Để triển khai đồng bộ, hiệu quả nhiều hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh, Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp được quan tâm kiện toàn thường xuyên. Trên địa bàn tỉnh hiện nay có Hội đồng phối hợp PBGDPL cấp tỉnh với 40 thành viên; Hội đồng phối hợp PBGDPL cấp huyện thuộc 11 huyện, thị xã, thành phố với 321 thành viên. Từ đầu năm, Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh đã xây dựng Kế hoạch hoạt động để định hướng tốt hơn công tác PBGDPL cho cả năm 2022. Trên toàn tỉnh, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp đã thực hiện 7.511 cuộc tuyên truyền miệng với 332.185 lượt người tham dự; tổ chức 95 cuộc thi tìm hiểu pháp luật với 123.824 lượt người dự thi; phát hành 499.628 tài liệu pháp luật miễn phí, trong đó đăng tải trên Internet 46.398 tài liệu tuyên truyền.
Lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật cũng được rà soát, bổ sung phù hợp. Trên địa bàn tỉnh hiện nay có 210 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, 171 báo cáo viên pháp luật cấp huyện và 1.962 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã. Đa số báo cáo viên pháp luật đều có trình độ, thâm niên công tác và am hiểu về pháp luật. Hàng năm, các báo cáo viên pháp luật đều được tham dự tập huấn kỹ năng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và triển khai các văn bản pháp luật mới do Sở Tư pháp tổ chức. Khi Hội đồng phối hợp PBGDPL có nhu cầu, các báo cáo viên sẽ được phân công triển khai, phổ biến các văn bản pháp luật mới thuộc chuyên môn, lĩnh vực quản lý tại Hội nghị báo cáo viên. Trong năm 2022, Sở Tư pháp phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức 04 đợt tập huấn kiến thức pháp luật mới cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, tuyên truyền viên trong hệ thống công đoàn với 744 lượt người tham dự.
Triển khai thực hiện hướng dẫn của Sở Tư pháp – cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật, nhiều Sở, ngành, địa phương tiếp tục duy trì các hình thức PBGDPL trên Báo An Giang; Đài Phát thanh - Truyền hình An Giang; hệ thống truyền thanh cơ sở; tin nhắn điện thoại; Cổng thông tin điện tử của cơ quan, địa phương (bằng hình thức đăng các tin bài, văn bản quy phạm pháp luật, Bộ thủ tục hành chính và mở diễn đàn, hộp thư điện tử để tiếp nhận và giải đáp thắc mắc của cá nhân, tổ chức) để tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, công chức, viên chức và người dân tra cứu, tham khảo, tìm hiểu pháp luật. Công tác thông tin, tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng được địa phương quan tâm, chú trọng. Mỗi tháng Cổng thông tin điện tử tỉnh cập nhật khoảng hơn 50 tin, bài và hình ảnh. Riêng Sở Tư pháp, trong năm 2022, đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng 01 chuyên mục mới phát sóng trên Đài Phát thanh - Truyền hình An Giang. Trong đó, bao gồm các thông điệp pháp luật ngắn gọn, dễ hiểu, gần gũi với Nhân dân.
Hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam, đa số các cơ quan đều tổ chức sinh hoạt Ngày Pháp luật thường xuyên với tần suất thực hiện 01 lần/tháng. Các đơn vị, địa phương đã sử dụng nhiều hình thức như đăng tải văn bản pháp luật trên mạng nội bộ, website của đơn vị để cán bộ, công chức, viên chức và người dân có thể nhanh chóng, kịp thời cập nhật chủ trương, chính sách cũng như các văn bản pháp luật mới ban hành; tổ chức sinh hoạt bằng hình thức trực tuyến; tuyên truyền trên Cổng thông tin điện tử, hộp thư điện tử, tờ gấp, banrol tuyên truyền; mạng xã hội (Facebook, Zalo, Youtube); lồng ghép chương trình Gameshow hỏi - đáp có thưởng vào các buổi họp cơ quan, các đợt tuyên truyền pháp luật. Kết quả, trên địa bàn tỉnh đã tổ chức 2.598 cuộc sinh hoạt Ngày Pháp luật định kỳ hằng tháng, hằng quý với hơn 84.805 lượt người tham dự. Đặc biệt, năm 2022 là năm thứ 10 cả nước tổ chức chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam. Vì vậy, để Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2022 thực sự là điểm nhấn của cả giai đoạn 10 năm thực hiện, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang ban hành Kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng 10 năm Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở Kế hoạch này, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh tổ chức thành công Tọa đàm chuyên đề phòng, chống hoạt động “tín dụng đen” với 155 lượt người tham dự là đại diện các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; Ủy ban nhân dân, Phòng Tư pháp các huyện, thị, thành phố… Đồng thời, thực hiện gửi 26.472 tin nhắn tuyên truyền về Ngày Pháp luật Việt Nam cho 8.824 thuê bao điện thoại thuộc các mạng Vinaphone, Mobiphone, Viettel.
Công tác PBGDPL cho các đối tượng đặc thù được Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần duy trì thực hiện với nhiều hình thức đa dạng như: tổ chức tuyên truyền trực tiếp cho đại diện những người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số, người bị tạm giữ, tạm giam, phạm nhân và Nhân dân vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc; tập huấn ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số; Cuộc thi trực tuyến; Chương trình tiếng Khmer trên các chuyên mục của Đài Truyền thanh cấp huyện; cung cấp tài liệu tuyên truyền pháp luật bằng tiếng dân tộc; lồng ghép PBGDPL trong các hoạt động văn hóa truyền thống... Kết quả, toàn tỉnh tổ chức 754 cuộc tuyên truyền cho 74.282 lượt người thuộc các đối tượng đặc thù theo quy định của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, đồng thời cấp phát 104.733 tài liệu tuyên truyền.
Ngoài ra, Công tác PBGDPL trong nhà trường luôn được các thành viên Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật thuộc các ngành: Giáo dục, Tư pháp, Đoàn Thanh niên, Lao động - Thương binh và Xã hội... chủ động quan tâm thực hiện và phối hợp thực hiện. Ngoài các hình thức tuyên truyền tại Hội nghị, tập huấn, công tác PBGDPL trong nhà trường còn được thực hiện thông qua việc lồng ghép quy định pháp luật vào môn học Giáo dục công dân trong trường học; tọa đàm, nói chuyện chuyên đề pháp luật với học sinh; Chương trình “Tuyên truyền thanh niên” trên Đài Phát Thanh - Truyền hình An Giang; thi tìm hiểu pháp luật, tủ sách pháp luật trong thư viện trường học; các hoạt động ngoại khóa; các trang mạng xã hội.... Từ đó, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong đội ngũ giáo viên, học sinh, công nhân viên nhà trường. Bên cạnh đó, tổ chức tham khảo ý kiến của giáo viên dạy môn Giáo dục công dân, Giáo viên chủ nhiệm nhằm đánh giá thực trạng và nhu cầu tìm hiểu pháp luật để có kế hoạch tuyên truyền phù hợp. Bên cạnh đó, ngành giáo dục tổ chức tập huấn các kiến thức pháp luật cho giáo viên dạy môn Giáo dục công dân, pháp luật, cán bộ quản lý giáo dục. Tổ chức tham khảo ý kiến của giáo viên dạy môn Giáo dục công dân, giáo viên chủ nhiệm nhằm đánh giá thực trạng cũng như nhu cầu tìm hiểu pháp luật của các đối tượng trên để xây dựng kế hoạch, sưu tầm tài liệu phổ biến pháp luật cho phù hợp, thiết thực. Kết quả, các cơ quan trên địa bàn tỉnh đã thực hiện 1.131 cuộc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho 137.166 lượt người; cấp phát 109.562 tài liệu các loại.
Nhìn chung, năm 2022 vẫn còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 kéo dài, nhưng với sự quyết tâm chính trị của các ngành, các cấp, đặc biệt là các thành viên Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật cùng với vai trò chủ động của Sở Tư pháp – cơ quan thường trực Hội đồng đã góp phần triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh đồng bộ, hiểu quả. Đồng thời, để tiếp tục duy trì và phát huy kết quả đạt được nêu trên, Hội đồng phối hợp phổ biến, gáo dục pháp luật cũng xác định một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới như: Tiếp tục tham mưu triển khai thực hiện có hiệu quả Kết luận số 80-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Công văn số 13-CV/TU của Tỉnh ủy về việc tiếp tục thực hiện “Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân”; Từng thành viên của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tiếp tục phát huy vai trò chỉ đạo, điều hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đối với những lĩnh vực, nội dung được phân công theo các Đề án, Chương trình, Kế hoạch đã được phê duyệt. Bảo đảm triển khai đầy đủ, đúng tiến độ các công việc theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp./.
Bích Ngọc