Liên kết website

Kết quả đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn tỉnh Thái Bình năm 2022

24/02/2023

Năm 2022 là năm đầu tiên triển khai đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg và Thông tư số 09/2021/TT-BTP. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng trong quá trình thực hiện, nhưng với nỗ lực và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác xây dựng và đánh xã cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Để kịp thời triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, ngày 23/8/2021, UBND tỉnh Thái Bình đã ban hành Kế hoạch số 124/KH-UBND thực hiện Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg.  Trong đó xác định 07 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, tiến độ thực hiện cụ thể và phân công trách nhiệm tổ chức thực hiện đối với các đơn vị liên quan. Ngày 07/01/2022, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 03/KH-UBND về phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2022, xác định việc triển khai Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg là một trong ba nội dung chính, xuyên suốt trong năm 2022. Ngay sau khi Bộ Tư pháp ban hành Thông tư số 09/2021/TT-BTP hướng dẫn thi hành Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg; Sở Tư pháp Thái Bình đã ban hành ban hành công văn hướng dẫn công tác đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2022; công văn hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; công văn hướng dẫn mô hình PBGDPL, hòa giải ở cơ sở; mô hình điển hình về PBGDPL,hòa giải ở cơ sở; công văn hướng dẫn tiêu chí huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn, tiêu chí tiếp cận pháp luật thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025. Trên cơ sở các kế hoạch, công văn hướng dẫn của tỉnh, UBND các huyện, thành phố cũng đã ban hành các văn bản triển khai, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả.
Để thông tin, truyền thông, tập huấn công tác đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, Sở Tư pháp đã tổ chức hội nghị tập huấn, quán triệt nội dung Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg và Thông tư số 09/2021/TT-BTP cho đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện, công chức Phòng Tư pháp, công chức có liên quan của một số cơ quan, đoàn thể. Trong đó tập trung vào phần kiến thức, nghiệp vụ, quy trình đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và hướng dẫn, giải đáp trực tiếp một số khó khăn, vướng mắc của các đơn vị, địa phương trong quá trình triển khai thực hiện. 8/8 huyện, thành phố đã tổ chức hội nghị tập huấn nghiệp vụ đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo hướng dẫn mới cho cán bộ Tư pháp và thành viên Hội đồng tiếp cận pháp luật cấp xã.
Công tác tuyên truyền, phổ biến quy định về xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đã được các cấp, các ngành quan tâm, chú trọng thực hiện, thông qua nhiều hình thức như: Tổ chức hội nghị; lồng ghép tuyên truyền, phổ biến thông qua các chương trình, đề án, kế hoạch khác do sở, ngành, đoàn thể, địa phương tổ chức; qua các phương tiện thông tin đại chúng, báo, đài, truyền hình; biên soạn, phát hành tài liệu tuyên truyền; đăng tải các quy định, tin, bài về xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên Cổng/Trang thông tin điện tử của các ngành, địa phương; tuyên truyền qua hệ thống Đài truyền thanh ở cơ sở; tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật... Sở Tư pháp đã phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Bình giới thiệu nội dung Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg, Thông tư số 09/2021/TT-BTP trong chuyên mục “Văn bản pháp luật mới”, “Hộp thư truyền hình” với 7 buổi phát sóng liên tiếp, tuyên truyền tới đông đảo cán bộ và nhân dân trong tỉnh; lập chuyên mục xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên Cổng thông tin điện tử của Sở Tư pháp.
Thực hiện Kế hoạch số 49/KH-STP ngày 23/08/2022 của Sở Tư pháp về kiểm tra việc thực hiện công tác Tư pháp năm 2022 tại UBND cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh, tháng 11/2022 Sở Tư pháp đã tổ chức đợt kiểm tra tại các huyện, thành phố. Một trong những nội dung được kiểm tra là công tác xây dựng, đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tại cấp huyện và cấp xã. Thông qua đó, đoàn kiểm tra của Sở Tư pháp đã hỗ trợ giải đáp vướng mắc, tháo gỡ khó khăn, hướng dẫn chấm điểm các tiêu chí và hoàn thiện tài liệu minh chứng để đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật xã, thị trấn năm 2022. Ngoài ra, để hỗ trợ cấp huyện trong việc thực hiện nhiệm vụ đánh giá cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, Sở Tư pháp đã cử cán bộ phòng Phổ biến giáo dục pháp luật trực tiếp hướng dẫn cho hội đồng chuẩn tiếp cận pháp luật cấp huyện thông qua các hội nghị triển khai Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg và Thông tư số 09/2021/TT-BTP. 
Thực hiện Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư số 09/2021/TT-BTP của Bộ Tư pháp và các văn bản liên quan về xây dựng xã, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, UBND tỉnh đã hướng dẫn cấp xã, cấp huyện bố trí kinh phí, cơ sở vật chất đảm bảo cho công tác đánh giá, công nhận xã, phường đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. UBND các xã, phường, thị trấn phân công 01 công chức Tư pháp - Hộ tịch phụ trách lĩnh vực tư pháp là đầu mối thực hiện đánh giá, chấm điểm, theo dõi các tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp luật tại địa phương. UBND các huyện, thành phố thành lập hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật do đồng chí Phó chủ tịch UBND làm chủ tịch hội đồng; đồng chí Trưởng phòng Tư pháp làm Phó chủ tịch hội đồng; trưởng các phòng, ban của huyện là thành viên để kịp thời tham mưu giúp UBND huyện trong việc đánh giá hồ sơ đề nghị công nhận chuẩn tiếp cận pháp luật của xã, thị trấn. Tại cấp tỉnh, Sở Tư pháp (trực tiếp là phòng Phổ biến giáo dục pháp luật) được phân công làm đầu mối có trách nhiệm triển khai thông tin, truyền thông, tập huấn, hướng dẫn thực hiện, giải đáp thắc mắc, tháo gỡ khó khăn và tổng hợp báo cáo.
Kết quả, năm 2022 Thái Bình có 255/260 đơn vị cấp xã được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (tỷ lệ 98%); có 05/260 đơn vị cấp xã chưa đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (tỷ lệ 2%).
Phát huy những kết quả đã đạt được, đồng thời rút kinh nghiệm và khắc phục những khó khăn, hạn chế trong thời gian qua, Thái Bình sẽ tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, bảo đảm quyền được tiếp cận thông tin của người dân, góp phần xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Trần Thị Hồng
Sở Tư pháp Thái Bình
Các tin đã đưa ngày: