Liên kết website

Đồng Tháp: Tăng cường hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật góp phần bảo đảm quyền tiếp cận thông tin pháp luật của người dân

19/11/2022

Xác định công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) là nhiệm vụ chính trị quan trọng của cả hệ thống chính trị, thời gian qua, các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã chủ động, tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác PBGDPL, đẩy mạnh hướng về cơ sở và đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

1. Nội dung công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, bám sát tình hình thực tiễn của địa phương, với hình thức thực hiện phong phú, đa dạng; cụ thể như:
- Phát huy hiệu quả hình thức PBGDPL về tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý thông qua công tác tiếp công dân[1] (vào thứ ba và thứ năm hằng tuần). Kết quả đã thực hiện tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý 83 vụ, việc (trong đó, dân sự: 70; hình sự: 01; hành chính: 12).
- Hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật qua Chuyên mục “Phổ biến pháp luật - Biết để làm đúng”; Chương trình “Tư vấn pháp luật trực tiếp” được thực hiện hằng tháng trên sóng truyền hình và “Câu chuyện truyền thanh” thực hiện mỗi tháng 02 lần trên sóng phát thanh của Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Tháp là những hình thức mang lại hiệu quả thiết thực với người dân. Sau khi phát sóng trực tiếp, đường link Chuyên mục, Chương trình và câu chuyện được gửi về cơ sở tiếp tục tuyên truyền trên Đài truyền thanh của xã để tiếp tục lan tỏa, tuyêm truyền sâu rộng cho người dân.
- Tổ chức tuyên truyền, đối thoại, tư vấn các chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các gói hỗ trợ của Chính phủ cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, kết hợp có hiệu quả việc PBGDPL thông qua đường dây nóng của Bảo hiểm xã hội Tỉnh và Tổng đài thông tin dịch vụ công 1022 của Uỷ ban nhân dân Tỉnh.
- Thành lập 14 nhóm Zalo phổ biến, giáo dục pháp luật[2], với hơn 1.300 thành viên gồm: lãnh đạo, chuyên viên Phòng Tư pháp, công chức Tư pháp – Hộ tịch, tuyên truyền viên pháp luật và có giải viên ở cơ sở, giảng viên, sinh viên. Kết quả đã biên soạn và chia sẻ trên 150 tài liệu hỏi đáp pháp luật có liên quan như: Bộ luật Dân sự, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường,...
- Phổ biến, giáo dục pháp luật qua công tác hòa giải ở cơ sở cũng là hình thức phổ biến mang lại hiệu quả thiết thực. Trong mỗi cuộc hòa giải, hòa giải viên vừa trực tiếp tuyên truyền, giải thích pháp luật, đồng thời áp dụng quy định của pháp luật, tập quán, tâm lý, tình cảm… để giải quyết vụ việc mâu thuẫn đặt ra. Qua đó giúp cho người dân hiểu rõ, đầy đủ hơn về các quy định pháp luật có liên quan, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật. Trong năm, các tổ hòa giải ở cơ sở đã tiếp nhận 1.719 vụ, đưa ra hòa giải 1.680 vụ, hòa giải thành 1.426 vụ việc đạt tỷ lệ 84,88 % (tăng 0,38 % so với cùng kỳ). Tiếp tục phát huy hiệu quả của Câu lạc bộ hòa giải ở cơ sở và thực hiện Kế hoạch số 22/KH-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh về nhân rộng mô hình Câu lạc bộ hòa giải ở cơ sở, đến nay, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố đã thành lập 80 Câu lạc bộ hòa giải ở cơ sở[3].
2. Việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đồng bộ, thống nhất, thiết thực, tiết kiệm và hiệu quả như: xây dựng phóng sự về hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam trên Đài phát thanh và Truyền hình Đồng Tháp; tổ chức Hội nghị trực tuyến, Cuộc thi tìm hiểu pháp luật[4], sinh hoạt nội bộ tại các cơ quan, đơn vị[5], tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý[6], tuyên truyền qua màn hình led khẩu hiệu Ngày Pháp luật; hệ thống loa truyền thanh, băng - rôn tuyên truyền các tuyến đường chính trên địa bàn[7], trên Trang thông tin phổ biến, giáo dục pháp luật của tỉnh, Trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị và địa phương.
3. Nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh chính sách xã hội hóa, huy động các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, truyền thông về chính sách pháp luật được thực hiện như tổ chức phổ biến, giáo dục, tư vấn pháp luật, hỗ trợ cho phạm nhân sắp chấp hành xong án phạt tù, người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng và tuyên truyền cho phạm nhân, tổ chức hội nghị, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương để tuyên tuyền pháp luật đến công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và Nhân dân.
4. Công tác PBGDPL tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được thực hiện thường xuyên qua việc tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật cho sinh viên của Trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp, Trường Đại học Đồng Tháp, Trường Cao đẳng Y tế Đồng Tháp; tổ chức Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật về an toàn giao thông năm 2022, với 27.036 lượt thí sinh tham gia dự thi[8] và Cuộc thi trực tuyến thanh niên với kiến thức pháp năm 2022[9], với 31.631 lượt thí sinh tham gia dự thi.  Bên cạnh đó, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội trong thanh thiếu niên được các đơn vị trường học quan tâm thực hiện thường xuyên và gắn với các tiêu chí “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Trường đạt chuẩn về an ninh trật tự”; thực hiện tốt mục tiêu “5 không” trong nhà trường (không để tội phạm, tệ nạn xã hội xâm nhập vào nhà trường; không có người sử dụng, nghiện ma tuý; không có mại dâm, cờ bạc, các biểu hiện của lối sống không lành mạnh trong cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên; không tham gia sản xuất, buôn bán, vận chuyển, sử dụng, tàng trữ, đốt pháo nổ và thả đèn trời; không vi phạm về môi trường).
5. Công tác PBGDPL đã chú trọng quan tâm bám sát các vấn đề dư luận xã hội quan tâm hoặc có nhiều ý kiến khác nhau cần định hướng dư luận xã hội, các nội dung về bảo đảm quyền con người, quyền công dân; tiếp tục phổ biến, thông tin các nội dung chính sách, pháp luật về phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, trong đó, có các vấn đề an sinh như y tế, giáo dục, việc làm cho người dân…. và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác triệt để các ứng dụng, phần mềm có tính năng trực tuyến, tương tác các mạng xã hội, trên Trang thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Đồng Tháp, thông tin, truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Để tiếp tục góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong Nhân dân, phong trào tìm hiểu pháp luật, thực hiện đúng pháp luật được lan tỏa, trong thời gian tới, công tác PBGDPL của tỉnh Đồng tháp tập trung thực hiện một số giải pháp sau:
1. Triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 273/KH-UBND ngày 18 tháng 11 năm 2020 của Ủy ban nhân dân Tỉnh về thực hiện Kết luân số 80-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân và Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027”.
2. Phát huy vai trò, nhiệm vụ của Thành viên Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh trong việc tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Trong đó, từng thành viên phải thể hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ và vai trò chủ động trong việc chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện công tác PBGDPL thuộc phạm vi chức năng, lĩnh vực, địa bàn phụ trách.
3. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ vào công tác PBGDPL. Tiếp tục vận hành, kích hoạt các kênh truyền thông để phổ biến giáo dục pháp luật như: Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Tháp, Báo Đồng Tháp, Cổng Thông tin điện tử Đồng Tháp, Trang Thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Đồng Tháp, các Trang Thông tin điện tử của các sở, ngành, Uỷ ban nhân dân cấp huyện.
4. Củng cố, xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật và bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng tuyên truyền pháp luật, PBGDPL và trang bị tài liệu để nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật trong công tác PBGDPL tại các đơn vị và địa phương.
5. Tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, sơ kết, tổng kết, đánh giá hiệu quả PBGDPL của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh./.
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật 
 

[1] do Sở Tư pháp, Văn phòng Ủy ban nhân dân Tỉnh, Thanh tra Tỉnh, Hội Luật gia và Đoàn Luật sư Tỉnh ký kết Quy chế phối hợp.
[2] 12 nhóm tại 12/12 huyện, thành phố và 02 nhóm tại trường học (Trường Đại học Đồng Tháp và Trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp).
[3] Thành phố Cao Lãnh: 11; thành phố Sa Đéc: 01; huyện Lấp Vò: 13; huyện Cao Lãnh: 02; huyện Tam Nông:12; huyện Tân Hồng: 04; huyện Hồng Ngự:10; huyện Châu Thành:12; huyện Thanh Bình: 04; huyện Tháp Mười: 11.
[4] Hội thi Tìm hiểu chính sách, pháp luật về thanh niên và Nghị quyết Đại hội Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Đồng Tháp lần thứ XI; Cuộc thi trực tuyến thanh niên với kiến thức pháp luật năm 2022; Cuộc thi tìm hiểu pháp luật về an toàn giao thông; Hội thi trực tuyến tìm hiểu Luật thi đua, khen thưởng và công tác thi đua, khen thưởng năm 2022; Cuộc thi tìm hiểu các nghị quyết, kết luận chuyên đề của Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh khoá XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025; Cuộc thi  tìm hiểu pháp luật Việt Nam của trường Đại học Đồng Tháp…
[5] Sở Tư pháp; Ngân hàng Nhà nước; Cục Hải quan; Sở Công Thương; Tỉnh đoàn; Sở Thông tin và Truyền thông.
[6] Hội Luật gia; Đoàn Luật sư Tỉnh; Trung tâm tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý Tỉnh, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch.
[7] Sở Tư pháp, Sở Xây dựng, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Cục Thuế Tỉnh;  huyện Lai Vung, Tháp Mười, thành phố Hồng Ngự, thành phố Sa Đéc,Châu thành, Lấp Vò.
[8] Kế hoạch số 1101/KH-STP ngày 10 tháng 8 năm 2022 của Sở Tư pháp về việc tổ chức Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về an toàn giao thông năm 2022”.
[9] Kế hoạch số 1409/KH-STP-ĐTNCSHCM ngày 30 tháng 9 năm 2022 của Sở Tư pháp và  Đoàn TNCSHCM Tỉnh  về tổ chức Cuộc thi trực tuyến “Thanh niên với kiến thức pháp luật” năm 2022.
Các tin đã đưa ngày: