Liên kết website

Những kết quả nổi bậc qua 10 năm thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Long An

06/11/2022

Long An là tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, có diện tích tự nhiên 4.491,9 km2, dân số gần 1,5 triệu người. Đồng thời, tỉnh Long An nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tiếp giáp với TP.HCM và là cửa ngõ nối liền Đông Nam Bộ với Tây Nam Bộ, có cảng biển, biên giới hội đủ yếu tố phát triển KT-XH. Những năm qua, kinh tế Long An luôn duy trì đà tăng trưởng cao, vươn mình trở thành tỉnh dẫn đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, các lĩnh vực văn hóa - xã hội không ngừng phát triển, quốc phòng an ninh được củng cố. Một trong những yếu tố quan trọng góp phần làm nên những thành quả đó là kết quả từ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL). Việc đưa pháp luật vào thực tiễn cuộc sống luôn được ưu tiên trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và toàn hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh.

Từng bước đưa Luật vào cuộc sống
Năm 2012, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật PBGDPL, và Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013 đã tạo khuôn khổ pháp lý cho bước chuyển mới, căn bản trong công tác tuyên truyền, PBGDPL. Trong qua 10 năm triển khai thực hiện Luật PBGDPL, bằng nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực, nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều thành quả tích cực, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, tuân thủ pháp luật trong nhân dân.

 Thực hiện Luật PBGDPL, năm 2012, UBND tỉnh ban hành các kế hoạch, quyết định để triển khai thực hiện Luật PBGDPL trên địa bàn tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh tổ chức triển khai tập huấn, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ chủ chốt của tỉnh, huyện, các sở, ban ngành, đoàn thể, thành viên Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh, cấp huyện với hơn 150 đại biểu tham dự, cấp phát trên 1.000 cuốn sách Luật PBGDPL cho các đối tượng từ tỉnh đến cơ sở và trang bị cho Tủ sách pháp luật của các xã, phường, thị trấn. Ngoài ra, UBND tỉnh triển khai chuyên sâu Luật PBGDPL cho đội ngũ trực tiếp tham gia công tác PBGDPL cấp tỉnh, huyện như: Một số kỹ năng PBGDPL, hình thức PBGDPL, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật PBGDPL và cấp phát 3.000 cuốn tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ PBGDPL trong đó có nội dung luật PBGDPL, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật cho đội ngũ làm công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh. Thông qua các đợt triển khai, phổ biến văn bản pháp luật mới, các lớp tập huấn nghiệp vụ, Sở Tư pháp - Cơ quan thường trực Hội đồng PBGDPL tỉnh đưa nội dung tập huấn nghiệp vụ công tác PBGDPL cho các đối tượng tham gia làm công tác PBGDPL được 60 cuộc với hơn 14.000 lượt người tham dự. Cũng từ các đợt tập huấn, các Sở, ngành, đoàn thể tổ chức triển khai cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, cán bộ, chiến sĩ thuộc cơ quan, đơn vị mình bằng nhiều hình thức phù hợp như sinh hoạt Ngày pháp luật định kỳ, sinh hoạt chính trị, lồng ghép trong các cuộc họp, sinh hoạt đoàn thể,… với 4.360 cuộc/400.000 lượt người tham dự. Riêng cấp huyện, sau tập huấn đã triển khai tuyên truyền Luật PBGDPL và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật cho các đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của các ban, ngành, đoàn thể huyện, các xã, phường, thị trấn và tuyên truyền thông qua hệ thống Đài, trạm truyền thanh; các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, sinh hoạt Ngày pháp luật định kỳ, Tiết pháp luật trong nhà trường và lồng ghép trong các lớp tập huấn nghiệp vụ, sinh hoạt của các cơ quan, tổ chức, đoàn thể với 64.200 cuộc/4.259.520 lượt người dự. Cấp xã tuyên truyền được 99.600 cuộc/2.842.580 lượt người dự. Từ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến Luật đã tác động tích cực đến phong trào tìm hiểu, học tập pháp luật trong cán bộ và Nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Nâng chất lượng hoạt động công tác PBGDPL
Theo UBND tỉnh, trong 10 năm thi hành luật, UBND tỉnh thường xuyên quan tâm kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng phối hợp PBGDPL và đội ngũ tham gia làm công tác PBGDPL. Từ đó, đội ngũ tham gia công tác PBGDPL của tỉnh không ngừng tăng về số lượng, nâng dần về chất lượng hoạt động, cơ bản đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển của đất nước giai đoạn hiện nay.

Theo đó, hàng năm, UBND tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn các ngành, các đoàn thể trong tỉnh củng cố, kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng PBGDPL. Đến nay, Hội đồng PBGDPL tỉnh có 38 thành viên, Chủ tịch UBND tỉnh làm Chủ tịch Hội đồng, Giám đốc Sở Tư pháp làm Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng;15/15 Hội đồng PBGDPL cấp huyện và 3 Hội đồng PBGDPL trong khối lực lượng vũ trang. Qua quá trình hoạt động, công tác phối hợp giữa các thành viên Hội đồng trong việc triển khai các hoạt động PBGDPL ngày càng chặt chẽ hơn, trách nhiệm được nâng lên thông qua việc ký kết, triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch phối hợp về PBGDPL. Trên cơ sở bám sát nhiệm vụ, quyền hạn được giao, nhiệm vụ chính trị của ngành, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương... Hội đồng tỉnh, cấp huyện đã thực hiện tốt chức năng tư vấn, tham mưu cho UBND cùng cấp thực hiện nhiều mô hình PBGDPL thiết thực, phong phú, đa dạng góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL ở cơ quan, đơn vị, địa phương.
Hiện nay, Hội đồng tỉnh, cấp huyện hoạt động theo quy chế đề ra, họp định kỳ 2 lần/năm để thông tin tình hình, kết quả hoạt động của Hội đồng, đánh giá kết quả đạt được, phát hiện những khó khăn, vướng mắc để đề xuất giải pháp, tháo gỡ, giải quyết cũng như phát hiện, nhân rộng các mô hình hay, cách làm mới, sáng tạo trong công tác PBGDPL. Đồng thời, định kỳ 6 tháng và hàng năm hoặc đột xuất theo yêu cầu của cấp trên, Hội đồng sẽ báo cáo đánh giá về tình hình hoạt động của Hội đồng, đánh giá về tình hình thực hiện công tác PBGDPL và đề xuất, kiến nghị về công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt để thực hiện công tác PBGDPL thực sự đi vào chiều sâu, hiệu quả, hàng năm, Hội đồng tỉnh, cấp huyện đều tiến hành kiểm tra, tự kiểm tra việc thực hiện công tác PBGDPL nhằm đánh giá đúng thực chất, rút ra những bài học kinh nghiệm để phát huy mặt mạnh, tìm ra nguyên nhân, tồn tại, hạn chế để khắc phục và làm cơ sở cho việc xây dựng Chương trình, kế hoạch PBGDPL trong những năm tiếp theo.

Bên cạnh đó, Hội đồng tập trung quan tâm củng cố, kiện toàn đội ngũ công chức được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về PBGDPL. Hàng năm, đội ngũ này đều được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực thực hiện nhiệm vụ và đạo đức công vụ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Hiện, đội ngũ cán bộ làm công tác PBGDPL không ngừng được củng cố, phát triển cả về số lượng và chất lượng, từ đó nâng dần chất lượng hoạt động PBGDPL theo hướng chuyên nghiệp hơn, đảm bảo chuyển tải đầy đủ, kịp thời các quy định pháp luật đến cán bộ và nhân dân. Toàn tỉnh hiện có 84 Báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, 397 Báo cáo viên pháp luật cấp huyện và 2.912 Tuyên truyền viên pháp luật cấp xã đảm bảo đúng tiêu chuấn quy định theo Thông tư 10/2016/TT-BTP.

Đồng thời, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp các ngành bố trí kinh phí, cung cấp trang thiết bị phục vụ đảm bảo thực hiện có hiệu quả công tác PBGDPL, nhất là triển khai thực hiện các Chương trình, Đề án về PBGDPL, trong đó chú trọng triển khai thực hiện các hoạt động xã hội hóa, huy động các nguồn lực xã hội tham gia công tác PBGDPL, nhất là phát huy vai trò, sự tham gia của Hội Luật gia các cấp, Đoàn Luật sư, các tổ chức đoàn thể xã hội cũng như sự hỗ trợ, tài trợ của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động PBGDPL. Trong đó, tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Xã hội hóa công tác PBGDPL, Trợ giúp pháp lý giai đoạn 2017-2021” do Hội Luật gia thực hiện, nhất là công tác huy động nguồn lực xã hội tham gia vào công tác PBGDPL như cán bộ, hội viên Hội Luật gia các cấp tham gia làm Báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, tư vấn viên pháp luật thông qua Trung tâm tư vấn pháp luật để PBGDPL, trợ giúp pháp lý miễn phí cho các đối tượng trên địa bàn theo quy định. Có thể nói, đây là lực lượng nòng cốt, hoạt động có hiệu quả trong suốt thời gian triển khai thực hiện Đề án. Ngoài ra, trong quá trình triển khai thực hiện Đề án, các huyện, thị xã, thành phố còn thành lập được 76 Trung tâm pháp luật cộng đồng, chiếm tỷ lệ 40,4%, huy động hơn 1.140 cộng tác viên tham gia vào Trung tâm pháp luật cộng đồng. Qua 5 năm triển khai thực hiện Đề án, Trung tâm pháp luật cộng đồng đã thực hiện PBGDPL được 1.955 cuộc/44.879 người tham dự, tham gia tư vấn pháp luật miễn phí được 657 vụ việc. Riêng hội viên Hội Luật gia trực tiếp tham gia hòa giải thành ở cơ sở 1.219 vụ việc.

Xây dựng Ngày Pháp luật trở thành ngày hội toàn dân
Một trong những điểm sáng trong công tác tuyên truyền PBGDPL trên địa bàn tỉnh những năm qua khi Ngày pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (09/11) đã thực sự là ngày hội của toàn dân. Thông qua Ngày Pháp luật Việt Nam đã khẳng định vị trí, vai trò của Hiến pháp, pháp luật trong đời sống xã hội, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; tạo chuyển biến về nhận thức, ý thức tuân thủ và chấp hành pháp luật, gắn với công tác xây dựng, thi hành và bảo vệ pháp luật, phát huy dân chủ, hoàn thiện thể chế, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Theo đó, hàng năm UBND tỉnh đều có ban hành và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương xác định cụ thể từng chủ đề để tổ chức thực hiện Ngày pháp luật nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo nội dung, hình thức thiết thực và hiệu quả. Trong đó, khẳng định vị trí, vai trò của Hiến pháp, pháp luật trong quản lý nhà nước và đời sống xã hội; giáo dục cán bộ, công chức, viên chức và người dân ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật; ý thức bảo vệ pháp luật; lợi ích của việc chấp hành pháp luật; tuyên truyền, phổ biến các quy định của Hiến pháp, pháp luật thiết thực với đời sống của nhân dân, gắn với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị; vận động nhân dân nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật; biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong xây dựng pháp luật, thực thi pháp luật, PBGDPL, gương người tốt, việc tốt trong thực hiện pháp luật. Các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức Ngày Pháp luật Việt Nam có thể lựa chọn thông qua các hình thức như mít tinh, hội thảo, tọa đàm, thi tìm hiểu pháp luật, tuyên truyền, phổ biến pháp luật lưu động, triển lãm, các hình thức khác theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp.

