chống dịch không chỉ được thực hiện bởi ngành y tế, mà còn có sự tham gia của lực lượng vũ trang, ngành ngoại giao, ngành tư pháp, các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương. Với mục tiêu rõ ràng “vì sức khỏe của nhân dân”, các chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ được nhân dân ủng hộ, chung tay thực hiện. Người dân không chỉ trực tiếp tham gia vào công tác chống dịch mà còn chủ động đẩy mạnh hưởng ứng các hoạt động an sinh xã hội mà Đảng và Chính phủ đề ra.

(ii) Tạo khuôn khổ hành lang pháp lý và thể chế đối phó với dịch bệnh, đồng thời nhấn mạnh bảo vệ quyền con người 

Để đối phó với dịch bệnh, Việt Nam đã có khung pháp lý và thể chế đầy đủ, rõ ràng, minh bạch và hiệu quả. Về pháp lý, có thể khẳng định, sự chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng và Chính phủ đều dựa trên cơ sở đánh giá thực tiễn và pháp luật (Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2008 và các văn bản hướng dẫn thi hành…). Về thể chế, Ban Chỉ đạo quốc gia được thành lập và được xem là cơ quan chỉ đạo cao nhất cho chiến dịch phòng chống COVID-19 với phương châm “4 tại chỗ” gồm chỉ đạo tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ.

Nhà nước đã đưa ra nhiều văn bản cấp thiết đối với tình hình, trong đó có Quyết định số 447/QĐ-TTg công bố dịch bệnh trên cả nước, đồng thời bắt buộc thực hiện các quy định trong các văn bản, chỉ thị của Thủ tướng. Các văn bản này được xác định là văn bản quy phạm pháp luật, bắt buộc mọi người phải tuân theo, áp dụng trên phạm vi cả nước, người nào vi phạm các quy định thì phải chịu chế tài theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, các cấp địa phương theo thẩm quyền của mình cũng đưa ra những quyết định để người dân nghiêm chỉnh thực hiện .

Có thể thấy rằng, những khuôn khổ được đưa ra cùng với những hình thức xử lý vi phạm phù hợp với pháp luật và yêu cầu chống dịch đã tạo nên thói quen tốt cho người dân trong nước để đối phó với tình hình dịch bệnh. Trên thực tế, việc thi hành của người dân luôn được theo sát chặt chẽ, và đa số người dân luôn tuân thủ đúng quy định.

Đồng thời, với mục tiêu vì sức khỏe, tính mạng nhân dân, thực hiện trách nhiệm đảm quyền “quyền được sống” của công dân Việt Nam, Chính phủ đã bố trí nhiều chuyến bay để đưa người Việt ở nước ngoài về Tổ quốc; người lao động, doanh nghiệp trong nước được hỗ trợ giải quyết việc làm, cắt giảm chi phí, lệ phí… Nhiều biện pháp hỗ trợ được ban hành và nhanh chóng đi vào cuộc sống, trong đó có những sáng kiến hay, cử chỉ đẹp như máy ATM phát gạo từ thiện dành cho người nghèo được đặt ở nhiều nơi thuận lợi cho người dân nghèo cần hỗ trợ.

(iii) Mọi thông tin liên quan đến dịch COVID-19 và hoạt động phòng, chống dịch của Chính phủ được công bố, cập nhật đầy đủ, nhanh chóng, dễ hiểu đối với mọi người dân

Ngay từ khi dịch bệnh bùng phát, Chính phủ đã thông tin rộng rãi tới người dân về mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh, khẳng định rõ: COVID-19 không chỉ là một bệnh cúm, mà là một căn bệnh cực kỳ nghiêm trọng, vì vậy khuyến cáo mọi người không nên tự gây nguy hiểm cho bản thân hoặc người khác.

Không chỉ thường xuyên cập nhật số liệu, tình hình dịch bệnh cho người dân và quốc tế trên báo chí, truyền hình, mà các bộ phận khác nhau của Chính phủ Việt Nam, như  Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông, chính quyền địa phương đều nhắn tin đến điện thoại di động của người dân trên cả nước về các triệu chứng nhiễm bệnh và biện pháp bảo vệ... Chính phủ cũng đã hợp tác với các dịch vụ mạng xã hội như Zalo, Facebook... để cập nhật thông tin. Các thành phố treo áp phích nhắc nhở người dân nâng cao ý thức trong việc ngăn chặn sự lây lan của virus.

(iv) Ban hành nhiều quyết sách nhanh chóng, kịp thời và quyết liệt, hiệu quả và tạo sự công bằng trong xã hội  
Thành công của Việt Nam trong đối phó với đại dịch được cho là nhờ một số biện pháp quyết đoán. Ngay từ đầu và suốt trong thời gian chống dịch, Việt Nam đã có những chỉ thị, quy định kịp thời từ Trung ương đến địa phương với nhiều biện pháp toàn diện và triệt để. Ban Bí thư Trung ương Đảng đã có Công văn số 79-CV/TW gửi các tỉnh ủy, thành ủy; các ban, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương; các đảng ủy đơn vị sự nghiệp Trung ương về việc phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Căn cứ tình hình thực tế, Chính phủ Việt Nam đưa ra những chỉ thị, nghị định, mang tính hành động nghiêm khắc, quyết liệt. Ngày 28-1-2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra. Ngày 16-3-2020, yêu cầu tất cả mọi người thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang tại các nơi công cộng có tập trung đông người. Ngày 18-3-2020, Thủ tướng quyết định tạm dừng cấp thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam, hạn chế các chuyến bay từ vùng dịch. Ngày 31-3-2020, Thủ tướng ban hành Chỉ thị số 16 về việc thực hiện các biện pháp cấp bách nhằm phòng, chống dịch COVID-19, theo đó cả nước thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày. Ngày 15-4, khi lệnh cách ly kết thúc, Thủ tướng tiếp tục yêu cầu 28 tỉnh, thành phố có “nguy cơ cao” và “nguy cơ” tiếp tục cách ly xã hội ít nhất đến hết ngày 22-4-2020. Sau ngày 22-4, số ca nhiễm COVID-19 ở Việt Nam liên tục không tăng, lệnh dỡ bỏ cách ly được thông qua. Ngày 24-4-2020, Thủ tướng ban hành Chỉ thị 19/CT-TTg về việc tiếp tục thực hiện phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới. 

Ngoài việc đáp ứng quy định về phòng, chống dịch bệnh lây lan, Việt Nam còn ban hành những chính sách hỗ trợ, bảo đảm an sinh xã hội và giải quyết các khó khăn về kinh tế để hỗ trợ người dân cũng như các doanh nghiệp yên tâm chống dịch, điều này cũng tạo đà cho việc đẩy lùi dịch bệnh trên phạm vi cả nước, là biện pháp trấn an tinh thần cho người dân và doanh nghiệp. Chính phủ ban hành Nghị quyết 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Ngày 19/10/2020 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 154/NQ-CP về sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Nếu như so với nhiều quốc gia khác, khi dịch bệnh bùng phát mới ban hành các chỉ thị, quy định về phòng chống dịch bệnh thì Đảng và Nhà nước Việt Nam đã hành động quyết liệt ngay từ đầu cùng những biện pháp mang tính bắt buộc thi hành. Việc ban hành nhanh chóng, kịp thời và đúng đắn, hiệu quả những quy định pháp luật đã đáp ứng được mức độ phát triển của dịch bệnh tại Việt Nam.

Các chỉ thị của Đảng và Chính phủ đều bảo đảm để mọi người dân đều được tiếp cận với các cơ sở, dịch vụ y tế và vật tư y tế, đặc biệt là khẩu trang, bảo hộ, cồn rửa tay sát khuẩn khi dịch bệnh xảy ra. Để bảo đảm việc tiếp cận điều trị cho tất cả mọi người, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 219/QĐ-BYT bổ sung bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A - là bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm theo quy định tại Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007. Theo đó, những người mắc bệnh dịch này sẽ được khám và điều trị miễn phí. Trong bối cảnh ở nhiều quốc gia trên thế giới bệnh nhân phải tự chi trả mọi chi phí điều trị COVID-19, đây là nỗ lực đầy nhân văn của Chính phủ Việt Nam nhằm bảo đảm quyền được tiếp cận điều trị COVID-19 cho tất cả bệnh nhân.

Là quốc gia có hệ thống y tế không bằng các nước phát triển như Châu Âu, Mỹ, nhưng với chiến lược thông minh và hiệu quả của mình, Việt Nam đã trở thành hình mẫu cho nhiều quốc gia khác trên thế giới trong phòng, chống đại dịch COVID-19.

(v) Tạo sự đồng thuận cao trong xã hội:
Sự đồng thuận xã hội được hiểu là sự ủng hộ, đồng lòng của toàn thể xã hội đối với các hành động của Chính phủ. Đó là sự đồng thuận trong nội bộ các cơ quan, ban ngành; sự ủng hộ của Nhân dân đối với các hành động của Chính phủ. Thực hiện các chỉ thị của Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch bệnh COVID-19, các bộ, ban ngành, các địa phương đã phối hợp chặt chẽ cùng Bộ Y tế, thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm các chức năng nhiệm vụ của ngành với tinh thần đồng thuận cao. Nhân dân nghiêm túc chấp hành các chỉ thị của Thủ tướng, trong đó có những biện pháp nghiêm khắc như giãn cách xã hội, cách ly khu vực... Đồng thời, sự ủng hộ, niềm tin của Nhân dân còn thể hiện rõ nét qua việc quyên góp tiền, hiện vật để chung tay cùng đất nước đẩy lùi dịch bệnh. 

(vi) Trách nhiệm giải trình
Trong ứng phó với dịch COVID-19, trách nhiệm giải trình được thể hiện qua trách nhiệm trong nội bộ và trách nhiệm đối với xã hội của Nhà nước.

Trách nhiệm trong nội bộ được nêu rõ trong các văn bản chỉ đạo của Ban Bí thư và Chính phủ. Chẳng hạn, Chỉ thị 19/CT-TTg của Thủ tướng nêu rõ: “Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục ... đề cao kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm của người đứng đầu, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch”. Theo đó, các cơ quan có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo và chịu trách nhiệm trước Chính phủ, giải trình với Chính phủ, Thủ tướng các vấn đề trong quá trình phòng, chống dịch bệnh. Trên thực tế, các bộ, ban, ngành Trung ương và chính quyền địa phương đã thực hiện rất tốt, nghiêm túc các chỉ đạo nêu trên, thể hiện rõ nét qua kết quả đạt được. Ngoài ra, trách nhiệm giải trình còn thể hiện ở cách thức xử lý các vi phạm của người đứng đầu các đơn vị trong quá trình chống dịch, tiêu biểu nhất là vụ việc điều tra và khởi tố Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội do sai phạm trong quá trình mua hệ thống Real Time PCR tự động xét nghiệm COVID-19.

Trách nhiệm đối với xã hội được thể hiện thông qua trách nhiệm của bộ máy chính quyền đối với xã hội, cụ thể là trách nhiệm giải trình đối với người dân về các biện pháp được thực thi. Trên thực tế, trong thời gian phòng, chống dịch, các biện pháp mà Chính phủ Việt Nam đưa ra đều có căn cứ vững chắc về pháp lý và yêu cầu của thực tiễn, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Một số biện pháp mới, chưa từng có (như giãn cách xã hội, cách ly khu vực...) đều được giải thích cặn kẽ, đầy đủ, do đó được người dân tuân thủ nghiêm túc.

Soi chiếu tính hiệu quả của mô hình quản trị Việt Nam trong phòng, chống dịch COVID-19 với các tiêu chí của “quản trị quốc gia tốt” do Cơ quan Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) đưa ra cho thấy, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam đã thực sự phát huy được tính ưu việt của chế độ XHCN, vận hành hiệu quả hệ thống chính trị, phát huy hiệu quả trách nhiệm của Nhà nước trước các vấn đề cấp bách của xã hội.

3. Thực tiễn trách nhiệm của hệ thống chính trị, trách nhiệm của Nhà nước, bổn phận của công dân trong phòng, chống đại dịch COVID-19 ở Việt Nam.
a) Trách nhiệm vào cuộc của toàn hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương 
- Ban hành các văn bản chỉ đạo quyết liệt:

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, làm ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế và đời sống của các tầng lớp Nhân dân, Đảng, Nhà nước đều xác định phòng, chống dịch bệnh COVID-19 là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, huy động sự tham gia tích cực, quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương và toàn thể Nhân dân. 

Ngày 30/1/2020, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã có công văn số 79-CV/TW, trong đó yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân khẩn trương vào cuộc, xác định phòng chống dịch là một nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động toàn hệ thống chính trị, lực lượng vũ trang, toàn dân khẩn trương, quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

Trước tình hình dịch bệnh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký Quyết định 447/QĐ-TTg ngày 1/4/2020 về việc công bố dịch COVID-19, tiếp theo Quyết định số 173/QĐ-TTg ngày 01/02/2020 về việc công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra, đây là cơ sở, căn cứ cho việc hoạch định, ban hành những chính sách tiếp theo trong công tác phòng chống dịch bệnh.

Ngày 30/03/2020, Thủ tướng đồng ý công bố dịch COVID-19 trên toàn quốc, đồng thời nhấn mạnh "Hệ thống của chúng ta trên dưới một lòng, quyết tâm ngăn chặn có hiệu quả COVID-19 ở nước ta", Thủ tướng nhấn mạnh đây là thời điểm có tính chất quyết định đến cục diện cuộc chiến chống COVID-19.

Ngày 31/03/2020, Thủ tướng Chính phủ ký Chỉ thị số 16-CT/TTg về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, trong đó đề cập đến việc “thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 01 tháng 4 năm 2020 trên phạm vi toàn quốc theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh” nhằm đảm bảo ở mức cao nhất công tác kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh.

Ngày 01/04/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chính thức ký quyết định công bố dịch COVID-19 trên toàn quốc. Quyết định đã nêu rõ “tính chất, mức độ nguy hiểm của dịch bệnh này là ở nhóm A, nguy cơ ở mức độ đại dịch toàn cầu”...

Để ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật làm ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh của cả nước, ngày 30/3/2020 Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Hướng dẫn số 45/TANDTC-PC về xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Trên cơ sở đó, một số địa phương đã tham mưu ban hành các quy định về chế tài xử phạt vi phạm pháp luật về phòng, chống COVID-19 (Công văn số 925/STP-PBGDPL của Sở Tư pháp TP. Hà Nội ngày 05/4/2020 quy định chi tiết mức phạt đối với 13 hành vi vi phạm các quy định về phòng, chống COVID-19...)

Những quyết sách và thành tựu đã thể hiện quan điểm nhất quán, đúng đắn và kịp thời của Đảng và Nhà nước ta, đồng thời khẳng định sự đồng lòng, nhất trí trong mối quan hệ giữa Nhà nước với Nhân dân, giữa Nhân dân với Nhà nước.

Bên cạnh việc quyết liệt ngăn chặn tốc độ lây lan của dịch, nhanh chóng xác minh nguồn lây để phong tỏa, dập dịch thì chính quyền, các cơ quan chức năng từ Trung ương tới địa phương đều tuân thủ nghiêm quyết sách của Chính phủ là đối xử nhân văn, đầy tinh thần trách nhiệm với bệnh nhân và những người được cách ly, giám sát sức khỏe. Cho đến nay, mọi chi phí cho việc cách ly, phong tỏa, xét nghiệm, chữa trị… đều do Chính phủ gánh vác. 

Với những chỉ đạo kiên quyết, sâu sát tới từng địa phương, những chính sách và hành động của Đảng, Chính phủ vừa quyết liệt vừa mang đậm tính nhân văn trong việc phòng, chống dịch COVID-19 đã nhận được đồng tình, ủng hộ rộng khắp của người dân Việt Nam.

- Phát huy trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức:
Tại các cuộc họp để chỉ đạo biện pháp chống dịch, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã quán triệt dứt khoát: “Các ngành, địa phương phải vào cuộc tích cực, không được chủ quan. Đồng chí nào chủ quan phải bị xử lý nghiêm túc. Đừng thấy dịch bệnh là bình thường, phải thấy đây là vấn đề rất nóng”.

Thực tế đã có những trường hợp người đứng đầu bị điều chuyển hoặc kiểm điểm do lơ là, thiếu trách nhiệm trong công tác phòng dịch . 

Thực hiện lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, quán triệt và chấp hành nghiêm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch bệnh, người đứng đầu Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã tổ chức quán triệt sâu sắc trong toàn quân về tinh thần “chống dịch như chống giặc”; coi đây là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, nhiệm vụ chiến đấu của Quân đội trong thời bình; bất luận trong tình huống nào, Quân đội cũng phải là lực lượng xung kích, đi đầu trong phòng, chống dịch COVID-19.

Những động thái, chỉ đạo kiên quyết như trên thể hiện vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc góp phần cùng cả nước chung tay kiểm soát dịch bệnh. Triển khai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, người đứng đầu các cấp, các ngành, địa phương đã quyết liệt vào cuộc.

Tinh thần của chỉ đạo mạnh mẽ, kiên quyết từ người đứng đầu Chính phủ về phòng, chống dịch bệnh đã được lan tỏa và thể hiện trong hoạt động của từng cấp, ngành và người dân để vừa chống dịch, vừa bảo đảm các mục tiêu tăng trưởng cũng như phát triển kinh tế - xã hội; duy trì sự ổn định của mỗi địa phương.

- Trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và các quy định của pháp luật liên quan về phòng, chống dịch bệnh: 

Ngay từ ban đầu, việc tuyên truyền về virus SARS-CoV-2 và chiến lược ứng phó với dịch bệnh đã được Chính phủ, các cơ quan, tổ chức nhà nước thực hiện minh bạch; chi tiết về các triệu chứng, các biện pháp phòng bệnh và các địa điểm xét nghiệm đều được công bố, cập nhật thường xuyên trên các phương tiện truyền thông đại chúng, các trang web của Chính phủ, các mạng xã hội, Website của Bộ Y tế và các bộ, ban ngành, các cơ quan nhà nước; treo áp-phích tại các bệnh viện, công sở, các khu dân cư, các khu chợ. Những nội dung trên còn được phát đi bằng hình thức tin nhắn gửi tới điện thoại của người dân và lời khuyến nghị trước khi mỗi người thực hiện các cuộc điện thoại..., qua đó tạo hiệu quả tuyên truyền sâu rộng và kịp thời đến mọi tầng lớp nhân dân. 

Nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) trong việc phòng chống, ngăn chặn đẩy lùi nguy cơ dịch bệnh bùng phát trên diện rộng, Bộ, ngành Tư pháp đã vào cuộc rất khẩn trương, triển khai bài bản, quy mô, có nhiều hoạt động, hình thức sáng tạo, bước đầu phát huy hiệu quả, đóng góp thiết thực vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của đất nước. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, công tác chỉ đạo, hướng dẫn công tác PBGDPL về phòng, chống dịch bệnh nói chung, dịch bệnh COVID-19 nói riêng được Bộ Tư pháp quan tâm thực hiện. Ngày 07/02/2020, Bộ Tư pháp đã ban hành Công văn số 362/BTP-PBGDPL hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương tăng cường tổ chức PBGDPL về các vấn đề dư luận xã hội quan tâm, trong đó có công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Tại Công văn này, Bộ Tư pháp đề nghị các bộ, ngành, đoàn thể trung ương và địa phương chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan, tổ chức, đơn vị, cán bộ, công chức và người lao động thuộc phạm vi quản lý quán triệt đầy đủ, thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo có liên quan nhằm ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, thực hiện quyết liệt các biện pháp do Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành đề ra, trong đó chú trọng việc quán triệt, phổ biến, vận động cán bộ, Nhân dân tự giác tuân thủ, chấp hành các quy định pháp luật liên quan đến việc phòng, chống dịch bệnh.

Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp đã đẩy mạnh thông tin pháp luật, biên soạn tài liệu về các quy định trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm; Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Bộ luật Hình sự; pháp luật xử lý vi phạm hành chính, Luật Bảo vệ môi trường; Luật An toàn thực phẩm; Luật Bảo hiểm y tế; Luật Bảo vệ sức khỏe nhân …, nhất là các quy định pháp luật về cách ly y tế, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống dịch bệnh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến công tác này để đăng tải trên Trang thông tin điện tử PBGPDL (https://pbgdpl.moj.gov.vn/Pages/Trang-chu.aspx) và fanpage Phổ biến, giáo dục pháp luật (https://www.facebook.com/Phổ-biến-Giáo-dục-Pháp-luật-101326847932580). Hình thức tài liệu đăng tải phong phú như: tờ gấp pháp luật, hỏi đáp pháp luật, graphic; các thông tin về thực tiễn thi hành các quy định pháp luật về phòng, chống COVID-19.

Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp các địa phương đã phát huy vai trò chủ động trong tham mưu chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức triển khai các hoạt động PBGDPL về phòng, chống dịch bệnh một cách nghiêm túc, sáng tạo. Qua theo dõi, đến nay 100% các Sở Tư pháp đã ban hành theo thẩm quyền hoặc tham mưu Uỷ ban nhân dân/Hội đồng phối hợp PBGDPL cùng cấp ban hành văn bản chuyên đề triển khai thực hiện Công văn số 362/BTP-PBGDPL của Bộ Tư pháp (54 địa phương) hoặc lồng ghép trong Kế hoạch công tác PBGDPL (09 địa phương).

Các hình thức PBGDPL về phòng, chống dịch bệnh được các địa phương chỉ đạo, tổ chức thực hiện là: PBGDPL trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua hệ thống loa truyền thanh cơ sở, biên soạn tài liệu; chú trọng việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác này (thông qua các chuyên trang, chuyên mục PBGDPL trên Trang thông tin PBGDPL của Sở Tư pháp, Cổng Thông tin điện tử PBGDPL của địa phương; qua các ứng dụng của mạng xã hội như facebook, zalo). Nhiều địa phương đã tích cực tham mưu đổi mới phương thức thực hiện, mang lại hiệu ứng tốt .

Những kết quả bước đầu trong công tác PBGDPL về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đã thể hiện quyết tâm, sự vào cuộc kịp thời, trách nhiệm của Bộ, ngành Tư pháp, đóng góp thiết thực cùng cả nước phòng, chống có hiệu quả dịch bệnh COVID-19.

 b) Bổn phận, trách nhiệm của công dân
Trong công tác phòng chống dịch COVID-19, một trong những chủ đề được quan tâm hàng đầu đó là ý thức và trách nhiệm công dân, trách nhiệm xã hội đối với công tác này. Bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, các cấp thì ý thức và trách nhiệm, sự đồng lòng của mỗi công dân trong phòng, chống dịch bệnh là yếu tố then chốt mang lại thành công trong cuộc chiến với Đại dịch COVID-19, qua đó góp phần bảo vệ bản thân, cộng đồng và đẩy lùi dịch bệnh.

Trước hết, mỗi công dân dù ở bất cứ cương vị nào cũng cần hết sức tin tưởng vào các quyết sách, biện pháp của Chính phủ; cần thực hiện nghiêm chỉnh quy định khai báo sức khỏe, khai thông tin liên quan một cách trung thực, chính xác, không gian dối hoặc cố tình che giấu thông tin.

Đặc biệt là tự có ý thức, nhận thức, thực hiện nghiêm những biện pháp tự bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Kịp thời phản ánh những thông tin liên quan đến dịch bệnh COVID-19 qua đường dây nóng và các cơ quan chức năng tại địa phương.

Ý thức trách nhiệm công dân còn đến từ sự tỉnh táo khi tiếp nhận thông tin từ mạng xã hội, không chia sẻ, đăng lại hay cổ xúy cho những quan điểm sai lệch, bài viết không kiểm chứng, hình ảnh giả trên mạng xã hội. Bằng cách đó, sẽ không để các thế lực thù địch kích động, lợi dụng để tung tin bịa đặt gây hoang mang trong xã hội, gây chia rẽ khối đoàn kết thống nhất toàn dân.

Việc nâng cao ý thức công dân và thể hiện trách nhiệm xã hội của mỗi người trong lúc này chính là thể hiện rõ nhất về tinh thần yêu nước, từ đó tạo lên sức mạnh chiến thắng dịch bệnh.

Hành động của Chính phủ đã khơi dậy tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng từ phía các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, các văn nghệ sỹ để họ tự nguyện san bớt gánh nặng đang đè lên vai Chính phủ. Đã có nhiều tập đoàn, công ty, ngân hàng, các tổ chức, cá nhân đóng góp cho việc phòng, chống dịch của cả nước.

Thời gian qua, để đối phó với dịch, hàng loạt biện pháp được triển khai, nhiều chỉ đạo, quyết định mạnh mẽ được đưa ra để ngăn ngừa sự lây lan của dịch trong cộng đồng. Trong đó, việc tổ chức sàng lọc, cách ly những người đến từ vùng dịch hoặc có nguy cơ nhiễm bệnh được đặt lên hàng đầu. Những khuyến cáo, tuyên truyền để vận động người dân nâng cao ý thức tự bảo vệ mình, bảo vệ cộng đồng cũng liên tục được phát đi với hy vọng thấm sâu và lan tỏa đến từng khu phố, từng nhà, từng người dân. Rõ ràng, cùng với trách nhiệm và ý thức của mỗi cá nhân, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc với quyết tâm “chống dịch như chống giặc”, việc bảo vệ sức khỏe nhân dân được coi là mục tiêu ưu tiên hàng đầu. Nhiều cán bộ, chiến sĩ thức thâu đêm để khoanh vùng, dập dịch, thực hiện nhiều biện pháp dự phòng; chính quyền cũng quyết định trích ngân sách số tiền lớn nhằm phục vụ công tác phòng, chống dịch... Những nỗ lực đó được xã hội ghi nhận, người dân đồng lòng làm theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn và chính quyền sở tại.

Tuy nhiên, trong khi cả hệ thống chính trị và người dân tích cực chung tay thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, có một thực tế đáng phải suy ngẫm và lên án. Ðó là còn một bộ phận người dân vẫn thiếu ý thức trách nhiệm, phản ứng bất hợp tác, không chấp hành nghiêm những khuyến cáo của ngành y tế; cố tình vi phạm như khai gian trong hồ sơ khai báo y tế, trốn cách ly, hoặc nhờ người khác đi cách ly thay mình, tụ tập đông người. Nhiều trường hợp lợi dụng diễn biến của dịch bệnh, thường xuyên đăng tải những thông tin không chính xác, bịa đặt về tình hình dịch bệnh, lan truyền những biện pháp phòng ngừa không đúng, không có căn cứ, gây hoang mang dư luận. Thậm chí, có những đối tượng còn chia sẻ trên mạng xã hội những nội dung, hình ảnh giả, không đúng sự thật về những người bệnh mắc COVID-19.   Thực tiễn, vẫn còn nhiều hiện tượng nhiều cơ sở y tế đã lợi dụng việc khan hiếm khẩu trang đầu cơ, tăng giá bán cho người dân xung quanh việc mua bán các thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch như: khẩu trang, nước rửa tay khô; nhiều cơ sở sản xuất vật tư y tế, cá nhân hoạt động bất hợp pháp đã tổ chức sản xuất vật tư ý tế gồm khẩu trang, nước sát khuẩn giả... đã gây rất nhiều áp lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh.

4. Một số giải pháp thúc đẩy trách nhiệm của Nhà nước, bổn phận của công dân trong phòng, chống Đại dịch COVID-19 ở Việt Nam. 

- Tiếp tục phát huy, đề cao vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cơ quan, tổ chức nhà nước, tăng cường trách nhiệm của chính quyền cơ sở, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch. Cần xây dựng cơ chế ứng phó với thiên tai, dịch bệnh theo từng cấp độ để xác định rõ vai trò của từng lực lượng, các cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư… khi có thiên tai, dịch bệnh xảy ra. Trên cơ sở đó, xác định rõ nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức thuộc cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp, tổ chức, công ty ngoài cơ quan nhà nước, cộng đồng dân cư… Chỉ có như vậy, khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh ở cấp độ nào thì cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người dân sẽ nhận thức được vai trò của mình, phát huy tính chủ động trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh.

- Tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật về chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm nói riêng và trước các vấn đề cấp bách của xã hội nói chung để tạo sự đồng bộ, chặt chẽ và đủ răn đe để tạo cơ sở pháp lý nâng cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong xã hội trước các vấn đề cấp bách của quốc gia. 

- Thường xuyên tổ chức diễn tập, tập huấn các biện pháp ứng phó với các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra trong các cơ quan, đơn vị nhà nước và cho mọi tầng lớp Nhân dân để chủ động ứng phó khi dịch bệnh xảy ra.

- Tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các cơ quan, tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm hoặc có hành vi vi phạm các quy định về phòng chống dịch. Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải gương mẫu, đi đầu trong việc thực hiện. Kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm xảy ra.

- Tiếp tục tăng cường công tác thông tin, truyền thông, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức mới, đa dạng có ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao nhận thức của người dân về pháp luật phòng, chống dịch bệnh cũng như các biện pháp phòng, chống dịch bệnh./.
Thảo Anh
Các tin đã đưa ngày: