Liên kết website

Đưa pháp luật đến gần với người dân vùng sâu, vùng xa

06/04/2021

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) đóng vai trò quan trọng trong việc đưa pháp luật vào cuộc sống, nâng cao kiến thức và hiểu biết pháp luật cho người dân, nhất là người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần ngăn ngừa, hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật do thiếu kiến thức về pháp luật.

Mường La là huyện nghèo của tỉnh Sơn La, có 16 xã, địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn, dân cư chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí còn thấp, không đồng đều, nhận thức về pháp luật còn hạn chế, một số phong tục, tập quán lạc hậu chưa được xóa bỏ… nhất là tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Khiến tình hình vi phạm các tệ nạn xã hội trên địa bàn nhiều do thiếu hiểu biết kiến thức pháp luật. Do vậy, công tác PBGDPL được cấp ủy, chính quyền địa phương xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng, nhằm giúp người dân được tiếp cận thông tin về pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật.
Ông Nguyễn Văn Bắc, Chủ tịch UBND huyện Mường La cho biết: Để thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền PBGDPL, thời gian qua, Hội đồng phối hợp PBGDPL huyện đã xây dựng các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai thực hiện công tác PBGDPL. Các nội dung, hình thức tuyên truyền được định hướng ngay từ đầu năm. Các kế hoạch, chương trình được cụ thể hóa bằng những việc làm thiết thực, phù hợp với đặc điểm của từng đối tượng, từng địa phương, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Trên cơ sở đó, Hội đồng phối hợp PBGDPL huyện đã được củng cố, kiện toàn gồm 27 người, báo cáo viên pháp luật huyện 25 người, đội ngũ truyền viên các xã 202 người.
 
Với phương châm hướng về cơ sở, huyện đã giao Phòng Tư pháp phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, UBND các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch tuyên truyền. Qua đó, thành lập các tổ công tác phối hợp với các thành viên Hội đồng phối hợp PBGDPL huyện đến các xã, bản để gặp gỡ, nắm bắt tình hình trong nhân dân. Cùng nhau nghiên cứu, họp bàn, thống nhất đưa ra giải pháp tuyên truyền phù hợp nhất với đặc điểm, trình độ dân trí từng vùng, từng dân dân tộc. Nhất là tuyên truyền, phổ biến các luật, quy định mới ban hành, các vấn đề được dư luận xã hội quan tâm như: Luật Hôn nhân gia đình, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, Luật Phòng chống bạo lực gia đình...
Bà Nguyễn Thị Nga, Phó trưởng Phòng Tư pháp huyện chia sẻ: Để công tác tuyên truyền thực sự mang lại hiệu quả, Hội đồng phối hợp PBGDPL huyện đã lựa chọn những báo cáo viên, tuyên truyền viên là người người dân tộc, giàu kinh nghiệm, am hiểu phong tục tập quán sinh hoạt địa phương, trực tiếp tham gia các buổi tuyên truyền bằng tiếng Mông, tiếng Thái, La Ha, Kháng… Các hình thức tuyên truyền cũng được đa dạng như trình chiếu vidio, hình ảnh minh họa, tạo sự gần gũi, thu hút sự chú ý lắng nghe của người dân, giúp người dân dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thực hiện.

Trước đây, khi người dân chưa được tuyên truyên PBGDPL, tình hình vi phạm các tệ nạn xã hội trên địa bàn còn diễn biến phức tạp, do thiếu hiểu biết pháp luật, ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội của địa phương. Đặc biệt là tệ nạn nghiện hút ma túy, tảo hôn, di dịch cư tự do, phá rừng làm nương rẫy… Giờ đây, nhờ thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền PBGDPL, đã góp phần nâng cao hiểu biết luật cho người dân, ý thức chấp hành pháp luật của người dân được nâng lên, hạn chế, ngăn ngừa, các hành vi vi phạm pháp luật do thiếu kiến thức về pháp luật. Đặc biệt là nâng cao ý thức cảnh giác với các luận điệu xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Từ năm 2020 đến nay, đã tổ chức lồng ghép tuyên truyền PBGDPL được hơn 100 buổi thông qua hệ thống loa truyền thanh; tổ chức cấp phát cho các xã, thị trấn và các đơn vị trường học trên địa bàn 8.000 tờ gấp, quyển hỏi và đáp pháp luật các loại; phối hợp tham gia trợ giúp pháp lý cho người nghèo, các gia đình chính sách, phổ biến kiến thức pháp luật tại các xã. Ngoài ra, phát huy vai trò hoạt động hòa giải ở cơ sở, các tổ hòa giải ở cơ sở đã trực tiếp hòa giải 54 vụ, trong đó hòa giải thành công 47 vụ. Công tác hoà giải đã góp phần góp phần giải quyết những mâu thuẫn phát sinh trong cộng đồng dân cư, củng cố tình làng, nghĩa xóm và làm giảm tình trạng khiếu kiện ở cơ sở, khiếu kiện vượt cấp, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. 

Với nhiều giải pháp đồng bộ, cách làm sáng tạo, thực tế, công tác PBGDPL ở huyện Mường La đã có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước nâng cao hiểu biết kiến thức pháp luật của nhân dân các dân tộc, góp phần ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Nguồn: baophapluat.vn
Các tin đã đưa ngày: