Liên kết website

Bàn về khái niệm giáo dục pháp luật

11/08/2022

Nghiên cứu khái niệm giáo dục pháp luật (GDPL) là một trong những nhiệm vụ cơ bản của khoa học pháp lý. Đây là vấn đề quan trọng có ý nghĩa quyết định đến nội dung một loạt khái niệm, phạm trù khác của lý luận cũng như định hướng các hoạt động thực tiễn trong lĩnh vực GDPL. Trong quá trình phát triển của khoa học xã hội, khái niệm GDPL được rất nhiều nhà nghiên cứu đề cập.

Trong tiếng Anh, từ “giáo dục” được biết đến với từ “education” - một từ gốc Latin được ghép bởi hai từ là “Ex” và “Ducere” - “Ex-Ducere”. Thuật ngữ này có nghĩa là dẫn (“Ducere”) con người vượt ra khỏi (“Ex”) hiện tại của họ để vươn tới những gì hoàn thiện, tốt lành hơn và hạnh phúc hơn. Theo Từ điển Bách khoa, giáo dục là “quá trình đào tạo con người một cách có mục đích, nhằm chuẩn bị cho con người tham gia đời sống xã hội, tham gia lao động sản xuất, được thực hiện bằng cách tổ chức việc truyền thụ và lĩnh hội những kinh nghiệm lịch sử - xã hội của loài người” [1, tr. 120]. Đại Từ điển tiếng Việt thì định nghĩa: Giáo dục là tác động có hệ thống đến sự phát triển tinh thần, thể chất của con người, để họ dần dần có được những phẩm chất và năng lực như yêu cầu đề ra [2, tr. 734].
Như vậy, giáo dục là một quá trình, thể hiện ở tính mục đích, tính thường xuyên, có ý chí, kỹ năng, nghiệp vụ của các chủ thể GDPL nhằm tác động lên đối tượng được GDPL để dần từng bước hình thành kiến thức pháp luật, ý thức pháp luật cần thiết. Quá trình này không chỉ đơn thuần chuyển tải các kiến thức, thông tin cần thiết mà là cả một quy trình tác động có chủ đích, có phương pháp để những thông tin, kiến thức đó đến được với người được thụ hưởng. Đồng thời, điều quan trọng nhất là để những kiến thức, thông tin này tác động đến hiểu biết, nhận thức của đối tượng, làm thay đổi, từ chỗ chưa biết đến biết, từ chỗ biết ít hơn đến chỗ biết nhiều hơn, từ biết đến hiểu, từ hiểu đến tin tưởng, có tình cảm và tự giác tuân thủ, chấp hành; bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp của mình, tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp của người khác; dần sẽ hình thành ở đối tượng được giáo dục những hành vi tự giác trong tìm hiểu pháp luật; ứng xử không chỉ là tuân thủ, chấp hành pháp luật mà trở thành nét văn hóa, văn minh trong tìm hiểu, tuân thủ pháp luật. Do vậy, giáo dục là hoạt động bao gồm thông tin và phân tích, giải thích, vận động, thuyết phục kiên trì, bền bỉ, có hệ thống đối với đối tượng được giáo dục. Nó khác với hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức ở mức độ thông tin, mặc dù các hoạt động đó có mối quan hệ gần gũi với nhau về mục đích.
Ở Việt Nam, từ góc độ thuật ngữ, Từ điển bách khoa Việt Nam định nghĩa: “Giáo dục pháp luật là sự tác động định hướng của tổ hợp các quá trình xây dựng pháp luật, áp dụng pháp luật, tuyên truyền, giải thích pháp luật nhằm nâng cao ý thức pháp luật” [1, tr. 124].
Theo Giáo trình lý luận về Nhà nước và pháp luật của một số cơ sở nghiên cứu và đào tạo luật trong nước GDPL được định nghĩa là: “là hoạt động có định hướng, có mục đích trang bị kiến thức pháp luật, nhằm hình thành ở đối tượng được giáo dục những tình cảm pháp lý và hành vi phù hợp với yêu cầu của pháp luật” [3, tr. 106] hoặc là “Sự tác động một cách có hệ thống, có mục đích và thường xuyên tới nhận thức của con người nhằm trang bị cho mỗi người một trình độ kiến thức pháp lý nhất định để từ đó có ý thức đúng đắn về pháp luật, tôn trọng và tự giác xử sự theo yêu cầu của pháp luật” [3, tr. 452]. Như vậy, hai hướng tiếp cận này có điểm chung khi xác định mục tiêu của GDPL.
Nghiên cứu GDPL với tư cách là nhân tố trong quá trình hình thành ý thức cá nhân con người và đóng vai trò chủ đạo trong quá trình đó, GDPL được quan niệm là “sự tác động một cách có tổ chức theo một hệ thống và có mục đích rõ rệt lên mỗi thành viên của xã hội, nhằm hình thành một cách bền vững ý thức pháp luật và những thói quen tích cực trong mọi hành vi xử thế của con người trong đời sống cộng đồng” [4]. GDPL còn được tiếp cận dưới góc độ là kết quả của điều kiện, hoàn cảnh và giáo dục, theo đó GDPL là quá trình ảnh hưởng của những nhân tố khách quan, sự tác động có mục đích, hệ thống và thường xuyên của chủ thể giáo dục tới đối tượng giáo dục nhằm trang bị cho đối tượng kiến thức pháp luật để họ có ý thức đúng đắn về pháp luật, tôn trọng và xử sự theo yêu cầu của pháp luật [5].
Theo nghĩa rộng, GDPL được coi là một bộ phận, một hệ thống con của hệ thống giáo dục nói chung, là một hoạt động có tính độc lập tương đối và có mối quan hệ tương hỗ với các hệ thống con khác như kinh tế, chính trị, văn hóa, đạo đức... tạo nên một hệ thống các quan hệ xã hội tác động đến cá nhân, làm hình thành nên bản chất lịch sử - xã hội của con người. Quan niệm GDPL này xuất phát từ nghĩa rộng nhất của thuật ngữ GDPL, đồng nhất GDPL với quá trình xã hội hóa cá nhân trong môi trường có sự tác động, điều chỉnh của pháp luật và các chuẩn mực xã hội khác. Nhân cách con người được hình thành, phát triển do tác động, ảnh hưởng của tổ hợp các nhân tố kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội, pháp luật, đạo đức, phong tục, tập quán, lễ nghi... trong quá trình các cá nhân tham gia vào những quan hệ xã hội đó [6, tr. 28].
Theo nghĩa hẹp, tác giả Nguyễn Quốc Sửu lại cho rằng: “Giáo dục pháp luật theo nghĩa hẹp là quá trình tác động (hoạt động) có mục đích, có tổ chức, có kế hoạch của nhà giáo dục (chủ thể giáo dục pháp luật) để chuyển tải, truyền đạt những nội dung (thông tin, tri thức về các bộ luật, đạo luật…) thông qua các phương pháp giáo dục khoa học và hình thức giáo dục phù hợp tới đối tượng tiếp nhận giáo dục pháp luật nhằm đạt được những mục tiêu, hiệu quả giáo dục nhất định” [7, tr. 71-72].
Tác giả Trần Thị Sáu cho rằng: “Giáo dục pháp luật là hoạt động thực tiễn xã hội thực hiện sự tác động một cách thường xuyên, hệ thống lên đối tượng giáo dục nhằm trang bị kiến thức, xây dựng thái độ, niềm tin pháp luật một cách đúng đắn đồng thời giáo dục kỹ năng thích ứng cũng như xử lý các tình huống trong cuộc sống theo pháp luật, thúc đẩy mọi công dân tự giác và chủ động thực hiện nghiêm minh pháp luật” [8, tr. 29].
Từ sự phân tích trên cho thấy GDPL được các nhà khoa học tiếp cận rất đa dạng, theo mục đích, theo nhân tố, theo nghĩa hẹp (là sự tác động của nhân tố chủ quan lên đối tượng giáo dục) và nghĩa rộng (sự ảnh hưởng của nhân tố khách quan và sự tác động của nhân tố chủ quan lên đối tượng giáo dục).
Tuy nhiên, theo chúng tôi cần xác định khái niệm GDPL theo nghĩa hẹp vì tiếp cận theo hướng là một quá trình GDPL cho một đối tượng xã hội được thực hiện trong một thể thống nhất các thành tố: mục tiêu, chủ thể, đối tượng, nội dung, phương pháp, hình thức GDPL; là quá trình tác động có mục đích nhằm cung cấp cho đối tượng giáo dục tri thức pháp luật, thông tin về thực tiễn pháp luật, kỹ năng sử dụng pháp luật, củng cố niềm tin và hình thành thói quen xử sự theo pháp luật. Tuy nhiên, theo cách tiếp cận từ quyền con người, quyền nghĩa vụ cơ bản của công dân, GDPL không chỉ là từ phía chủ động của các cơ quan nhà nước, các chủ thể GDPL mà còn phải phát huy sự chủ động, tự giác tham gia vào quá trình GDPL của đối tượng thụ hưởng GDPL. Quan điểm này xuất phát từ những lý do sau:
Thứ nhất, GDPL là một hoạt động thực tiễn xã hội, để hiệu quả, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các chủ thể GDPL và giữa chủ thể GDPL với đối tượng thụ hưởng GDPL. GDPL vừa có vai trò trang bị kiến thức pháp luật, xây dựng tình cảm, niềm tin, đồng thời có kỹ năng tìm hiểu, sử dụng pháp luật để đối tượng thụ hưởng GDPL ứng xử phù hợp với pháp luật và những tình huống pháp lý xảy ra trong cuộc sống. Do vậy, phát huy yếu tố tự giác, chủ động tham gia vào quá trình GDPL của các đối tượng thụ hưởng và sự phối hợp của các đối tượng GDPL cần được đặt lên vị trí quan trọng trong tổ chức thực hiện GDPL.
Thứ hai, hiện nay Nhà nước Việt Nam đang trong quá trình hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN. Trong một Nhà nước pháp quyền, thượng tôn Hiến pháp, pháp luật là yêu cầu bắt buộc đối với mỗi công dân. Điều 46 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Công dân có nghĩa vụ tuân theo Hiến pháp và pháp luật”. Giáo dục nói chung và GDPL nói riêng đang đối mặt với những thách thức trước sự phát triển đa chiều của xã hội; các mặt tích cực và mặt trái của kinh tế thị trường, của quá trình hội nhập, của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, mạng xã hội... đang có những ảnh hưởng khác nhau đến mỗi người. Bên cạnh đó, do nhận thức, quan điểm, cách tiếp cận trong tổ chức thực hiện GDPL ở một số chủ thể GDPL, các cá nhân chưa được xác định đầy đủ và đó cũng là một trong những nguyên nhân nên dẫn đến hệ quả, các đối tượng thụ hưởng còn thiếu kỹ năng sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, kỹ năng chủ động tìm hiểu pháp luật để không rơi vào các tình huống vi phạm pháp luật do thiếu hiểu biết pháp luật; thiếu kỹ năng bảo vệ quyền, kỹ năng nhận diện những vấn đề pháp lý và cách tìm tới các địa chỉ để hỗ trợ giải quyết các khó khăn, vướng mắc đang là rào cản trong cuộc sống của họ... Với thực tiễn như vậy, việc nhận diện những nhân tố tích cực, tiến bộ và loại bỏ những yếu tố tiêu cực sẽ khó thực hiện nếu như không được trang bị tri thức, kiến thức pháp luật, kỹ năng và ý thức chủ động trong tìm hiểu, tuân thủ pháp luật của các cá nhân.
Thứ ba, GDPL là hướng tới việc hình thành, nâng cao thái độ, tình cảm, tôn trọng pháp luật, niềm tin của con người vào pháp luật. Để xây dựng, tạo dựng tình cảm, niềm tin với pháp luật, từ đó tạo dựng thói quen tuân thủ trong chấp hành pháp luật, điều quan trọng đặt GDPL trong tổng thể quá trình xây dựng pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật. GDPL không chỉ là khâu đầu tiên của quá trình tổ chức thi hành pháp luật mà luôn được đặt trong mối quan hệ hữu cơ chặt chẽ với xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật. Đối tượng GDPL chỉ có thể có tình cảm, niềm tin với pháp luật khi họ có hệ thống pháp luật luôn minh bạch, thống nhất, không chồng chéo và đảm bảo được quyền con người, quyền lợi ích hợp pháp của công dân; tổ chức thi hành pháp luật đảm bảo nghiêm minh, tuân thủ pháp luật, cán bộ, đảng viên là những người tiên phong trong tuân thủ, chấp hành pháp luật...
Thứ tư, GDPL không chỉ được hiểu là trách nhiệm của của toàn bộ hệ thống chính trị trong đó nhà nước giữ vai trò nòng cốt trong việc đưa pháp luật tới người dân; GDPL trong giai đoạn hiện nay được hiểu đây là trách nhiệm song hành của nhà nước và người dân. Người dân có quyền được thông tin về pháp luật và có trách nhiệm chủ động tìm hiểu, học tập pháp luật.
Thứ năm, GDPL thể hiện tính nhân văn sâu sắc của Đảng và Nhà nước ta. Việt Nam là đất nước đang phát triển, trình độ dân trí nói chung có sự chênh lệch giữa các vùng đô thị, nông thôn, miền núi, các vùng, địa bàn có điều kiện kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn, giữa các đối tượng công chức, viên chức, người lao động, khả năng tiếp cận pháp luật của người dân còn thấp... Chính vì vậy, nếu chỉ dừng ở thông tin, phổ biến pháp luật sẽ là chưa đủ để nâng cao nhận thức cho người dân trong việc tìm hiểu, đón nhận thông tin, biết, hiểu, áp dụng và tuân thủ pháp luật... Do đó, GDPL với xác định mục tiêu đầy đủ, có tư duy và cách thực hiện thực chất sẽ giúp cho người dân được thuận lợi hơn trong tiếp cận pháp luật, được biết, hiểu, nâng cao ý thức trong tìm hiểu, tuân thủ pháp luật, có tình cảm, niềm tin, từ đó, dần hình thành nét văn hóa trong tìm hiểu, chấp hành pháp luật...
Thứ sáu, giáo dục pháp luật trong mối quan hệ với tuyên truyền pháp luật và phổ biến pháp luật
Tuyên truyền pháp luật có nội hàm hẹp hơn giáo dục pháp luật. Tuyên truyền pháp luật chỉ là một trong những hình thức cơ bản của GDPL. Giáo dục pháp luật bao gồm nhiều loại hình thức và có tính chất bền vững, thường xuyên, liên tục, mang tính chất là một quá trình trên các quy mô khác nhau, đa dạng về chủ thể và nội dung, phương pháp.Tuyên truyền pháp luật là sự truyền tải thông tin về pháp luật cũng nhằm mục đích cung cấp thông tin pháp luật, vận động, tác động đến các đối tượng được tuyên truyền biết, hiểu và chấp hành pháp luật.
Phổ biến pháp luật cũng là một trong những quy trình cơ bản đầu tiên của GDPL. Hiện nay ở Việt Nam xu hướng chung là có sự hợp nhất cả hai khái niệm đó: phổ biến, giáo dục pháp luật - một thuật ngữ được dùng chính thức trong văn bản pháp luật, cụ thể là Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật. Xét một cách toàn diện, tuyên truyền, phổ biến cũng thuộc phạm trù GDPL nói chung. Ngoài phương diện tuyên truyền, phổ biến pháp luật, phạm trù GDPL còn bao hàm các hình thức khác như đào tạo, bồi dưỡng, giảng dạy, tập huấn, tiếp cận pháp luật ở các cấp độ nhất định.
 
 
Xuất phát từ những yêu cầu của thực tiễn, khoa học lý luận GDPL cần có cách tiếp cận trên phương diện kiến thức, thái độ, hành vi và kỹ năng. Vì vậy, GDPL có thể được quan niệm như sau: GDPL là hoạt động có định hướng, có tổ chức, do các chủ thể có chức năng, nhiệm vụ GDPL tiến hành thông qua các phương pháp, hình thức đa dạng, linh hoạt, phù hợp với đặc điểm của từng đối tượng, vùng miền nhằm truyền tải kiến thức, nội dung, quy định pháp luật liên quan mật thiết đến cuộc sống của người dân; thông tin về thực tiễn thi hành pháp luật; hướng dẫn kỹ năng chủ động, tự giác, tìm hiểu, sử dụng, chấp hành pháp luật; định hướng, nâng cao nhận thức, từ đó hình thành nên ở họ ý thức pháp luật, tình cảm, niềm tin về pháp luật và hành vi phù hợp với các yêu cầu của pháp luật, bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Việc xác định khái niệm GDPL như trên bám sát từ thực tiễn công tác GDPL, yêu cầu và bối cảnh trong giai đoạn hiện nay; đồng thời, góp phần tạo cơ sở lý luận cho việc đổi mới tư duy, cách tiếp cận trong xác định mục tiêu, yêu cầu, cách thức tổ chức thực hiện công tác GDPL, từ đó, góp phần nâng cao khả năng tiếp cận GDPL của người dân, thúc đẩy tiến trình hoàn thiện nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN.
Ngô Quỳnh Hoa
Phó Vụ trưởng, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
  1. Hội đồng quốc gia chỉ đạo biên soạn từ điển bách khoa Việt Nam (2002), Từ điển Bách khoa Việt Nam, Quyển 2 (E-M), NXB Từ điển bách khoa, Hà Nội.
  2. Nguyễn Như Ý (Chủ biên) (1998), Đại Từ điển Tiếng Việt, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
  3. Hoàng Thị Kim Quế (2007), Giáo trình Lý luận chung về Nhà nước và pháp luật, NXB Đại học quốc gia Hà Nội, Hà Nội.
  4. Nguyễn Đình Đặng Lục (2004), Giáo dục pháp luật trong nhà trường, NXB Giáo dục, Hà Nội.
  5. Lê Văn Hòe (chủ nhiệm đề tài) (2002), Nâng cao hiệu quả giáo dục pháp luật trong các doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn Hà Nội, Đề tài khoa học cấp Bộ, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội.
  6. Ngô Văn Trù (2015), Giáo dục pháp luật cho phạm nhân trong các trại giam ở Việt Nam, Luận án tiến sĩ luật học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội.
  7. Nguyễn Quốc Sửu, Lê Thiên Hương, Ngọ Văn Nhân, Bùi Huy Tùng, Trần Anh Hùng (2014), Tăng cường giáo dục pháp luật cho đội ngũ cán bộ, công chức hành chính của tỉnh Đắk Lắk, Sách chuyên khảo, NXB Lý luận chính trị, Hà Nội.
  8. Trần Thị Sáu (2012), Giáo dục pháp luật cho học sinh trong trường trung học phổ thông ở Việt Nam, Luận án tiến sĩ Luật học, Học viện Chính trị- Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội.
Các tin đã đưa ngày: