Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe đồng chí Nguyễn Văn Tám – Trưởng phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật – Sở Tư pháp đánh giá sơ qua về tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật ở địa phương; đồng thời, trên cơ sở Quyết định số 619/QĐ-TTg ngày 08/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư số 07/2017/TT-BTP ngày 28/7/2017 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, dự thảo cuốn Sổ tay hướng dẫn nghiệp vụ đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật và qua nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong quá trình theo dõi địa phương thực hiện, đồng chí Nguyễn Văn Tám đã hướng dẫn nghiệp vụ đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật, giải đáp một số khó khăn, vướng mắc của các địa phương và các đại biểu tham dự Hội nghị, đặc biệt là làm rõ về thời gian đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2017 cho phù hợp với thời gian đánh giá, công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp và của Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh; đồng thời hướng dẫn việc sử dụng phiếu khảo sát sự hài lòng của tổ chức, cá nhân về thực hiện thủ tục hành chính theo đúng hướng dẫn tại Thông tư số 07/2017/TT-BTP…
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Lê Tiến Hiếu đã nhấn mạnh nhiệm vụ đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở được Đảng và Nhà nước đã và đang quan tâm triển khai thực hiện. Công tác này có mối quan hệ gắn bó mật thiết đến công tác xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn 2016-2020 theo Chương trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và là tiêu chí 18.5 trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới theo Quyết định số 1980. Trên cơ sở các Quyết định triển khai thực hiện của Trung ương, văn bản hướng dẫn của Bộ Tư pháp, UBND tỉnh, đồng chí Lê Tiến Hiếu đã chỉ rõ: Công tác đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật phải được triển khai thực hiện tại 11 huyện, thị xã và 111 xã, phường, thị trấn, nhất là ưu tiên tập trung đánh giá 12 xã về đích nông thôn mới cho phù hợp thời điểm đánh giá, công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Kết luận Hội nghị, đồng chí Phó Giám đốc Sở Tư pháp đã đề nghị các địa phương tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau:
Một là, Phòng Tư pháp các huyện, thị xã tiếp tục tham mưu UBND cùng cấp triển khai, hướng dẫn thực hiện xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật ở tất cả 111 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.
Hai là, nghiên cứu mẫu đánh giá sự hài lòng của tổ chức, cá nhân về chất lượng, thái độ phục vụ khi thực hiện thủ tục hành chính để thực hiện, tránh chồng chéo, gây phiền hà cho tổ chức, cá nhân.
Ba là, Phòng Tư pháp, Chủ tịch UBND cấp xã cần nghiên cứu kỹ Công văn số 3141/UBND-NC ngày 20/9/2017 của UBND tỉnh hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2017, trong đó cần chú ý đến thời điểm đánh giá, mốc đánh giá, phân công công chức làm đầu mối theo dõi, đánh giá, chấm điểm; khẩn trương tiến hành đánh giá, công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đúng thời gian, bảo đảm đúng nguyên tắc trong quá trình triển khai thực hiện. Khi đánh giá, công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật cần phối hợp với Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cấp huyện để bảo đảm thống nhất về thời gian, đồng bộ trong triển khai thực hiện.
Bốn là, các địa phương chưa thành lập Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật thì kịp thời thành lập Hội đồng, Quy chế hoạt động của Hội đồng.
Năm là, Hàng năm, các địa phương cần quan tâm bố trí kinh phí triển khai thực hiện theo phân cấp ngân sách hiện hành và hướng dẫn của cấp trên nhằm bảo đảm triển khai thực hiện công tác đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn tỉnh đạt chất lượng, hiệu quả./.
Hà Thị Nguyệt