Hiện nay, việc tổ chức Ngày Pháp luật Việt Nam đang được các sở ngành, UBMTTQ, các đoàn thể, địa phương hưởng ứng tích cực với nhiều cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả như tổ chức Lễ hưởng ứng gắn với việc triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành, địa phương; tổ chức đối thoại chính sách pháp luật giữa cơ quan nhà nước với người dân và doanh nghiệp; hội thảo, tọa đàm, mítting, diễu hành, tổ chức các cuộc trợ giúp pháp lý miễn phí cho người dân; thông qua các hình thức “Tiết pháp luật”, sinh hoạt ngoại khóa, thi hái hoa dân chủ; “Quán cà phê pháp luật”, “Cà phê doanh nhân”; treo Băng rôn, khẩu hiệu trên các tuyến đường chính, trước cổng trụ sở làm việc của các cơ quan, đơn vị, trường học... tổ chức thi tìm hiểu pháp luật,… Đặc biệt, năm 2015 tham dự cuộc thi viết tìm hiểu Hiến pháp do Bộ Tư pháp phát động trong phạm vi cả nước, tỉnh Long An có gần 10.000 bài dự thi. Đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, thu hút được nhiều người tham gia dự thi, tự học tập, nghiên cứu và tìm hiểu Hiến pháp. Năm 2016, Long An tổ chức thành công Hội thi Hòa giải viên giỏi tỉnh Long An lần thứ IV, thông qua Hội thi đã đẩy mạnh hơn nữa công tác PBGDPL thông qua hoạt động hòa giải ở cơ sở, khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trong của công tác hòa giải cơ sở trong đời sống xã hội. Năm 2017, tổ chức thành công Hội thi “Thanh, thiếu niên trong học đường hiểu biết và thực hiện pháp luật về an toàn giao thông” góp phần nâng cao nhận thức, sự hiểu biết, ý thức tự giác và trách nhiệm của mỗi người khi tham gia giao thông, thực hiện văn hóa giao thông vì an toàn sức khỏe cộng đồng, góp phần hạn chế tai nạn giao thông và vi phạm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh. Còn năm 2019, Hội thi “Tuyên truyền viên giỏi về an toàn giao thông” dành cho Tuyên truyền viên pháp luật cấp xã trên địa bàn tỉnh thu hút đông đảo tuyên truyền viên tham dự, qua đó giúp các Tuyên truyền viên pháp luật giao lưu trao đổi kinh nghiệm, nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng tuyên truyền, PBGDPL; tuyên truyền, phổ biến rộng rãi những quy định của pháp luật về an toàn giao thông để nâng cao ý thức tự giác và trách nhiệm của mỗi người dân khi tham gia giao thông, thực hiện văn hóa giao thông vì an toàn sức khỏe cộng đồng, phòng ngừa, hạn chế vi phạm trật tự an toàn giao thông, tai nạn giao thông,…

Có thể khẳng định rằng, qua 10 năm hưởng ứng, triển khai thực hiện Ngày Pháp luật Việt Nam, các cấp, các ngành, UBMTTQ và các đoàn thể, địa phương luôn quan tâm chỉ đạo, bám sát nội dung chương trình, kế hoạch và định hướng của Bộ Tư pháp, UBND tỉnh trong việc tổ chức, triển khai hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam, tạo sức lan tỏa sâu rộng, thu hút sự quan tâm, hưởng ứng với tinh thần tích cực của cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân. Ngày pháp luật Việt Nam đã trở thành một sự kiện chính trị - pháp lý có ý nghĩa quan trọng đối với đất nước, nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, góp phần đưa pháp luật thực sự đi vào cuộc sống, xã hội.

Nâng chất công tác tuyên truyền, PBGDPL trong các cơ sở giáo dục
Song song với công tác tuyên truyền PBGDPL trong nhân dân, những năm qua, tỉnh Long An còn tập trung nâng chất lượng công tác tuyên truyền PBGDPL trong các cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân. Từ đó góp phần ổn định môi trường giáo dục, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục, gắn với thực hiện tốt việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, cuộc vận động “Hai không”, cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” và phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Nhiều mô hình hay trong công tác tuyên truyền PBGDPL đã được áp dụng tại các đơn vị. 

Hàng năm, Ngành Giáo dục và Đào tạo ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, văn bản chỉ đạo các đơn vị triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác PBGDPL trong nhà trường nhằm cụ thể hoá các chủ trương, chính sách pháp luật của nhà nước, các chỉ đạo của cấp trên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của ngành, thực tế địa phương, đơn vị. Trong công tác tuyên truyền, ngành Giáo dục và Đào tạo tập trung tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về các vấn đề dư luận quan tâm như dạy thêm, học thêm; phòng chống ma túy; phòng chống tội phạm; phòng chống tham nhũng; bạo lực học đường; bảo vệ môi trường và các quy định cụ thể liên quan đến cuộc sống và học tập phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi, trình độ của người học ở từng cấp học. Phối hợp cùng phụ huynh, gia đình tuyên truyền, thực hiện giáo dục đạo đức lối sống, kỹ năng sống, truyền thống dân tộc trên quê hương Long An đối với học sinh, sinh viên thông qua hình thức mạng trực tuyến, nhóm zalo, facebook, Đài Phát thanh và Truyền hình,…

Từ việc PBGDPL trong nhà trường góp phần phục vụ nhu cầu tìm hiểu các quy định pháp luật, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ phục vụ tốt việc dạy và học pháp luật của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh. Hiện nay, 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh tiếp tục duy trì Tủ sách pháp luật; ngăn sách pháp luật và thường xuyên tự trang bị sách báo tài liệu nhằm cập nhật kịp thời các văn bản pháp luật mới, sách nghiệp vụ phục vụ giảng dạy bộ môn và nhu cầu tìm hiểu pháp luật của người dạy, người học. Tính đến thời điểm hiện tại, trong toàn ngành Giáo dục và Đào tạo đã có 571 tổ tuyên truyền, PBGDPL với 3.333 thành viên, 5.308 Tuyên truyền viên pháp luật và 1.110 công chức, viên chức kiêm nhiệm công tác pháp chế tại các đơn vị. Trong giai đoạn 2013 – 2016, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp Sở Tư pháp tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho 1.775  lượt cán bộ quản lý, giáo viên dạy bộ môn Giáo dục công dân cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông thực hiện nhiệm vụ pháp chế, báo cáo viên pháp luật tham gia giảng dạy bộ môn Giáo dục công dân tham dự; giai đoạn 2017-2021 có 981 lượt cán bô quản lý, giáo viên dạy bộ môn Giáo dục công dân cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông thực hiện nhiệm vụ pháp chế, báo cáo viên pháp luật tham gia giảng dạy bộ môn Giáo dục công dân tham dự. Đây là lực lượng nòng cốt đã giúp ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai thực hiện có hiệu quả công tác PBGDPL trong học sinh thông qua hoạt động giảng dạy tích hợp kiến thức pháp luật vào bộ môn Giáo dục công dân trong nhà trường. Hiện tại đội ngũ giáo viên dạy môn học Đạo đức, Giáo dục công dân, Pháp luật được đào tạo chuẩn hóa theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đội ngũ này thường xuyên được sinh hoạt chuyên môn theo tổ khối, theo cụm nhằm bồi dưỡng kiến thức chuyên môn và thống nhất nội dung kiến thức chuẩn, kiến thức tích hợp trong công tác giảng dạy bộ môn.

Quan tâm tuyên truyền PBGDPL cho đối tượng đặc thù
Đặc biệt, trong 10 năm qua, tỉnh Long An luôn tạo điều hiện tốt nhất cho các cấp, các ngành tuyên truyền, PBGDPL đối với các đối tượng đặc thù theo các nội dung, hình thức phù hợp, mang lại hiệu quả cao.

Theo đó, lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh thường xuyên phối hợp với Báo Long An, Đài Phát thanh và Truyền hình Long An đưa tin, bài viết; thực hiện  chuyên trang và chuyên mục “Vì chủ quyền an ninh biên giới” nhằm tuyên truyền rộng rãi cho cán bộ và Nhân dân, nhất là Nhân dân ở địa bàn biên giới; tuyên truyền đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, xuất nhập cảnh trái phép; khai thác có hiệu quả cụm loa phát thanh tại các Đồn, Trạm Biên phòng phục vụ công tác tuyên truyền PBGDPL cho các chiến sỹ, Nhân dân trong khu vực biên giới. Các đơn vị trong lực lượng Biên phòng trên địa bàn tỉnh tích cực hưởng ứng tuyên truyền thực hiện Ngày pháp luật hàng năm theo hướng dẫn của cấp trên. Cùng với đó, lực lượng biên phòng tại các đồn đứng chân trên các xã biên giới thường xuyên tổ chức tuyên truyền dưới hình thức tập trung và tuyên truyền nhỏ lẻ đến từng hộ dân các vấn đề liên quan đến biên giới để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của nhân dân trong công tác bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Đối với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trong những năm qua tổ chức tham mưu thực hiện tốt công tác PBGDPL cho người lao động trong các doanh nghiệp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, phối hợp với Công ty, doanh nghiệp tổ chức các cuộc Hội thảo, tư vấn hướng nghiệp, tuyên truyền về công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và phối hợp với Trung tâm Lao động ngoài nước thông báo tuyển dụng người lao động đi làm việc nước ngoài theo phương thức tuyển dụng trực tiếp. Trong giai đoạn dịch Covid-19, Sở kịp thời triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo quy định và tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động. Đồng thời, Sở thường xuyên tổ chức Hội nghị trực tuyến tư vấn, đối thoại về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng như tổ chức trao đổi hoặc trả lời bằng văn bản để tuyên truyền, hỗ trợ pháp lý lao động cho doanh nghiệp và người lao động trong việc thực hiện các quy phạm pháp luật lao động.

Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch, thông qua các hình thức tuyên truyền, giáo dục thiết thực, phù hợp đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của nhân dân nhất là đối với công tác phòng, chống bạo lực gia đình; giữ gìn, phát huy các giá trị đạo đức, lối sống, cách ứng xử tốt đẹp trong gia đình, hướng tới mục tiêu xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến các văn bản có liên quan đến công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình, bộ tiêu chí văn hóa ứng xử trong gia đình, nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác gia đình, tổ chức thực hiện tốt mô hình “Nâng cao chất lượng gia đình văn hóa giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước”; và triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam”. Hiện toàn tỉnh 188/188 xã, phường, thị trấn triển khai thực hiện công tác phòng, chống bạo lực gia đình, 683 Nhóm phòng, chống bạo lực gia đình, với 4.494 thành viên; 714 Câu lạc bộ Gia đình phát triển bền vững với 10.636 thành viên; 980 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng. Hàng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai thực hiện Quy chế phối hợp liên ngành về phòng, chống bạo lực gia đình; thông qua công tác tuyên truyền, PBGDPL, giao lưu giữa các cá nhân có hành vi bạo lực gia đình, người bị bạo lực để có biện pháp quản lý, giáo dục động viên tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân, góp phần làm chuyển biến trong nhận thức và hành động của người dân; nâng cao trách nhiệm công tác phòng, chống bạo lực gia đình của chính quyền, ban ngành, đoàn thể ở địa phương, cơ sở.

Một trong những đơn vị thực hiện tốt công tác tuyên truyền PBGDPL cho đối tượng đặc thù phải kể đến lực lượng công an. Trong 10 năm qua, công an Long An đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương chủ động phối hợp với UBMTTQ, các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền, PBGDPL cho các đối tượng là người đang chấp hành hình phạt tù; người bị áp dụng các biện pháp tư pháp hoặc các biện pháp xử lý hành chính, người mới ra tù tái hòa nhập cộng đồng, thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, lang thang cơ nhỡ...Đối với những đối tượng đang chấp hành án tại Trại tạm giam, Cơ quan thi hành án hình sự, Công an cấp huyện tuyên truyền giáo dục pháp luật gồm lớp đầu vào, lớp đầu ra, lớp tha tù trước thời hạn có điều kiện; tuyên truyền phòng, chống Covid-19; tuyên truyền về các quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ, tạm giam; duy trì “Tủ sách hướng thiện” phục vụ nhu cầu đọc sách cho phạm nhân. Nội dung tuyên truyền chương trình tái hòa nhập cộng đồng cho phạm nhân đang chấp hành án phạt tù và chương trình cho số phạm nhân sắp chấp hành xong án phạt tù; nội quy, quy chế nhà tạm giữ, một số điều luật của Bộ Luật Tố tụng hình sự, Luật hình sự, Luật đặc xá, Luật tạm giữ, tạm giam, các quy định về thăm gặp, gửi quà, giảm thời hạn chấp hành án; quy định về tha tù trước thời hạn có điều kiện… Ngoài ra, Công an tỉnh Long An còn chỉ đạo Công an địa phương tập trung củng cố nâng chất lượng hoạt động lực lượng nòng cốt, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự ở cơ sở; Công an các cấp phối hợp các ban, ngành địa phương tiếp tục xây dựng, củng cố, nhân rộng các mô hình phòng ngừa tội phạm có hiệu quả. Qua đó đã nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, tinh thần trách nhiệm trong phòng chống tội phạm của nhân dân, huy động được sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành và toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc. Trong đó, nhiều mô hình, câu lạc bộ tuyên truyền PBGDPL hiệu quả như mô hình “Tổ tư vấn tâm lý, pháp lý quân nhân”, “Mỗi ngày một câu hỏi pháp luật”, “Mỗi tuần học một điều luật”, sân  khấu hóa “Ngày Pháp luật”, “Nhóm tư vấn pháp luật ở cộng đồng”, câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật”, “Phụ nữ với pháp luật”, “Pháp luật an ninh tư tưởng”, “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong cộng đồng người Việt gốc Hoa”, lồng ghép PBGDPL với biểu diễn văn nghệ; thi tìm hiểu pháp luật; mô hình “Zalo tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và phòng, chống tội phạm” lập 844 nhóm, 27.559 thành viên, tuyên truyền thông qua viết tin bài; gương người tốt việc tốt trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc… Hiện ngành công an tiếp tục giữ, nâng chất và nhân rộng các mô hình “Camera quan sát An ninh trật tự”, “Cổng rào An ninh trật tự”, “Ánh sáng An ninh trật tự”, “Tiếng loa An ninh trật tự”, “Móc khóa An ninh trật tự - An toàn giao thông”; “Câu lạc bộ nhà trọ an toàn về An ninh trật tự; “Cảm hóa, giáo dục người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư”; “Đội honda khách phòng chống tội phạm”; “Taxi phòng chống tội phạm”; lắp đặt hàng ngàn bóng đèn “Ánh sáng an ninh trật tự”; định kỳ hàng năm tiến hành sơ kết, tổng kết, đánh giá nhân rộng thực hiện các mô hình như: “Tiếng chuông cảnh báo” phòng, chống tội phạm trong hệ thống ngân hàng; duy trì thực hiện hiệu quả như mô hình “Mỗi số nhà là đường dây nóng phòng, chống tội phạm”, “Zalo page tuyên truyền, tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm”,...

Phải xem công tác PBGDPL là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị
Có thể thấy rằng, qua 10 năm thực hiện Luật PBGDPL, các cấp ủy, chính quyền địa phương thường xuyên quan tâm chỉ đạo công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, xem PBGDPL là bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, là nhiệm vụ của toàn hệ thống chính trị. Hội đồng phối hợp PBGDPL thường xuyên theo dõi, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả, cung cấp kịp thời tài liệu về công tác PBGDPL đến cán bộ, công chức và nhân dân. Qua công tác tuyên truyền, phổ biến, các tầng lớp nhân dân ngày càng quan tâm hơn đến công tác tuyên truyền, PBGDPL, xem việc hiểu biết pháp luật là nhu cầu và là phương tiện để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của mình.

10 năm thi hành Luật PBGDPL đã có tác động mạnh mẽ đến ý thức của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trên địa bàn. Công tác PBGDPL đã góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cũng như ý thức chấp hành pháp luật trong cán bộ và Nhân dân; phát huy dân chủ, củng cố mối quan hệ đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng dân cư. Không để phát sinh điểm nóng, hạn chế vi phạm pháp luật; củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được nêu trên, công tác triển khai thực hiện Luật PBGDPL và còn một số hạn chế như một vài thành viên Hội đồng cấp tỉnh, cấp huyện chưa thực sự tạo được bước đột phá, tạo cơ chế hữu hiệu để các cấp, các ngành có chương trình hoạt động cụ thể. Hội đồng của một số địa phương hoạt động còn mang tính hình thức, chưa thực sự phát huy được vai trò phối hợp để thực hiện công tác PBGDPL. Trách nhiệm của từng từng thành viên chưa được phát huy một cách đồng đều, một số thành viên còn thiếu tính tích cực, chủ động trong triển khai các hoạt động PBGDPL ở cơ quan, đơn vị, địa phương. Còn một vài Báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật, công chức được giao làm nhiệm vụ PBGDPL hoạt động chất lượng không đồng đều, chưa có tính chuyên nghiệp, chưa thực sự tâm huyết trong thực hiện nhiệm vụ PBGDPL vì vậy đôi lúc còn thụ đọng trong công tác tham mưu, đề xuất công tác PBGDPL, từ đó hiệu quả hoạt động đôi lúc chưa ngang tầm nhiệm vụ đã đề ra. Nội dung, hình thức PBGDPL đôi lúc còn chưa phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn, nhất là địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Hoạt động xã hội hoá công tác PBGDPL còn nhiều khó khăn, hạn chế, chủ yếu là từ nguồn lực của cơ quan nhà nước, chưa huy động được từ các tổ chức, cá nhân khác tham gia hoạt động PBGDPL theo quy định.

Để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, khó khăn trong thời gian tới, tỉnh tập trung tăng cường thực hiện quản lý nhà nước về PBGDPL; đổi mới nội dung, hình thức PBGDPL theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với từng nhóm đối tượng và địa bàn; quan tâm đến công tác triển khai, hướng dẫn thực hiện chính sách xã hội hóa hoạt động PBGDPL để thu hút, huy động mọi nguồn lực xã hội trong công tác này ở địa phương. Đồng thời, tiếp tục củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng phối hợp PBGDPL, đội ngũ tham gia làm công tác PBGDPL; phát huy vai trò nòng cốt của cơ quan Thường trực gắn với tăng cường trách nhiệm của từng thành viên Hội đồng trong thực hiện nhiệm vụ PBGDPL ở cơ quan, đơn vị, địa phương cũng như tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn, theo dõi việc thực hiện công tác PBGDPL; kịp thời sơ kết, tổng kết, nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong PBGDPL.

Bên cạnh đó, tỉnh Long An kiến nghị các bộ, ngành liên quan tiếp tục quan tâm, đề xuất, kiến nghị hoàn thiện thể chế, chính sách để nhằm tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất cho công tác PBGDPL./.
Sở Tư pháp tỉnh Long An
Các tin đã đưa ngày: