Đề án được ban hành có ý nghĩa quan trọng góp phần hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược, chương trình quốc gia, kế hoạch của Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố về xây dựng văn hóa con người Hà Nội, môi trường Thủ đô an toàn, lành mạnh, bình đẳng, tiến tới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em. Trong thời gian qua, Hội phụ nữ thành phố đã chú trọng đa dạng hóa các mô hình tư vấn pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, trẻ em, các mô hình tuyên truyền, vận động phụ nữ chấp hành pháp luật tại cộng đồng, thành lập và nhân rộng được 64 tổ “Tư vấn giải quyết các vụ việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ và trẻ em”.
Đề án được ban hành với mục tiêu tăng cường truyền, vận động, nâng cao nhận thức của phụ nữ, gia đình và cộng đồng trong phòng chống bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em, xây dựng Thành phố an toàn, thân thiện, trong đó lấy phòng ngừa là chính, phát hiện và kịp thời hỗ trợ các trường hợp phụ nữ, trẻ em bị xâm hại, xử lý nghiêm minh theo pháp luật các hành vi bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em. Tiến đến năm 2026 đạt 100% vụ việc liên quan đến phụ nữ, trẻ em khi phát hiện được Hội lên tiếng bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng, 80% hội viên phụ nữ, trẻ em được tập huấn các kỹ năng tự bảo vệ, phòng tránh bạo lực, xâm hại...
Đề án đã xác định các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như: (i) Tuyên truyền, giáo dục phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em; (ii) Thành lập, nhân rộng và nâng cao chất lượng hoạt động các mô hình phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em (xây dựng và nhân rộng mô hình “Làng quê an toàn”, “Tổ dân phố an toàn”; xây dựng thí điểm mô hình liên ngành một điểm dừng hỗ trợ ban đầu cho phụ nữ, trẻ em bị bạo lực, xâm hại cấp Thành phố); (iii) Triển khai các hoạt động nâng cao năng lực và trách nhiệm cán bộ, công chức, viên chức triển khai công tác bình đẳng giới, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới.
UBND thành phố Hà Nội giao Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội là cơ quan chủ trì thực hiện Đề án, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan triển khai thực hiện hiệu quả Đề án; chủ động cung cấp thông tin các hoạt động và kết quả thực hiện Đề án để làm tốt công tác thông tin, truyền thông. Đồng thời, UBND thành phố Hà Nội cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã; đề nghị các cơ quan tố tụng, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội và các tổ chức chính trị - xã hội Thành phố triển khai các nhiệm vụ cụ thể trong phạm vi của Đề án./.
Nguyễn Thùy Nhung
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật