Cuộc sống càng phát triển thì sự hiểu biết cũng như nghĩa vụ thực hiện các quy định của pháp luật càng phải trở nên hết sức quan trọng. Nhân ngày pháp luật Việt Nam (9 - 11), hãy cùng nhìn lại, nâng cao nhận thức, thay đổi hành động, để tinh thần pháp luật lan tỏa, thực sự trở thành điều thiết yếu, chỗ dựa pháp lý của mỗi tổ chức, cá nhân.
Thời gian qua nhiều người cho rằng pháp luật không thực tế và cấp thiết như cơm ăn, nước uống hàng ngày, và họ đã phải trả giá về điều đó bằng những bản án, sự thua thiệt trong những tranh chấp dân sự và hợp tác kinh tế...
Sống trong một đất nước pháp quyền với nền pháp luật ngày càng được hoàn thiện, rõ ràng chúng ta không thể sống và làm việc mà không hiểu biết pháp luật cũng như chậm chạp trong việc đề cao nghĩa vụ thực hiện các quy định của pháp luật, dù chỉ một giây.
Một giây thôi, trong tích tắc đồng hồ đã khiến cho một người dân bình thường trở thành người vi phạm pháp luật nếu không hiểu biết, không dành sự tôn trọng đúng mức các quy định của pháp luật.
Đó không phải là chuyện ai đó có thể tự nghĩ ra để huyễn hoặc, hù dọa, mà chính là thực tế đầy xót xa từ những lời khai tại nhiều phiên tòa.
Chỉ một phút để cảm xúc chi phối mà chồng đã giết vợ, con giết cha, một người bình thường đã trộm cắp vì không chế ngự được lòng tham hoặc là người đi đường sa vào những vụ xung đột bạo lực sau khi va chạm giao thông...
Nếu như có kiến thức pháp luật, sống chậm một chút, đề cao ý thức thực hiện quy định pháp luật, thì tin rằng những điều đau xót đó sẽ được hạn chế đi rất nhiều.
Trường THPT Lý Thường Kiệt (TP Thanh Hóa) tuyên truyền phòng, chống ma túy cho học sinh
Pháp luật có thể không làm cho nhiều người sợ, nhưng với quy định nghiêm khắc, sự thẳng ngay của pháp luật sẽ khiến nhiều người không còn có thể sống buông thả, vội vã và thiếu trách nhiệm.
Ranh giới giữa vi phạm và không vi phạm pháp luật bây giờ khá mong manh khi mà có quá nhiều tình huống trong cuộc sống đặt ra, đem đến cho chúng ta sự bất ngờ.
Thậm chí có những tình huống đòi hỏi chúng ta phải hiểu biết pháp luật trong quá trình xử lý thì mới có thể tránh được vi phạm. Điển hình trong số đó là việc ứng xử trên không gian mạng. Chỉ một động tác nhấp chuột trên màn hình có thể chúng ta đã bị dẫn dắt, lôi kéo vào những việc làm sai trái mà bản thân chưa thể nhận biết ngay lập tức được.
Cùng với đó những cạm bẫy, sự cám dỗ trong cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày cũng đang trở nên nhiều hơn, phức tạp và tinh vi hơn. Các đối tượng xấu thường lợi dụng sự nể nang, thiếu hiểu biết pháp luật của nhiều người để dụ dỗ, xúi dục họ thực hiện hành vi phạm tội.
Thực tế là đã có nhiều người vì nể nang, vì lòng thương, nên đã vô tình vận chuyển hàng hóa phi pháp, hỗ trợ những việc làm sai trái cho các đối tượng xấu mà không hề biết. Chỉ đến khi bị bắt giữ mới ngã ngửa người ra thì đã muộn.
Thậm chí có những người từng công tác ở cơ quan bảo vệ pháp luật, những đối tượng thường xuyên được tuyên truyền về pháp luật, nhưng cũng dễ dàng vi phạm pháp luật. Điều đó không có gì lạ cả khi mà ý thức pháp luật, nguyên tắc hành động theo quy định của pháp luật ở họ không được đề cao và thường xuyên nuôi dưỡng.
Huyện đoàn Quan Sơn phối hợp với Công an huyện triển lãm tranh, ảnh “Nói không với ma túy”.
Những năm gần đây tình trạng vi phạm pháp luật ngày càng gia tăng và có xu hướng trẻ hóa lứa tuổi. Số người có trình độ, nhận thức cao vi phạm pháp luật cũng ngày một nhiều hơn. Những thông tin này khiến cho cuộc sống trở nên rất đáng lo ngại, đòi hỏi phải có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu, kịp thời.
Bắt đầu từ năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 9 - 11 hàng năm là Ngày pháp luật Việt Nam. Việc có riêng một Ngày pháp luật trong năm cho thấy sự quan tâm rất lớn của Chính phủ đối với công tác soạn thảo, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục và thi hành pháp luật, nhằm xây dựng một Nhà nước pháp quyền với những nguyên tắc, chuẩn mực về pháp luật và đạo đức, mỗi người dân đều có nghĩa vụ tôn trọng và thực hiện đầy đủ các quy định của Hiến pháp và pháp luật.
Trong những năm qua công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật được cơ quan tư pháp, cơ quan bảo vệ pháp luật thực hiện bằng nhiều hình thức như xuất bản sách, báo, triển lãm tranh ảnh, trợ giúp pháp lý, cổ động trực quan, tổ chức các hội thi, hội diễn dưới hình thức sân khấu hóa, nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân, tuy nhiên hiệu quả đem lại thì vẫn chưa như mong muốn.
Việc chưa huy động được tổng lực hệ thống chính trị vào cuộc đồng hành cùng các cơ quan tư pháp, cơ quan bảo vệ pháp luật trong nhiệm vụ làm thay đổi nhận thức về pháp luật của người dân, đang là “rào cản” không nhỏ, khiến cho pháp luật ở nhiều nơi chưa ngấm sâu vào đời sống, điều chỉnh toàn diện và đầy đủ hành vi của tất cả người dân.
Thông qua việc cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát về công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật thời gian qua cho thấy một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa nhận thức đầy đủ vai trò, tầm quan trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật.
Nhiều người cho rằng đây là nhiệm vụ của riêng Ngành Tư pháp, nên chưa sát sao kiểm tra, đôn đốc công việc, chưa có sự phối hợp thực hiện đúng mức. Chỉ khi có những tình huống pháp luật tại cơ quan, địa phương đặt ra họ mới “cầu cứu” đến cơ quan tư pháp để hướng dẫn thực hiện.
Rõ ràng là vẫn còn những “vùng trũng” pháp luật và khoảng trống pháp lý ở không ít cơ quan và địa phương, đang đặt ra, thôi thúc sự hành động của chúng ta.
Một buổi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật của công chức tư pháp xã Lương Nội (Bá Thước)
Ðể công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thực sự đi vào cuộc sống, có sức lan tỏa, làm thay đổi hành vi của nhiều người dân, cùng với việc các cơ quan chức năng tiếp tục tăng cường, đổi mới hình thức, chất lượng tuyên truyên, phổ biến, giáo dục pháp luật; cơ quan bảo vệ pháp luật nghiêm khắc hơn trong thi hành pháp luật, đòi mỗi cấp, ngành phải thật sự hưởng ứng, đề cao giá trị, ý nghĩa của Ngày pháp luật Việt Nam.
Từ ý nghĩa và giá trị cốt lõi của Ngày Pháp luật Việt Nam, mỗi ngành, mỗi cơ quan, địa phương và mỗi người dân cần có những việc làm phù hợp với quy định pháp luật trong cả năm, chứ không phải đến Ngày Pháp luật Việt Nam thì rôm rả, rồi đâu lại vào đó.
Đặc biệt là, muốn tạo ra sự thay đổi thực chất và đảm bảo sự bền vững, thì sự vào cuộc chỉ đạo của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền là hết sức quan trọng.
Chúng ta phải nhận thức được và xác định rõ ràng rằng, cuộc sống càng phát triển thì pháp luật càng trở nên hết sức quan trọng với mỗi tổ chức và công dân.
Bằng những cách khác nhau, hãy để pháp luật thực sự trở thành điều thiết yếu hỗ trợ, bảo đảm sự ổn định và phát triển bình thường của mỗi người dân, mỗi tổ chức như chính sự cần thiết của cơm ăn, nước uống hàng ngày.
Nguồn: http://baothanhhoa.vn