Liên kết website

Tăng cường giáo dục pháp luật cho đồng bào các dân tộc thiểu số

16/10/2021

Nhằm kế thừa và phát huy những kết quả đạt được về tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) giai đoạn 2017-2021, hiện nay Thanh Hóa tiếp tục triển khai tuyên truyền PBGDPL, giai đoạn 2021-2026 với nhiều kế hoạch, trong đó có Kế hoạch số 31/KH-UBND ngày 9/2/2021 của UBND tỉnh.

Nhiều năm qua, tại Thanh Hóa, Sở Tư pháp luôn phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh và các huyện miền núi triển khai đẩy mạnh công tác tuyên truyền PBGDPL cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), giai đoạn 2017 - 2021 và đã thu được nhiều kết quả tốt đẹp. Điều này đã được Ban Chỉ đạo Đề án Tăng cường PBGDPL cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2017-2021 của Thanh Hoá tổ chức hội nghị tổng kết vào ngày 24/9/2021.

Theo đánh giá tổng kết, Đề án được triển khai trên tất cả địa bàn 59 xã, phường, thị trấn thuộc 11 huyện, thị xã, thành phố biên giới, ven biển; được cấp uỷ chính quyền các cấp, các ngành, đoàn thể và nhân dân trên địa bàn đánh giá cao.

Cụ thể, Sở Tư pháp đã biên soạn, in ấn, cấp phát 3.600 cuốn bản tin tư pháp, 20.000 cuốn đề cương tuyên truyền pháp luật, hơn 100.000 tờ gấp các loại… Hệ thống tủ sách, ngăn sách pháp luật, mạng lưới truyền thanh ở các xã, phường, thị trấn, đồn biên phòng được củng cố, khuyến khích được thói quen tìm hiểu pháp luật trong cán bộ và nhân dân.

Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh in ấn, phát hành hơn 242.000 tờ rơi, tờ gấp pháp luật, xây dựng 4 tiểu phẩm có nội dung tuyên truyền PBGDPL, xây dựng 120 phóng sự chuyên mục, 60 phóng sự ngắn có nội dung tuyên truyền, PBGDPL; phối hợp truyên truyền vận động 2.635 người Mông có quan hệ thân tộc 2 bên biên giới cam kết không vượt biên trái phép sang Lào, không di cư tự do, truyền đạo trái pháp luật; phối hợp các lực lượng chức năng bắt và khởi tố 173 vụ/194 đối tượng phạm tội về ma tuý, thu giữ hơn 94 kg heroin, 216.237 viên ma tuý tổng hợp…

Nói về kết quả Đề án Tăng cường PBGDPL cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2017-2021, ông Hoàng Văn Truyền, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Thanh Hóa khẳng định: Để đạt được kết quả tốt đẹp trên là sự phối hợp, là nỗ lực rất lớn của các ngành, các cấp đặc biệt là Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh, Sở Tư pháp và 11 huyện miền núi cũng như bà con nhân dân trong đó có đồng bào DTTS.

Tại Mường Lát, huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, PBGDPL cho đồng bào dân tộc thiểu số DTTS nói chung, đồng bào dân tộc Mông và Khơ Mú nói riêng.

Mường Lát, hiện nay có 16.782 người dân tộc Mông, 1.022 người dân tộc Khơ Mú, đời sống kinh tế của đồng bào gặp nhiều khó khăn, kiến thức pháp luật hạn chế. Nhằm nâng cao kiến thức pháp luật cho đồng bào DTTS trong đó có đồng bào Mông và Khơ Mú, huyện Mường Lát đã phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh, các sở, ban, ngành tổ chức được 5 hội nghị tuyên truyền pháp luật cho gần 1.000 lượt cán bộ, đảng viên và nhân dân vùng dân tộc Mông và Khơ Mú.

Ngoài ra, Phòng Dân tộc huyện phối hợp với các xã, thị trấn vùng dân tộc Mông, Khơ Mú tổ chức 2 cuộc tuyên truyền, PBGDPL cho gần 500 lượt người.

Nội dung tuyên truyền được tập trung các văn bản luật, như: Luật Hôn nhân và Gia đình; Luật Bình đẳng giới; Luật Hòa giải; Luật Phòng, chống mua bán người; Luật Phòng, chống ma túy; vấn đề tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống... Thông qua công tác tuyên truyền, giúp người dân vùng đồng bào dân tộc Mông, Khơ Mú huyện Mường Lát nâng cao kiến thức, ý thức chấp hành pháp luật, giảm thiểu các hành vi vi phạm pháp luật, tích cực phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới.

Hay tại Quan Sơn, thực hiện Đề án Tăng cường công tác PBGDPL, từ năm 2017 - 2021 huyện tổ chức tuyên truyền pháp luật và trợ giúp pháp lý đến từng bản, hộ gia đình trên địa bàn được 65 buổi, thu hút 1.876 lượt người tham gia, nội dung PBGDPL gồm: Luật Biên giới quốc gia, Luật Tố cáo, Luật Tiếp công dân, Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước, Luật Tiếp cận thông tin...

Huyện Quan Sơn, ngoài tăng cường tuyên truyền PBGDPL cho đồng bào DTTS nói chung, còn chú trọng PBGDPL cho đồng bào Mông của 3 bản trên địa bàn hai xã Sơn Thủy và Na Mèo nói riêng, qua đó giúp đồng bào thay đổi tư tưởng, xóa bỏ quan niệm lạc hậu, góp phần vào sự phát triển chung của vùng đồng bào DTTS.

Ban Dân tộc tỉnh, Sở Tư pháp, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa phối hợp với UBND huyện Bá Thước tổ chức hội nghị phổ biến kiến thức pháp luật cho 205 đại biểu người có uy tín trong đồng bào DTTS năm 2021.

Hiện nay, Hội đồng Phối hợp PBGDPL của huyện Bá Thước có 24 thành viên, 24 báo cáo viên pháp luật, 307 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã, 205 tổ hòa giải với 1.276 hòa giải viên. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, PBGDPL mà nhận thức và ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật của người dân trong huyện đặc biệt là đồng bào DTTS được nâng lên.

Công an huyện phối hợp với 3 trường THPT tổ chức tuyên truyền các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ và phòng, chống ma túy. Hội Luật gia huyện Bá Thước phối hợp UBND xã Lũng Cao tổ chức hội nghị PBGDPL cho cán bộ và nhân dân thôn Trình, xã Lũng Cao các văn bản pháp luật về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, Luật Căn cước công dân, Luật Cư trú, Luật Đất đai, Luật Lâm nghiệp (Lũng Cao là xã tiếp giáp với 2 huyện Mai Châu và Tân Lạc, Hòa Bình, đây là địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự).

Còn tại huyện Như Xuân, các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện luôn quan tâm lãnh, chỉ đạo và phối hợp thực hiện hiệu quả công tác PBGDPL. Hàng năm, UBND huyện Như Xuân chỉ đạo các cơ quan, ngành chức năng chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền PBGDPL có trọng tâm, trọng điểm gắn với việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và tăng cường quản lý Nhà nước bằng pháp luật. Qua đó, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của đồng bào DTTS, đảm bảo quốc phòng - an ninh, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền, PBGDPL từ huyện đến cơ sở từng bước được củng cố, kiện toàn, cơ bản đảm bảo số lượng, chất lượng. Các văn bản quy phạm pháp luật được phổ biến bằng nhiều hình thức phong phú, phù hợp với từng đối tượng. Nhận thức, hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức đồng bào các DTTS từng bước được nâng lên.

Đối với huyện Cẩm Thủy, hiện nay huyện có 119 tổ hòa giải, với 859 hòa giải viên. Công tác tuyên truyền PBGDPL của huyện luôn được quan tâm chú trọng, đặc biệt là tuyên truyền PBGDPL ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS sinh sống. Như, gần đây huyện Cẩm Thủy đã phối hợp với UBND xã Cẩm Tú tổ chức hội nghị tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2021…  

Cũng theo ông Hoàng Văn Truyền cho biết, giai đoạn tới Thanh Hóa tiếp tục tăng cường, quan tâm xây dựng, củng cố và bồi dưỡng đội ngũ làm công tác PBGDPL đảm bảo yêu cầu đổi mới hội nhập. Ở vùng đồng bào dân tộc, Thanh Hóa quan tâm xây dựng đội ngũ làm công tác PBGDPL có khả năng truyền đạt tiếng dân tộc tốt, có như vậy hiệu quả mang lại sẽ cao hơn, tốt hơn.
Nguồn: thanhtra.com.vn
Các tin đã đưa ngày: