Liên kết website

Vĩnh Phúc: Tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 209/2015/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh về tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2016 – 2020

13/10/2020

Trên cơ sở thực hiện Nghị quyết số 209/2015/NQ-HĐND ngày 22/12/2015 của HĐND tỉnh về tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2016- 2020 (sau đây gọi là Nghị quyết số 209), sau 05 năm thực hiện Nghị quyết số 209, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đã đồng loạt vào cuộc triển khai thực hiện có trọng tâm, trọng điểm gắn với nhiệm vụ chính trị của tỉnh, kinh tế- xã hội của từng địa phương.

Các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Nghị quyết số 209 đề ra đã được thực hiện đúng yêu cầu. Kết quả đạt được cụ thể như sau:

Tập huấn nghiệp vụ, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật các cấp: hàng năm đội ngũ báo cáo viên pháp luật các cấp, cán bộ phụ trách pháp chế đều được tập huấn nghiệp vụ, bồi dưỡng kiến thức pháp luật thường xuyên. Từ năm 2016 đến nay, Ban Chỉ đạo Nghị quyết số 209/2015/NQHĐND đã tổ chức 10 hội nghị tập huấn bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ PBGDPL cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, cán bộ phụ trách pháp chế của các sở, ban, ngành. Kết quả này đã góp phần không nhỏ vào việc ổn định an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương. Thực tiễn hoạt động và những kết quả đạt được đó đã từng bước khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của đội ngũ Báo cáo viên pháp luật trong công tác PBGDPL.

Mở lớp tập huấn cho cán bộ và nhân dân ở cơ sở: Ban chỉ đạo Nghị quyết số 209/2015/NQ-HĐND phối hợp với UBND các huyện, thành 7 phố mở các lớp tập huấn cho cán bộ và nhân dân ở cơ sở. Từ năm 2016 đến nay, mở được 1.360 lớp, cho 216.019 lượt người tham dự. Nội dung các lớp tập huấn đã được các cấp bám sát tình hình thực tiễn của từng địa phương để triển khai cho phù hợp với từng đối tượng; tập trung chủ yếu các lĩnh vực pháp luật liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân. Ngoài lớp tập huấn cán bộ và nhân dân ở cơ sở còn được phổ biến pháp luật thông qua mô hình “Ngày pháp luật”, “Câu lạc bộ pháp luật”, hoạt động của các Tổ hòa giải ở cơ sở, hệ thống loa truyền thanh cơ sở, Tủ sách pháp luật…
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đến cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng vũ trang nhân dân được triển khai mạnh mẽ bằng nhiều hình thức phong phú, thông qua việc ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai của ngành, đơn vị mình, tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, lớp tập huấn pháp luật. Ở cấp tỉnh: Tổ chức 6.037 hội nghị, lớp tập huấn, buổi tuyên truyền pháp luật với 435.019 người tham gia. Ở cấp huyện: tổ chức 3.907 cuộc tuyên truyền pháp luật cho cán bộ và nhân dân ở cơ sở với trên 232.710 lượt người tham dự.

Bên cạnh đó, việc phổ biến giáo dục pháp luật cho đối tượng đặc thù cũng được thực hiện đạt hiệu quả. Cụ thể: 90% số vụ bạo lực gia đình được tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về hôn nhân gia đình, bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình qua các hình thức; trên 40% người khuyết tật được tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật liên quan đến người khuyết tật qua các hình thức; 100% người đang chấp hành hình phạt tù; người đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; người đang chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ, cấm cư trú, quản chế, tước một số quyền công dân, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; người bị phạt tù được hưởng án treo; người được đặc xá, chấp hành xong hình phạt tù về nơi cư trú, sinh sống tại địa phương và người đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được phổ biến các quy định pháp luật về quyền và nghĩa vụ của công dân, pháp luật về hình sự, thi hành án hình sự, xử lý vi phạm hành chính;

Công tác PBGDPL của tỉnh còn được thực hiện qua các hình thức như: Trang bị sách pháp luật cho các sở, ban, ngành, cơ quan Đảng, đoàn thể ở tỉnh; UBND các huyện, thành phố; thông qua biên soạn, in ấn, phát hành tài liệu; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật; Phổ biến, giáo dục pháp luật trên các phương tiện thông tin, truyền thông; thông qua công tác xét xử lưu động; thông qua các hoạt động triển khai Ngày Pháp luật Việt Nam…

Đặc biệt, công tác PBGDPL của tỉnh luôn được Ủy ban nhân dân tỉnh quan tâm chỉ đạo đầu tư kinh phí, kiện toàn và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực PBGDPL. Ngân sách cấp tỉnh cấp kinh phí cho công tác PBGDPL từ năm 2016 đến nay là 48.500.000.000 đồng (mỗi năm là 9.700.000.000 đồng, trong đó riêng cho xét xử lưu động là 1.750.000.000 đồng/năm x 5 năm =8.750.000.000 đồng). Đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật thường xuyên củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng. Báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh có 111 người; có 157 báo cáo viên pháp luật cấp huyện, 2.559 tuyên truyền viên pháp luật; có 6.166 hoà giải viên, đây là lực lượng tích cực trong công tác PBGDPL, vận động nhân dân chấp hành tốt pháp luật, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở cơ sở.

Có thể nói hiệu quả của công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh tác động xã hội to lớn, góp phần nâng cao ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân giúp cho chính sách, pháp luật của Nhà nước được thực thi trong thực tiễn, hạn chế vi phạm pháp luật; giảm bớt tình trạng khiếu nại, tố cáo không có căn cứ, kéo dài, vượt cấp, xây dựng môi trường sống lành mạnh trong cộng đồng dân cư góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và tăng cường quản lý nhà nước bằng pháp luật trên địa bàn tỉnh. Cụ thể: tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm luôn đạt ở mức cao so với các tỉnh đồng bằng sông Hồng và cao hơn cả nước; tình hình an ninh chính trị trên địa bàn tỉnh được đảm bảo.
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật
Các tin đã đưa ngày: