Tham dự chương trình có đại diện cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp PBGDPL thành phố Lào Cai, đồng chí Nguyễn Duy Tuyến - Trưởng phòng Tư pháp khẳng định vị trí, vai trò, ý nghĩa Ngày Pháp luật Việt Nam và sự phối hợp của các cơ quan, đơn vị trong tổ chức hoạt động tuyên truyền pháp luật qua phiên tòa giả định; dự chương trình có lãnh đạo Tòa án Nhân dân tỉnh, Tỉnh đoàn, Đoàn Khối Cơ quan – Doanh nghiệp tỉnh; Phòng Tư pháp thành phố, Tòa án Nhân dân thành phố, Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố, Thành đoàn Lào Cai cùng gần 200 em học sinh thuộc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên thành phố Lào Cai.
Chương trình là hoạt động kỷ niệm Ngày pháp luật Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (09/11), đồng thời tăng cường hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật và tạo sự đổi mới mạnh mẽ trong việc nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của đoàn viên thanh niên, thiếu niên trên địa bàn thành phố Lào Cai.
Theo số liệu thống kê từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 3.000 vụ xâm hại và bạo hành trẻ em. Riêng trong ba tháng đầu năm 2022, theo số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, toàn quốc có 147 trẻ em bị xâm hại (tăng so với cùng kỳ năm 2021 là 30 em); trong đó 52 trẻ em bị bạo lực, 31 trẻ em bị xâm hại tình dục, 25 trẻ em vi phạm pháp luật, 13 trẻ em bị bắt cóc, mất tích, 26 trẻ em bị bỏ rơi.
Tại tỉnh Lào Cai, tính riêng số vụ xâm hại tình dục trẻ em, theo số liệu thống kê các vụ án đã được giải quyết, năm 2020 xảy ra 20 vụ; năm 2021 là 15 vụ việc. Có thể nói, các hành vi xâm hại trẻ em dù bất kỳ hình thức nào cũng đều để lại hậu quả nặng nề, nghiêm trọng, lâu dài về thể chất, tinh thần đối với trẻ em là nạn nhân và gia đình của các em.
Tại phiên tòa giả định, gần 200 học sinh của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên thành phố Lào Cai đã được theo dõi phiên tòa xét xử một vụ án giả định “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi”. Theo đó, bị cáo bị truy tố về tội “Hiếp dâm người dưới 16” tuổi theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 142 Bộ Luật hình sự.
Cũng trong chương trình Phiên tòa giả định, các em học sinh đã hào hứng tham gia tìm hiểu các quy định của pháp luật về phòng chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em trong nội dung cụ thể của Bộ luật hình sự 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 2015 thông qua phần Hỏi và trả lời các câu hỏi.
Phiên tòa giả định là chương trình ý nghĩa, thiết thực nhằm đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền pháp luật đến đoàn viên, thanh niên, là “chìa khóa” quan trọng góp phần nâng cao chất lượng tuyên truyền pháp luật, góp phần vào sự ổn định và phát triển của địa phương.
Quỳnh Anh