Thành công nhờ giải thích hướng dẫn pháp luật dễ hiểu, cặn kẽ
Trong một đợt tuyên truyền trực tiếp tại địa phương về lĩnh vực đất đai, một cụ bà hơn 70 tuổi tìm đến gặp ông Hưng bày tỏ thái độ rất bức xúc. Qua câu chuyện của bà cụ, ông Hưng được biết, năm 1979, khi xảy ra chiến sự biên giới, gia đình cụ bỏ toàn bộ nhà ở, đất đai đang canh tác để cùng dân bản di tản. Hết chiến tranh gia đình cụ về bản, nhưng không ở chỗ cũ mà dựng nhà trên và canh tác trên diện tích đất mới. Nhà ở và diện tích đất cũ thì gia đình không còn sử dụng, không quan tâm đến nữa.
Sau đó hơn 10 năm, UBND xã xây dựng trụ sở trên diện tích đất nhà ở cũ của cụ. Sau khi trụ sở xã xây xong và hoạt động gần 10 năm, cụ và gia đình đòi chính quyền trả lại đất. Vụ việc giải quyết hơn 10 năm vẫn chưa dứt điểm. Trong quá trình giải quyết đã một số lần cụ bức xúc, có lời nói và hành động quá mức.
Sau cả tiếng đồng hồ vừa phân tích, giải thích, tâm sự để cụ hiểu rõ các quy định của Luật Đất đai, bà cụ đã nhận ra yêu cầu của mình là không phù hợp luật pháp. Trước khi ra về, cụ nói: “Cảm ơn cán bộ, nhờ cán bộ giải thích hướng dẫn dễ hiểu cặn kẽ mà hôm nay tôi hiểu và được giải tỏa hết những ấm ức trong lòng hàng chục năm nay. Nếu không thì tôi vẫn còn hiểu lầm. Nay tôi không đòi đất, không băn khoăn gì nữa”.
Một lần khác, khi đang công tác ở huyện Điện Biên, chính quyền một xã nhờ ông Hưng hòa giải giúp vụ tranh chấp con trâu. Ông Hưng đến tận xã, tìm hiểu và biết theo phong tục, các gia đình người dân tộc H’Mông thường thả trâu lên rừng, đến vụ cày cấy mới tìm trâu về để sản xuất.
Có một gia đình đến báo với UBND xã là mất trâu khi đang thả trên rừng, đồng thời tố một người ở bản khác đã bắt trộm con trâu đó về nhà, đến nay vẫn đang nuôi giữ. Vụ việc diễn ra đã 3 tháng, tổ hòa giải và chính quyền xã hòa giải nhiều lần nhưng hai bên vẫn chưa thống nhất, ai cũng nhận là trâu của mình. Mâu thuẫn ngày càng nặng nề, đến mức người mất trâu còn tuyên bố nếu người kia mà đi qua bản thì sẽ chặn đường đánh.
Sau khi rõ nội dung vụ việc, tìm hiểu các chứng cứ liên quan, xem xét kỹ lượng con trâu, đối chiếu độ tuổi trâu và phong tục nuôi dưỡng tại địa phương, ông Hưng cùng cán bộ xã gặp gỡ từng bên phân tích các quy định pháp luật, phong tục tập quán, diễn biến thực tế, tình cảm cộng đồng, tổ chức cho các bên gặp gỡ hòa giải.
Sau hai ngày làm việc, cuối cùng các bên cũng tự nguyện hòa giải, bên mất trâu nhận lại trâu, bên kia thì được người mất trâu bồi dưỡng một khoản tiền công nuôi dưỡng, chăn dắt. Tối đó, người mất trâu tổ chức bữa rượu mừng, hai bên bắt tay uống chén rượu hòa giải, tiếng cười lại vang lên như chưa từng có vụ tranh chấp căng thẳng.
“Tổng đài bạo lực giới”
Năm 2019, Mạng lưới Ngăn ngừa và Ứng phó Bạo lực Giới tại Việt Nam (GBVnet) vinh danh ông Hưng là “Hiệp sĩ Công lý” vì những đóng góp tích cực trong phòng, chống bạo lực với phụ nữ và trẻ em năm 2018 - 2019. Hành trình trở thành “chiến binh” trên mặt trận đấu tranh vì bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái của ông Hưng có nhiều chuyện cảm động.
Một lần ông Hưng xuống một bản để nói chuyện, tuyên truyền về phòng chống bạo lực gia đình, được biết ở khu vực có một nhóm 3-4 “ma men” sau khi uống say hay về nhà đánh vợ. Buổi nói chuyện hôm đó, những người này cũng đến. Đầu tiên họ tranh luận rất gay gắt về vấn đề bạo lực gia đình, quan niệm rằng đó là chuyện nhà họ, không ai có quyền can thiệp. Tới khi mọi người đưa ra những lập luận phản bác quan điểm, những người này mới thôi, ngồi xuống im lìm.
Buổi nói chuyện kết thúc khi đã khá muộn, đám đàn ông kéo nhau đi. Thấy thái độ của họ tại buổi nói chuyện, ông Hưng lo lắng rằng họ sẽ tiếp tục đi uống rượu sau đó về đánh vợ. Lãnh đạo thôn cũng nghĩ thế vậy, cử người đi giám sát. Nhóm người nay rủ nhau đi uống rượu thật, nhưng để thề ước với nhau là từ nay sẽ không đánh vợ nữa. Ông Hưng thở phào nhẹ nhõm.
Một kỷ niệm khác hơn 10 năm trước. Khi ấy ông Hưng xuống một bản thuộc xã Thanh An, huyện Điện Biên để tuyên truyền, hướng dẫn chị em phụ nữ phòng chống bạo lực gia đình. Buổi tuyên truyền diễn ra ở nhà một người phụ nữ và khán giả cũng toàn là chị em. Ai ngờ, người chồng chủ nhà ngồi dưới bếp nghe thấy hay, liền đi gọi các ông bạn khác đến ngồi nghe và cứ ngồi dưới bếp lắng tai nghe, chứ không chịu lên nhà.
“Sau đó một thời gian, thông tin đến với cán bộ dự án và tôi là nhóm ông chồng “nghe lén” đó không những tự nhận thức được đánh vợ là xấu, mà còn tự mình đi vận động những ông chồng khác trong thôn chấm dứt hành vi bạo lực gia đình. Đến nay đã hơn chục năm, tôi được biết thôn bản đó vẫn là nơi thanh bình, không có bạo lực gia đình”, ông Hưng nói.
Ông Hưng cho hay luôn công khai số điện thoại để sẵn sàng tiếp nhận, tư vấn, can thiệp các trường hợp có yêu cầu liên quan đến các vụ việc bạo lực gia đình, bạo lực giới. Trung bình mỗi tháng ông tiếp nhận và hướng dẫn xử lý, tư vấn hàng chục vụ việc bạo lực gia đình, bạo lực giới trên địa bàn. Thật không sai khi có người gọi ông Hưng là “tổng đài bạo lực giới”, còn bản thân ông tâm niệm, nếu gieo thành công “hạt giống niềm vui” vào mỗi gia đình, thì mỗi “bông hoa bình yên” của xã hội sẽ mãi nở.
Hành trình không ngừng nghỉ
Với nỗ lực đóng góp của toàn ngành Tư pháp tỉnh Điện Biên, công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) ở nơi đây đã có nhiều thành công đáng ghi nhận.
Ông Trần Thanh Hưng (hàng đứng giữa, người thứ 5 từ phải qua) trong các hoạt động tuyên truyền
về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, bạo lực giới.
Trong giai đoạn 2017-2021, các cấp ngành trên địa bàn tỉnh đã có sự phối hợp xây dựng một số mô hình điểm về PBGDPL mang lại hiệu quả thiết thực. Điển hình như mô hình Ban Thông tin truyền thông cấp xã tại huyện Mường Ảng, huyện Điện Biên; mô hình “Mỗi ngày 1 câu hỏi, mỗi tuần 1 điều luật”, “Tháng, tuần điều lệnh”, “Tự giác, tự quản, tự rèn”; CLB An ninh trật tự không có tội phạm, Cụm liên kết an ninh trật tự; mô hình “Dòng họ tự quản, bản làng bình yên”; CLB bộ phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và tuyên truyền, phổ biến pháp luật; các mô hình PBGDPL thuộc hệ thống Hội LHPN các cấp…
Với sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Tư pháp, các UBND cấp huyện luôn tăng cường công tác hướng dẫn nghiệp vụ PBGDPL, nhất là hướng dẫn, đôn đốc việc tuyên truyền các văn bản pháp luật mới được thông qua, tuyên truyền pháp luật gắn với sự kiện chính trị của đất nước, của tỉnh và PBGDPL trên Cổng/Trang thông tin điện tử của tỉnh, của ngành và cấp huyện; tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và nghiệp vụ PBGDPL cho đội ngũ cán bộ làm công tác PBGDPL, báo cáo viên pháp luật các cấp, tuyên truyền viên pháp luật, hòa giải viên ở cơ sở…
Với cá nhân ông Hưng, PBGDPL là hành trình không bao giờ ngừng lại, bền bỉ mọi lúc mọi nơi mọi hoàn cảnh. Câu chuyện dưới đây là một minh chứng và cũng thay cho lời kết bài viết về người cán bộ Tư pháp yêu nghề, say nghề: “Trong một lần đi kiểm tra công tác tư pháp tại xã, tôi ngủ lại tại nhà Chủ tịch xã trong bản. Buổi tối miền núi không có điện, vừa lạnh, vừa buồn. Ngủ sớm thì không quen nên tôi hỏi Bí thư Chi Đoàn bản là buổi tối ở bản thì thanh niên thường làm gì? Được biết buổi tối thì thường uống rượu, chơi bài hoặc đi chơi nhà này nhà nọ rồi về ngủ thôi”.
“Tôi nhờ Bí thư Chi đoàn thanh niên bản mời toàn thể thanh niên bản tập trung tại Nhà văn hóa nói chuyện pháp luật. Sau nửa tiếng, hơn 30 thanh niên của bản đã tập trung đầy đủ. Tôi hỏi các thanh niên về cuộc sống, quan niệm về gia đình, về hôn nhân, về tình yêu, tình bạn… rồi để cho họ bộc bạch, tự trao đổi. Sau đó tôi hướng dẫn họ thảo luận, lồng ghép các nội dung của Luật Hôn nhân & Gia đình vào để vừa tuyên truyền, vừa giải thích, vừa tạo động lực cho họ thể hiện quan điểm của mình. Chỉ một thời gian ngắn, hầu hết các thanh niên có mặt đã quên đi cái e ngại ban đầu, mọi người đều mạnh dạn nói, động viên nhau thực hiện những điều tích cực hơn trong cuộc sống, đặc biệt đa số đã thống nhất sẽ bỏ các hủ tục lạc hậu về hôn nhân gia đình đang tồn tại ở địa phương. Hôm đó, tới gần nửa đêm nhưng các bạn thanh niên như không muốn về, vẫn mải mê thảo luận, trao đổi. Nhìn cảnh đó, tôi biết những kỷ niệm đẹp này sẽ là niềm vui, động lực để tôi nỗ lực hơn nữa với ngành Tư pháp, với trách nhiệm được giao mang ánh sáng của pháp luật đến với người dân”.
Ông Trần Thanh Hưng trong nhiều năm luôn nhận được nhiều Bằng khen, Giấy khen, Danh hiệu thi đua của UBND tỉnh, Bộ Tư pháp, Tổng Cục Thi hành án hình sự & Hỗ trợ tư pháp - Bộ Công an, Sở Tư pháp tỉnh, Hội Luật gia Việt Nam… cho cá nhân có thành tích xuất sắc trong các mặt hoạt động của công tác tư pháp, pháp luật. Năm 2019, mạng lưới Ngăn ngừa và Ứng phó Bạo lực Giới tại Việt Nam (GBVnet) vinh danh ông Trần Thanh Hưng là “Hiệp sĩ Công lý” vì những đóng góp tích cực trong phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em năm 2018 – 2019.
Nguồn: Báo điện tử Pháp luật Việt Nam