Từ đầu năm 2020 đến nay, Hội đồng Phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) huyện đã hướng dẫn các đơn vị tổ chức gần 80 cuộc tuyên truyền pháp luật phù hợp với nhóm đối tượng và ở từng địa bàn, nhất là tại các xã vùng sâu, khó khăn của huyện, như Đạp Thanh, Thanh Lâm, Đồn Đạc, Nam Sơn, Thanh Sơn. Trong đó, tập trung phổ biến một số vụ việc về: Dân sự, khiếu nại, tố cáo, hộ tịch, chứng thực, hôn nhân gia đình, an toàn giao thông; các lĩnh vực cải cách hành chính, đất đai, bồi thường, GPMB gắn với phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Huyện đã tổ chức nhiều cuộc thi như, Tìm hiểu lịch sử "90 năm - Vinh quang Đảng Cộng sản Việt Nam", thu hút hơn 3.250 người tham gia; thi trực tuyến "Nâng cao nhận thức phòng tránh tai nạn bom mìn, vật nổ do chiến tranh để lại ở Việt Nam" với hơn 300 người tham gia; thi tìm hiểu pháp luật, với 3.300 người tham gia, qua đó tạo sức lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và cộng đồng dân cư.
Mỗi đơn vị bám sát chức năng, nhiệm vụ của mình, chủ động phối hợp tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật hiệu quả cho đồng bào. Thiếu tá Phạm Văn Hải, Đội trưởng Đội CSGT (Công an huyện Ba Chẽ), cho biết: Từ đầu năm đến nay, đơn vị tổ chức 10 cuộc tuyên truyền pháp luật, trong đó tập trung tuyên truyền về Luật giao thông cho người dân và học sinh một số trường học trên địa bàn. Thông qua tuyên truyền miệng, hội thi, hỏi - đáp về pháp luật đã giúp người dân nâng cao kiến thức, ý thức chấp hành pháp luật. Trong các đợt tuyên truyền, đơn vị còn phối hợp tặng quà, trao học bổng cho nhiều học sinh nghèo vượt khó. Đến nay ý thức chấp hành pháp luật của bà con có chuyển biến tích cực, nhất là vi phạm pháp luật giao thông đã hạn chế nhiều.
Bên cạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, huyện quan tâm củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ hòa giải cơ sở tại 74 thôn, bản, khu phố với 446 người đủ điều kiện thực hiện nhiệm vụ hòa giải kịp thời. Hòa giải viên ở các tổ cơ bản đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định của Luật Hòa giải. Từ đầu năm 2020 đến nay, các tổ thực hiện hòa giải thành công 18 vụ việc (đạt 100%). Những người có uy tín ở thôn, bản, khu phố tích cực tham gia cùng chính quyền địa phương giải quyết thành công những mâu thuẫn trong nhân dân; tuyên truyền, vận động bà con phòng ngừa tệ nạn xã hội; quản lý, giáo dục con em không vi phạm pháp luật, mắc tệ nạn xã hội, dần xoá bỏ các hủ tục lạc hậu.
Ông Lý văn Vương (thôn Bằng Lau, xã Nam Sơn) cho biết: Ở thôn, khi có ý kiến, thắc mắc của bà con về pháp luật, nhất là liên quan đến đất đai, chính sách nhà nước, đều được cán bộ xã và huyện tuyên truyền, giải thích rất cặn kẽ. Bà con thôn vẫn nhắc nhau bảo ban con, cháu chấp hành tốt pháp luật, nếu thấy dấu hiệu vi phạm pháp luật thì báo ngay cho chính quyền địa phương biết.
Các đơn vị, địa phương còn lồng ghép công tác tuyên truyền những chủ trương, định hướng của địa phương. Từ đó huy động sự tham gia chủ động, tích cực của nhân dân, nhất là thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, người dân tích cực đóng góp ngày công, hiến cây trồng, hiến đất, dịch tường rào. Nhiều tuyến đường thôn xóm, nội đồng, chợ, nhà văn hóa, được xây dựng, sửa chữa, hoàn thành đúng tiến độ, tạo cảnh quan sạch đẹp, phục vụ tốt nhu cầu đời sống người dân.
Trưởng Phòng Tư pháp huyện Ba Chẽ, cho biết: Ý thức chấp hành pháp luật của người dân địa phương có nhiều chuyển biến tích cực. Những vấn đề khó, phức tạp cần thiết, bà con mới đề nghị trợ giúp pháp lý. Từ đầu năm đến nay, Hội đồng PBGDPL huyện nhận được 8 yêu cầu trợ giúp pháp lý, giảm 12 yêu cầu so với năm 2019. Tình trạng tảo hôn, vi phạm chính sách kế hoạch hóa gia đình giảm đáng kể. Bà con ngày càng chủ động làm ăn, phát triển kinh tế; chấp hành nghiêm túc chủ trương, kế hoạch của địa phương phát động, góp phần bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.
Nguồn: baophapluat.vn