Việc ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn; quán triệt, phổ biến Luật được quan tâm thực hiện kịp thời
Sau khi Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật được ban hành, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh
[1], theo đó, các sở, ngành và Ủy ban nhân dân cấp huyện đã tổ chức quán triệt đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân về nội dung của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật. Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch
[2] và tổ chức Hội nghị chuyên sâu triển khai thi hành Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật cho đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp Nhà nước trên địa bàn tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện. Đặc biệt, Ủy ban nhân dân tỉnh đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành văn bản chỉ đạo về nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân
[3] và tổ chức triển khai thực hiện.
Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã ban hành Nghị quyết số 09/2014/NQ-HĐND ngày 07/7/2014 quy định mức chi thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 13/2014/QĐ-UBND ngày 31/7/2014 quy định mức chi thực hện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật , chuẩn tiếp cận pháp luật cho người dân tại cơ sở trên địa bàn tỉnh. Sau 10 năm thực hiện, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành 146 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, từ đó tạo điều kiện cho các sở, ngành và Ủy ban nhân dân các cấp thuận lợi trong việc tổ chức thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại đơn vị, địa phương.
Hoạt động của Hội đồng phối hợp PBGDPL được đổi mới, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin
Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh đã thực hiện tốt chức năng tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc xây dựng Chương trình, Đề án, Kế hoạch về phổ biến, giáo dục pháp luật và các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật; phối hợp, lựa chọn nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh với xây dựng và thi hành pháp luật; việc tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật cho một số đối tượng đặc thù; tập trung phổ biến pháp luật đối với các vấn đề đang được dư luận xã hội quan tâm; thực hiện các giải pháp huy động các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật hoặc hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện cho hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật tại địa phương.
Năm 2021, Trang thông tin điện tử PBGDPL tỉnh Đồng Tháp được xây dựng và đi vào hoạt động đã góp phần cải thiện điều kiện tiếp cận thông tin, giúp việc sử dụng, khai thác thông tin về pháp luật bảo đảm tính chính xác, đầy đủ, kịp thời, thực hiện hiệu quả việc phổ biến, giáo dục pháp luật bằng hình thức trực tuyến. Bên cạnh đó, phát huy thế mạnh của mạng xã hội các ngành, các cấp đã xây dựng hơn 70 nhóm Zalo để phổ biến, giáo dục pháp luật kịp thời và hiệu quả. Điểm nổi bật của Hội đồng là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động, chia sẻ thông tin, lấy ý kiến qua hộp thư điện tử, mạng xã hội thuận tiện, kịp thời và hiệu quả, giảm việc tổ chức các cuộc họp tập trung, tiết kiệm thời gian và chi phí. Hằng năm, khi cơ quan Thường trực Hội đồng dự thảo nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật đều gửi lấy ý kiến các thành viên Hội đồng, Ủy ban nhân dân cấp huyện trước khi trình Chủ tịch Hội đồng ban hành, từ đó nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật luôn sát với yêu cầu thực tiễn tại các đơn vị và địa phương, tránh tình trạng chồng chéo nội dung, hình thức, tạo thuận lợi cho công tác phối hợp giữa các ngành ngày càng chặt chẽ và đồng bộ hơn.
Trách nhiệm của các sở, ban, ngành, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong phổ biến, giáo dục pháp luật ngày càng được nâng cao
Qua công tác triển khai sâu sát, các cơ quan, đơn vị, địa phương xác định việc “Cải thiện, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức và người dân” là nhiệm vụ chính trị quan trọng, cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện, từ đó phát huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị tích cực tham gia thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại địa phương. Các ngành đã tăng cường phối hợp thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật như: Sở Tư pháp đã phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Tỉnh đoàn; phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Trường Đại học Đồng Tháp, Trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp để nâng cao kiến thức pháp luật cho học sinh, sinh viên và phối hợp với Báo Đồng Tháp, Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Tháp thực hiện các chuyên trang chuyên mục trên Báo, Đài… Công tác phối hợp đồng bộ đã phát huy hiệu quả PBGDPL thực chất, lan tỏa về chiều rộng và chiều sâu.
Ngoài ra, công tác phổ biến giáo dục pháp luật được các cấp, các ngành kết hợp với giáo dục đạo đức góp phần nâng cao ý thức “sống và làm theo Hiến pháp và pháp luật”, đạo đức công vụ, trách nhiệm nghề nghiệp cho đội ngũ công chức, viên chức trong thực thi công vụ, vận động gia đình, người thân chấp hành nghiêm những quy định của pháp luật, đưa pháp luật đi vào đời sống.
Nhân lực thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật được quan tâm bố trí
Hằng năm, đội ngũ Báo cáo viên, Tuyên truyền viên pháp luật thường xuyên được rà soát để kịp thời thay đổi, bổ sung theo đúng quy định. Toàn tỉnh hiện có 62 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, 381 báo cáo viên cấp huyện, 1.918 tuyên truyền viên pháp luật. Để nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, hằng năm Ủy ban nhân dân tỉnh đều tổ chức tập huấn trực tuyến hoặc trực tiếp về kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật cho báo cáo viên cấp tỉnh, cấp huyện và tuyên truyền viên cấp xã, từ đó, đã nâng cao năng lực cho đội ngũ này, trang bị kỹ năng nghiệp vụ, cách làm hay, hiệu quả trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, đặc biệt là hiểu đúng chức năng, nhiệm vụ của báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật nhằm thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo quy định.
Hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật luôn được quan tâm, đổi mới, đa dạng hóa và hướng về cơ sở
Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương kết hợp có hiệu quả giữa các hình thức tuyên truyền pháp luật truyền thống và các hình thức mới, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác này.
Việc biên soạn tài liệu hỏi đáp pháp luật được các cấp, các ngành thực hiện thường xuyên. Trong 10 năm qua, toàn tỉnh đã phát hành trên 559.000 Sổ tay tuyên truyền pháp luật, tờ gấp hỏi đáp pháp luật chuyển tải thông tin cần thiết đến với đoàn viên, hội viên và người dân. Điểm mạnh của hình thức tuyên truyền này là người dân có thể trực tiếp đọc hoặc mang tài liệu về nhà để tuyên truyền đến người thân, gia đình, bạn bè.
Phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội được thực hiện thường xuyên qua các chuyên mục, tiểu mục trên sóng truyền hình của Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Tháp. Thời lượng mỗi Chuyên mục từ 05 đến 15 phút, đã trực tiếp thông tin về chủ trương, chính sách, pháp luật có liên quan đến người dân như: Chuyên mục Phổ biến pháp luật, Biết để làm đúng; Tư vấn pháp luật, Pháp luật và cuộc sống; Vì chủ quyền an ninh biên giới; Vì an ninh tổ quốc; Câu chuyện giao thông, an toàn giao thông…; Chuyên trang, chuyên mục phổ biến, giáo dục pháp luật ở hai loại hình báo chí (báo in, báo điện tử) của Báo Đồng Tháp và phổ biến, giáo dục pháp luật qua “Câu chuyện truyền thanh” được thực hiện mỗi tháng 02 lần trên sóng phát thanh của Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Tháp.
Tổ chức các Cuộc thi, Hội thi tìm hiểu pháp luật cũng là một trong các hình thức PBGDPL được triển khai và mang lại hiệu quả rõ nét, là cầu nối chuyển tải những nội dung pháp luật vào cuộc sống và mở rộng được phạm vi đối tượng tuyên truyền (bao gồm cả người dự thi và người theo dõi Cuộc thi). Trong 10 năm qua, tỉnh đã tổ chức 55 Cuộc thi, Hội thi. Trong đó, nổi bật nhất là Cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, đã có 10.962 người tham gia; Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu kiến thức pháp luật dành cho học sinh Trung học phổ thông” đã thu hút gần 11.000 lượt học sinh tham gia dự thi; Cuộc thi trực tuyến “Pháp luật học đường” đã có 2.160 thí sinh tham gia; tổ chức 02 Cuộc thi trực tuyến “Thanh niên với kiến thức pháp luật” đã thu hút trên 55.000 đoàn viên, thanh niên tham gia…
Phổ biến pháp luật thông qua hoạt động hòa giải ở cơ sở cũng là hình thức phổ biến mang lại hiệu quả thiết thực, vì trong mỗi cuộc hòa giải, Hòa giải viên vừa trực tiếp tuyên truyền, giải thích pháp luật vừa đồng thời áp dụng quy định của pháp luật, tâm lý, tình cảm… để giải quyết vụ việc mâu thuẫn đặt ra; qua đó giúp cho người dân hiểu rõ hơn, đầy đủ hơn về pháp luật cũng như ý thức chấp hành pháp luật. Đến nay, toàn tỉnh đã kiện toàn 721 Tổ hòa giải, với 4.240 Hòa giải viên, các Tổ hòa giải đã tiếp nhận và đưa ra hòa giải kịp thời đúng quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013, tỷ lệ hòa giải thành hằng năm đạt trên 80% và duy trì năm sau cao hơn năm trước.
Hình thức phổ biến pháp luật lồng ghép trong hoạt động văn hóa, văn nghệ, sinh hoạt của tổ chức chính trị và các đoàn thể, câu lạc bộ được thực hiện thường xuyên qua việc biên tập, dàn dựng, biểu diễn kịch bản thông tin tuyên truyền biểu diễn văn hóa, văn nghệ tại địa phương; đa dạng hóa hình thức PBGDPL lồng ghép qua các buổi sinh hoạt của 117 Hội quán, 338 Câu lạc bộ Pháp luật và hơn 259 Câu lạc bộ đờn ca tài tử. Hình thức phổ biến pháp luật này đã mang lại nhiều kết quả thiết thực, bởi vì không đơn thuần là lồng ghép tuyên truyền pháp luật trực tiếp mà các địa phương đã sáng tạo đưa các quy định của pháp luật xây dựng thành các tiểu phẩm, cải lương, ca kịch để vừa biểu diễn mang tính nghệ thuật vừa chuyển tải những thông điệp, những nội dung cơ bản của pháp luật đến với người dân. Từ cách làm này đã tạo thêm sự hấp dẫn, thu hút được sự chú ý của người dân.
Nhiều mô hình mới, sáng tạo trong công tác phổ biến pháp luật được xây dựng, nhân rộng và phát huy hiệu quả cao
Trong quá trình triển khai Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, nhiều mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật đã được thí điểm và hướng dẫn nhân rộng như:
Mô hình Câu lạc bộ hòa giải ở cơ sở. Xuất phát từ mục đích hoạt động của Câu lạc bộ hòa giải là tạo điều kiện để các Hòa giải viên tiếp cận, cập nhật những kiến thức pháp luật mới kịp thời và cùng trao đổi kinh nghiệm để vận dụng vào công tác hòa giải. Công tác phổ biến pháp luật qua hoạt động hòa giải đã góp phần nâng cao chất lượng công tác phổ biến pháp luật và hòa giải ở cơ sở.
Nhóm Zalo phổ biến, giáo dục pháp là mô hình ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL đã kịp thời chia sẻ thông tin pháp luật với nội dung ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, vừa cung cấp kiến thức pháp luật, vừa nhắc nhở người dân chấp hành pháp luật, hình thức này thực hiện thường xuyên mỗi tuần 03 đến 05 tài liệu và được cán bộ, công chức và Nhân dân đồng tình hưởng ứng.
Các cấp Hội Phụ nữ phối hợp với các ngành xây dựng được 30 Câu lạc bộ “Phụ nữ với pháp luật” với 735 thành viên; 34 Câu lạc bộ “Gia đình không vi phạm pháp luật” với 1.007 thành viên; 63 Câu lạc bộ “Phụ nữ với an toàn giao thông”, “Văn hóa giao thông, gia đình với an toàn giao thông” có 1.976 thành viên. Đặc biệt phát huy hiệu quả Tổ Dư luận xã hội với 165 tổ/1.852 thành viên.
Mô hình lồng ghép PBGDPL qua trên 117 Hội quán trên địa bàn tỉnh cũng được các đơn vị và địa phương phát huy hiệu quả với hình thức đa dạng như hỏi đáp pháp luật có thưởng, hái hoa dân chủ… từ cách làm này đã được các thành viên trong Hội quán và người dân đồng tình hưởng ứng.
“Điểm tư vấn pháp luật miễn phí” hay các “Tổ Tư vấn pháp luật”đã tạo nên nét mới trong công tác tuyên truyền pháp luật đến người dân, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, học tập, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư…
Từ những kết quả đã đạt được, thời gian tới, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp sẽ tiếp tục đạt hiệu quả thiết thực hơn nữa, góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức, phát huy tinh thần tự giác học tập, tìm hiểu pháp luật của cán bộ, công chức và Nhân dân, nhất là chủ động tìm hiểu, nghiên cứu các quy định pháp luật mới, có liên quan đến nhiệm vụ và cuộc sống, phục vụ đắc lực cho công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương./.