Liên kết website

Tỉnh Đắk Lắk: Nhiều “Điểm cộng” cho Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu kiến thức pháp luật năm 2020

05/11/2020

Thi tìm hiểu pháp luật là một trong những hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật sinh động được nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện. Tại Đắk Lắk hằng năm UBND tỉnh đều ban hành các Kế hoạch tổ chức các cuộc thi, hội thi, như: Hội thi hòa giải viên giỏi cơ sở năm 2018, Cuộc thi viết tìm hiểu pháp luật Hình sự năm 2019…Các Cuộc thi này đã thu hút đông đảo các đối tượng tham gia, để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp tại địa phương.

Năm nay, trong bối cảnh Đắk Lắk cùng cả nước chung tay phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh thay đổi hình thức thi tìm hiểu pháp luật, từ “trực tiếp” thành “trực tuyến”. Và ngày 13/4/2020, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 3140/KH-UBND của UBND tỉnh về việc tổ chức Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu kiến thức pháp luật năm 2020. Đây là cuôc thi tìm hiểu pháp luật đầu tiên được UBND tỉnh tổ chức với hình thức trực tuyến,nhưng đã đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận.

Bài bản từ khâu chỉ đạo, chuẩn bị tổ chức triển khai Cuộc thi:
Ngay sau khi UBND tỉnh ban hành Kế hoạch tổ chức Cuộc thi, Ban Tổ chức Cuộc thi đã kịp thời chỉ đạo xây dựng website Cuộc thi “thitimhieuphapluat.daklak.gov.vn”, xây dựng Bộ câu hỏi bảo đảm chất lượng, dễ hiểu, dễ nhớ và có ý nghĩa tuyên truyền cao; đồng thời ban hành nhiều văn bản triển khai như: Thể lệ Cuộc thi, Thông báo phân công nhiệm vụ thành viên Ban Tổ chức, công văn tuyên truyền, phổ biến về Cuộc thi,…

Để truyền thông về Cuộc thi, ngày 26/7/2020 Ban Tổ chức đã tổ chức Lễ phát động tại Trung tâm Văn hóa tỉnh với sự tham gia của nhiều cơ quan, ban ngành, đoàn thể và đông đảo cán bộ, chiến sĩ, công chức viên chức, học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, Ban Tổ chức đã phổ biến, đăng tải các tài liệu, hình ảnh trên trang web Cuộc thi, Cổng thông tin điện tử tỉnh, Báo Đắk Lắk và một số phương tiện truyền thông khác; đồng thời xây dựng chuyên mục “Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu kiến thức pháp luật” trên trang Trang thông tin điện tử của Sở Tư pháp,…Nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương cũng đã quan tâm đăng tải đường link về Cuộc thi, ban hành các văn bản triển khai, hưởng ứng về Cuộc thi, …

Đông đảo thí sinh hưởng ứng tham gia
Trong những năm gần đây, các hội thi, cuộc thi do UBND tỉnh tổ chức đều thu hút số lượng lớn thí sinh đăng ký tham gia, như Hội thi hòa giải viên giỏi năm 2018 được tổ chức ở 03 cấp của tỉnh, thu hút tổng số 3.242 lượt hòa giải viên tham gia; Cuộc thi “Tìm hiểu Bộ luật Hình sự năm 2015” ở cấp tỉnh đã thu hút được 3.715 bài dự thi, ... Không thua kém các năm trước, Cuộc thi trực tuyến năm nay có đến 5.060 người đăng ký tài khoản tham gia thi với 7.884 lượt thi. Đây là con số được phần mềm cập nhật tự động, có độ chính xác cao, cụ thể: Đợt 1 thi “Tìm hiểu kiến thức pháp luật về phòng, chống tham nhũng” có 2.484 người đăng ký tham gia với 3.616 lượt thi; Đợt 2 thi “Tìm hiểu kiến thức pháp luật về lao động” có 2.576 người đăng ký tham gia với 4.268 lượt thi.

Kết quả về số người tham gia nêu trên còn phản ánh sự quan tâm phổ biến, hưởng ứng về Cuộc thi của các cơ quan, đơn vị, địa phương. Nhiều cơ quan đơn vị, địa phương có số thí sinh đăng ký thi đông đảo như: Sở Giáo dục và Đào tạo với 1.563 người (cả học sinh THPT đăng ký thi), Trường Đại học Tây Nguyên với 537 người, Công an tỉnh với 257 người; huyện Krông Pắk với 504 người, huyện Cư Kuin với 230 người, huyện Ea H’leo với 218 người, thành phố Buôn Ma Thuột với 207 người, huyện Ea Kar với 112 người, thị xã Buôn Hồ với 100 người, v.v..

Thành phần thí sinh tham gia Cuộc thi năm nay rất đa dạng, trong đó nhiều nhất là học sinh, sinh viên với 2.551 người, chiếm 50,43%; tiếp đến là công chức, viên chức, người lao động 2.043 người, chiếm 40,4%; cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân 448 người, chiếm 8,9%; …

Nhiều bài thi có chất lượng tốt
Để đạt giải của Cuộc thi, bên cạnh việc phải trả lời nhiều câu hỏi nhất, các thí sinh còn cạnh tranh bằng thời gian làm bài ngắn nhất. Và hẳn nhiên, để đạt giải cao, các thí sinh phải có sự đầu tư nghiên cứu cách thức làm bài hiệu quả, có phương án học và đương nhiên là phải tìm hiểu rất kỹ các quy định của pháp luật có liên quan đến nội dung thi.

Theo số liệu thống kê của cả 02 đợt, có tổng số 87 lượt thi trả lời đúng 20/20 câu hỏi, có 85 lượt thi trả lời đúng 19/20 câu hỏi, có 121 lượt thi trả lời đúng 18/20 câu hỏi, có hơn 1.000 lượt thi trả lời đúng từ 10 đến 17 câu hỏi,…Hầu hết, các thí sinh đều sử dụng từ 2 hoặc 3 lượt thi theo quy định của Thể lệ, nhờ đó đã góp phần chuyển tải được nhiều nhất các quy định của pháp luật đến với các đối tượng tham gia. Trong số đó, nhiều bài thi có thời gian làm bài ngắn vượt trội, được tính bằng giây và xứng đáng được giải cao của Ban Tổ chức.

Với kết quả đó, Ban Tổ chức đã quyết định công nhận trao 32 giải cá nhân cho 30 thí sinh có tài khoản thi hợp lệ (trong đó có 02 thí sinh đạt giải trong cả 02 đợt thi), có số câu trả lời đúng nhiều nhất và có thời gian trả lời nhanh nhất theo thứ tự từ cao xuống thấp; đồng thời trao 05 giải tập thể cho các cơ quan, đơn vị có kết quả chỉ đạo triển khai, hưởng ứng Cuộc thi tốt nhất.

Cuộc thi có nhiều “điểm cộng”, hiệu quả tuyên truyền cao
Cuộc thi có sự hưởng ứng, tích cực tham gia của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh,… Nhờ đó, đã góp phần nâng cao nhận thức pháp luật về lĩnh vực phòng, chống tham nhũng và lao động cho các đối tượng tham gia; qua đó góp phần hình thành thói quen chủ động học tập, tìm hiểu pháp luật nói chung của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang, báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, và đặc biệt là học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh. Đây là cơ sở, động lực để tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức các Cuộc thi tìm hiểu pháp luật khác trong thời gian tới.

Cuộc thi được tổ chức dưới hình thức trực tuyến, có ưu điểm là giúp mọi người có thể tham gia thi mọi lúc, mọi nơi thông qua các thiết bị điện tử thông minh rất phổ biến hiện nay; đồng thời, tiết kiệm được thời gian, chi phí tổ chức, cũng như chi phí, thời gian của đối tượng dự thi, mang lại hiệu quả tuyên truyền cao. Ngoài ra, Cuộc thi cho thấy tính hiệu quả của việc áp dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, phù hợp với yêu cầu, định hướng “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật” của Bộ Tư pháp và UBND tỉnh.

Với những kết quả đạt được, có thể khẳng định rằng Cuộc thi đã tạo hiệu ứng tích cực trong xã hội, đạt được mục đích, yêu cầu, nhiệm vụ mà Kế hoạch tổ chức Cuộc thi của UBND tỉnh đề ra. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Cuộc thi trực tuyến năm nay có một số tồn tại như: công tác chỉ đạo, hướng dẫn, truyền thông về Cuộc thi của một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn chậm, chưa rộng rãi; số lượng người đăng ký tham gia thi chưa cao. Những hạn chế đó đã phần nào làm giảm hiệu quả của Cuộc thi, do đó các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh và các địa phương cần tiếp tục quan tâm, chỉ đạo, chủ động tham mưu tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật thuộc ngành, lĩnh vực, phạm vi quản lý; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và có biện pháp truyền thông hiệu quả hơn nữa đối với các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, cũng như các hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật khác được tổ chức trên địa bàn tỉnh.
Hoàng Trọng Hùng - Trưởng phòng PBGDPL, Sở Tư pháp tỉnh Đắk Lắk
Các tin đã đưa ngày: