Liên kết website

Hiệu quả từ việc đổi mới cách thức tuyên truyền pháp luật về bầu cử

12/05/2021

Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch Covid-19, song song với việc tuyên truyền pháp luật về bầu cử bằng cách thức truyền thống, nhiều địa phương đã kịp thời đổi mới phương thức tuyên truyền thông qua phương tiện thông tin đại chúng.

Tại Bắc Giang, các đơn vị đã sử dụng các loại hình tuyên truyền thông qua phương tiện phát thanh, truyền hình, báo điện tử, trang thông tin điện tử của các tổ chức phụ trách bầu cử để đăng tải chương trình hành động và tiểu sử tóm tắt của người ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH), đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) theo đúng quy định của Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND, bảo đảm công bằng giữa những người ứng cử. 

Còn tại tỉnh Phú Thọ, Sở Tư pháp đã tổ chức hội nghị trực tuyến tuyên truyền pháp luật về bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021 – 2026, kết nối trực tuyến với 239 điểm cầu cấp huyện và cấp xã. Tham gia hội nghị có khoảng 5.000 đại biểu là đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; lãnh đạo UBND các huyện, thành, thị, xã, phường, thị trấn; Ủy ban Bầu cử cấp huyện, cấp xã, công chức tư pháp - hộ tịch, đại diện các Tổ bầu cử… 

Đây là lần đầu tiên Sở Tư pháp tổ chức hội nghị tuyên truyền pháp luật về bầu cử theo hình thức trực tuyến ở cả 3 cấp tỉnh, huyện và xã. Quá trình triển khai tổ chức cho thấy, hội nghị đã phát huy được tính ưu việt và hiệu quả tích cực, đặc biệt là đối với các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa. Việc tổ chức hội nghị theo hình thức trực tuyến rất hữu ích, phù hợp với điều kiện phòng, chống dịch bệnh Covid-19 hiện nay đồng thời tiết kiệm được thời gian đi lại của các đại biểu khi chỉ trong một buổi làm việc, hàng nghìn cán bộ làm công tác bầu cử từ tỉnh đến cơ sở đã được thông tin đầy đủ về các quy định của pháp luật liên quan đến công tác bầu cử và nghiệp vụ bầu cử. 

Từ đầu tháng 4 đến nay, Sở Tư pháp tỉnh Lạng Sơn - Cơ quan thường trực của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) tỉnh đã tổ chức đợt cao điểm tuyên truyền Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND; Luật Tổ chức Quốc hội; Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các văn bản pháp luật có liên quan, phục vụ kịp thời cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. 

Công tác tuyên truyền được thực hiện dưới nhiều hình thức phù hợp, thiết thực với cán bộ và nhân dân, kịp thời cùng với tiến độ, kế hoạch triển khai công tác bầu cử của tỉnh như: Phối hợp với Báo Lạng Sơn, Đài phát thanh-Truyền hình tỉnh thực hiện đăng phát tin bài trên chuyên mục “Thông tin pháp luật”; “Trả lời bạn nghe đài” “Trả lời bạn xem truyền hình”; Xây dựng Phóng sự truyền thanh Tuyên truyền pháp luật về Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND. Phối hợp với UBND các huyện trên địa bàn tỉnh tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật; tích cực hưởng ứng Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND” (xếp thứ 12/63 tỉnh, thành); biên soạn và phát hành tài liệu, đề cương tuyên truyền về bầu cử, đăng tải trên Trang tin PBGDPL của Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh và Trang tin của Sở Tư pháp tỉnh…

Còn tại một số địa phương khác như Sở Tư pháp tỉnh Hưng Yên đã tổ chức hội nghị tập huấn công tác tuyên truyền pháp luật về bầu cử cho 150 đại biểu là báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, lãnh đạo Phòng Tư pháp và đại diện tổ trưởng tổ hòa giải các huyện, thành phố, thị xã. Sở Tư pháp tỉnh Hà Nam đã chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện 51 buổi tuyên truyền, phổ biến các quy định về bầu cử đến đông đảo các nhóm đối tượng, như: cán bộ, công chức, viên chức; báo cáo viên; cán bộ, hội viên các hội đoàn thể; các thành viên của các tổ chức phục trách bầu cử tại cơ sở và nhân dân. Bên cạnh đó, Sở cũng đẩy mạnh tuyên truyền về Bầu cử trên Chuyên trang PBGDPL của tỉnh và Trang thông tin điện tử của Sở. Còn Hội đồng Phối hợp PBGDPL tỉnh Bình Dương đã tổ chức Hội nghị trực tuyến ở 3 cấp với hơn 2.100 người tham dự để giới thiệu Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND…

Qua đó tạo sự thống nhất trong nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; tạo điều kiện để cuộc bầu cử diễn ra thành công tốt đẹp, đảm bảo dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn và tiết kiệm; thực sự trở thành ngày hội của toàn dân tộc. Có thể thấy, với sự vào cuộc của các ngành, các cấp và đội ngũ Báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật sẽ góp phần tích cực vào kết quả cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. 
Nguồn: Báo điện tử Pháp luật Việt Nam 
Các tin đã đưa ngày: