Liên kết website

Sâu sát thực tế cơ sở, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác hòa giải ở cơ sở và thực hiện chuẩn tiếp cận pháp luật

21/09/2022

Xuất phát từ mục đích lấy người dân là trung tâm phục vụ, hướng tới môi trường pháp lý lành mạnh, nơi người dân được bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng, kịp thời nắm bắt tình hình thực tiễn, những khó khăn, vướng mắc tại cơ sở, từ đó hướng dẫn hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền các giải pháp thúc đẩy công tác hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật ngày càng hiệu quả, thực chất, tiếp nối hoạt động kiểm tra tại tỉnh Nghệ An, vào chiều ngày 16/9/2022, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp đã tổ chức kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở và chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn xã Trường Sơn, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.

Đoàn kiểm tra do đồng chí Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật làm Trưởng đoàn, đồng chí Ngô Quỳnh Hoa, Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật làm Phó Trưởng đoàn. Về phía địa phương có đồng chí Nguyễn Thị Hoa Phượng, Trưởng phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật, Sở Tư pháp tỉnh Hà Tĩnh; đồng chí Nguyễn Tiến Thắng, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Đức Thọ; đồng chí Nguyễn Anh Đức, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đức Thọ; đồng chí Thái Thị Thu Thủy, Phó Trưởng phòng Tư pháp huyện Đức Thọ; đồng chí Nguyễn Văn Tuyến, Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Trường Sơn, công chức Tư pháp - Hộ tịch và các công chức chuyên môn được giao theo dõi, chấm điểm các tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp luật, đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã, đại diện các đơn vị, tổ chức, đoàn thể có liên quan, một số tổ trưởng tổ hòa giải trên địa bàn xã Trường Sơn.
 
Về công tác hòa giải ở cơ sở, theo báo cáo của đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân xã Trường Sơn và đại diện các tổ chức, đoàn thể, Tổ trưởng tổ hòa giải và qua kiểm tra trực tiếp hồ sơ nghiệp vụ tại Ủy ban nhân dân cho thấy: Cấp ủy Đảng, Ủy ban nhân dân xã Trường Sơn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, chi bộ, tổ dân phố, tổ hòa giải thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở; chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành đến đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác hòa giải và Nhân dân trên địa bàn; phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở, như: Kiện toàn tổ hòa giải và hòa giải viên[1], tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ hòa giải viên, đồng thời cử các tổ trưởng tổ hòa giải tham gia tập huấn kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở do Uỷ ban nhân dân huyện Đức Thọ, Sở Tư pháp tỉnh Hà Tĩnh tổ chức; thực hiện sao, in, cấp phát các tài liệu pháp luật cho các tổ hòa giải, bố trí kinh phí phục vụ công tác hòa giải ở cơ sở[2], 100% các tổ hòa giải được Ủy ban nhân dân xã cấp Sổ theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở để ghi chép, theo dõi, lưu giữ thông tin các vụ, việc hòa giải, hàng năm Ủy ban nhân dân xã tiến hành kiểm tra việc thực hiện hoạt động hòa giải ở các tổ hòa giải... Với truyền thống văn hóa đoàn kết, giúp đỡ nhau, vì vậy trên địa bàn xã rất ít nảy sinh mâu thuẫn, xích mích. Từ ngày 01/01/2019 đến ngày 10/9/2022, trên địa bàn xã chỉ phát sinh 02 vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở và đã được các tổ hòa giải thực hiện hòa giải thành 02 vụ việc. Bên cạnh những kết quả đã đạt được thì hoạt động hòa giải ở cơ sở còn có những tồn tại như năng lực của đội ngũ hòa giải viên còn hạn chế[3], kinh phí bố trí cho công tác hòa giải ở cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu, mức chi còn thấp…

Đối với công tác thực hiện chuẩn tiếp cận pháp luật, năm 2021 là năm thứ 5 xã Trường Sơn được Chủ tịch UBND huyện ký quyết định công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Kết quả này cho thấy sự quan tâm lãnh đạo chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị đối với công tác này. Lãnh đạo UBND xã Trường Sơn đã chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các công chức chuyên môn có liên quan theo dõi, chấm điểm các chỉ tiêu, tiêu chí và theo dõi việc phối hợp giữa công chức chuyên môn và công chức Tư pháp - Hộ tịch, đề ra giải pháp thực hiện tốt các chỉ tiêu, tiêu chí và nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân trong các lĩnh vực liên quan đến tiếp cận pháp luật; tổ chức tự đánh giá, đề nghị công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật bảo đảm đúng thời hạn quy định. Tuy nhiên, việc thực hiện chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn xã cũng có một số vướng mắc, hạn chế như tiêu chí xã chuẩn tiếp cận pháp luật là một tiêu chí tổng hợp của rất nhiều tiểu tiêu chí, việc phân công công chức phụ trách từng mảng tiêu chí đã thực hiện nhưng một số công chức cấp xã phụ trách nhiều nhiệm vụ nên xảy ra tình trạng quả tải công việc dẫn đến hiệu quả công việc trong một số trường hợp chưa cao. Kinh phí dành cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và hòa giải ở cơ sở còn rất hạn hẹp, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn... Qua buổi kiểm tra và kiểm tra thực tế hồ sơ lưu trữ cho thấy, hồ sơ đánh giá, chấm điểm, đề nghị công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đã được lập đầy đủ, thực hiện đánh giá, chấm điểm bảo đảm tuân thủ đúng thời hạn quy định, thực hiện đầy đủ việc niêm yết công khai kết quả tự đánh giá, chấm điểm. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hồ sơ, tài liệu kiểm chứng, chứng minh cho việc chấm điểm của một số chỉ tiêu, tiêu chí tiếp cận pháp luật còn chưa đầy đủ để làm cơ sở cho việc chấm điểm, đánh giá kết quả (như tiêu chí dân chủ ở cơ sở đạt điểm tối đa nhưng không có hồ sơ minh chứng…); một số Sổ theo dõi đã được lập ở xã như Sổ theo dõi công khai văn bản, Sổ theo dõi cung cấp thông tin nhưng không có thông tin và nội dung cụ thể…

Ghi nhận các ý kiến đề xuất, đồng chí Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật đề nghị địa phương quan tâm thực hiện một số vấn đề sau:
- Sở Tư pháp tỉnh Hà Tĩnh cần hướng dẫn triển khai thống nhất các nhiệm vụ đảm bảo đúng trách nhiệm và quy định, trong đó có việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hỗ trợ tập huấn cho các huyện, nhất là vấn đề chuyên môn nghiệp vụ, hướng dẫn các mô hình hay, hiệu quả, chú trọng sơ kết, tổng kết, khen thưởng… Trong công tác hòa giải ở cơ sở, cần tiếp tục quan tâm, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ, thực hiện việc giao lưu chia sẻ kinh nghiệm, mô hình hay, cách làm hiệu quả giữa các xã, huyện trên địa bàn tỉnh.

- Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Phòng Tư pháp huyện Đức Thọ quan tâm toàn diện, sâu sắc, thực chất đến công tác này, bố trí con người, nguồn lực, chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, theo dõi việc thực hiện nhiệm vụ của các xã trên địa bàn, cần tổ chức kiểm tra chuyên đề, đặc biệt là thực hiện theo các văn bản mới hiện nay; từ đó hỗ trợ, giải đáp các vấn đề mà cơ sở còn lúng túng, khó khăn.

- Đề nghị Ủy ban nhân dân xã Trường Sơn tiếp tục thực hiện sát sao chỉ đạo của cấp trên bảo đảm công tác hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật đi vào nề nếp, thực chất, bài bản. Từ năm 2021 đến nay, địa phương phát sinh ít vụ, việc thuộc phạm vi hòa giải[4], nhưng điều đó không có nghĩa là không cần thiết duy trì tổ hòa giải mà trên thực tế, các hòa giải viên còn thực hiện công tác dân vận, tham gia tuyên truyền, vận động người dân đoàn kết, tuân thủ nghiêm chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, cần quan tâm đến việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các đối tượng đặc thù nhằm bảo đảm quyền bình đẳng trong việc tiếp cận thông tin pháp luật của đối tượng này.

Đồng chí Lê Vệ Quốc cũng thông tin, hiện nay Bộ Tư pháp đang phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu, sửa đổi Thông tư liên tịch số 100/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 30/7/2014 của Bộ Tư pháp - Bộ Tài chính việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở, trong đó có nội dung đề xuất điều chỉnh tăng mức chi thù lao vụ việc hòa giải, cho hỗ trợ hoạt động của tổ hòa giải...; Thông tư liên tịch số 14/2014/TTLT-BTC-BTP  ngày 27/01/2014 quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở nhằm bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn.
Ghi nhận, đánh giá cao vai trò, vị trí và ý nghĩa to lớn của công tác hòa giải ở cơ sở đối với việc giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, tăng cường khối đại đoàn kết trong cộng đồng dân cư; của nhiệm vụ đánh giá, công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đối với quản lý nhà nước, quản lý xã hội, trong đó có xây dựng nông thôn mới, lãnh đạo địa phương cam kết sẽ khắc phục những tồn tại, khó khăn, thực hiện tốt những đề nghị của đồng chí Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật để nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác hòa giải ở cơ sở, thực hiện chuẩn tiếp cận pháp luật trong thời gian tới./.
Thụy An
 

[1]Đến nay, toàn xã có 10/10 thôn có tổ hòa giải ở cơ sở với 66 hòa giải viên (50 nam, 16 nữ). Thành phần Tổ hòa giải có Bí thư, Chi hội trưởng các hội đoàn thể (như Hội Phụ nữ, Hội người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh...).
[2] Năm 2020 đã chi 3.000.000 đồng; năm 2021 đã chi 3.000.000 đồng, trong đó chi hỗ trợ vụ việc hòa giải 400.000 đồng; 6 tháng đầu năm 2022  đã chi hỗ trợ tổ hòa giải 6.000.000 đồng.
[3] Nhiều hòa giải viên cho biết còn chưa có kiến thức xác định vụ, việc (mâu thuẫn) nào được hòa giải ở cơ sở; vụ, việc nào không được hòa giải ở cơ sở.
[4] Theo Báo cáo có 02 vụ việc hòa giải.
Các tin đã đưa ngày: