Bên cạnh việc triển khai các nhiệm vụ trọng tâm theo Kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và Kế hoạch hoạt động Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2023, Hội nghị đã đánh giá tổng kết công tác phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2022 đạt những kết quả tích cực như:
1. Công tác quản lý nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật ngày càng được quan tâm, chú trọng hơn. Vai trò của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật được phát huy ngày càng rõ nét, hầu hết các văn bản pháp luật mới ban hành đều được quán triệt, phổ biến đến cán bộ, Nhân dân bằng nhiều hình thức thích hợp, tập trung vào các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến người dân.
2. Việc kiện toàn Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật được thực hiện ở cấp tỉnh và cấp huyện theo Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và đảm bảo thành phần Hội đồng theo Quyết định số 21/2021/QĐ-TTg ngày 21/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về thành phần và nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật.
3. Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh đã thực hiện tốt chức năng tư vấn, định hướng chủ đề trong việc triển khai Ngày pháp luật. Không chỉ riêng năm 2022, mà kể từ năm 2013 đến nay, Ngày Pháp luật Việt Nam đã được triển khai đồng bộ trên phạm vi toàn tỉnh với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, thực sự trở thành sự kiện chính trị, pháp lý, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật của cán bộ, Nhân dân. Đặc biệt là trên địa bàn tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động trong chuỗi sự kiện hưởng ứng 10 năm Ngày pháp luật Việt Nam (9/11).
4. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã gắn kết chặt chẽ hơn với công tác thi hành pháp luật, thu hút được sự quan tâm nhiều hơn của cán bộ, Nhân dân…; gắn với trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, công chức hoặc liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp.
5. Hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật tiếp tục đa dạng, tích cực, bên cạnh tuyên truyền, phổ biến những vấn đề dư luận quan tâm nhiều như: các văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến đời sống Nhân dân, doanh nghiệp; các văn bản liên quan đến lĩnh vực bảo vệ môi trường; đất đai; biên giới; xử lý vi phạm hành chính, phòng, chống bạo lực gia đình; phòng, chống tội phạm; phòng, chống hoạt động “Tín dụng đen”… thông qua các Hội nghị tập huấn, các phương tiện truyền thông cơ sở. Năm 2022, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh mạnh dạn ứng dụng công nghệ thông tin và thực hiện chuyển đổi số trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật vẫn còn một số hạn chế, tồn tại như:
1. Số lượng các văn bản pháp luật được ban hành mới ngày càng nhiều và phạm vi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ngày càng rộng, đòi hỏi những người thực hiện nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật phải chủ động, sáng tạo để có các hình thức, biện pháp phù hợp tuyên truyền, phổ biến sâu rộng, có hiệu quả trong Nhân dân.
2. Mặc dù đã được củng cố kiện toàn và tập huấn thường xuyên đối với lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, nhưng đa số chưa có điều kiện đầu tư cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cũng như việc rèn luyện nâng cao kỹ năng tuyên truyền. Đội ngũ công chức quản lý công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (công chức pháp chế của các sở, ban, ngành tỉnh và các doanh nghiệp) chưa được tập huấn thường xuyên nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật.
3. Vừa triển khai các giải pháp phục hồi kinh tế sau đại dịch, vừa thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, trong đó có hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật, nên đôi lúc công tác phổ biến, giáo dục pháp luật còn chưa được triển khai kịp thời; đặc biệt là công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho đối tượng đặc thù. Một số cơ quan, đơn vị chưa chủ động phân bổ, sử dụng kinh phí thường xuyên để thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
4. Nội dung PBGDPL ở một số cơ quan và địa phương đôi khi chưa sát với nhu cầu thực tế của các nhóm đối tượng. Hình thức PBGDPL chưa thật sự thu hút được sự quan tâm của người dân, doanh nghiệp, cán bộ, công chức trong việc tiếp cận pháp luật.
5. Chính sách xã hội hóa trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật chưa thu hút được nhiều nguồn lực tham gia hỗ trợ.
Do đó, để tiếp tục phát huy hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, ngoài việc tổ chức thực hiện hiệu quả Kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2023 trên địa bàn tỉnh, ông Lê Văn Phước – Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh đã kết luận tại Hội nghị và chỉ đạo như sau:
1. Hội đồng Phối hợp PBGDPL tỉnh, cấp huyện tiếp tục tập trung tư vấn hướng dẫn chủ đề, nội dung pháp luật trọng tâm tuyên truyền phổ biến là Hiến pháp năm 2013, các luật, pháp lệnh mới được thông qua, có hiệu lực trong năm 2022 và 2023, gắn với việc phổ biến, quán triệt nhiệm vụ chính trị của Sở, Ban, Ngành, Đoàn thể, địa phương.
Tăng cường tổ chức truyền thông và lấy ý kiến rộng rãi đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) để có sự tiếp cận sớm với dự thảo chính sách trong lĩnh vực đất đai và có những ý kiến góp ý chất lượng cho dự thảo. Đồng thời, thường xuyên tổ chức thực hiện truyền thông các dự thảo, các chính sách khác có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh An Giang.
2. Đề nghị các thành viên Hội đồng quan tâm tư vấn cho Thủ trưởng cơ quan, đơn vị bám sát Kế hoạch hoạt động của Hội đồng; Kế hoạch phổ biến giáo dục pháp luật của Bộ, ngành, tỉnh và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao; Chủ động phổ biến nội dung các chủ trương, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ngành, lĩnh vực quản lý. Đặc biệt quan tâm đến nhóm đối tượng đặc thù theo quy định của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật; phối hợp chặt chẽ với cơ quan thường trực Hội đồng và các cơ quan, tổ chức liên quan trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật.
3. Triển khai đa dạng hóa các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật; kế thừa các mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu quả đã và đang được thực hiện trên thực tế; phát hiện, đề xuất các mô hình, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật mới, sáng tạo để nhân rộng.
4. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; thực hiện khảo sát, đánh giá nhu cầu tìm hiểu và mức độ hiểu biết chính sách, pháp luật của người dân.
5. Các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động dự trù kinh phí phục vụ hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở và xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật để thực hiện hiệu quả trong năm 2023.
6. Các Sở, Ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh, địa phương tiếp tục tổ chức tốt Ngày pháp luật tại cơ quan, đơn vị, địa phương bằng hình thức phù hợp, hiệu quả; Tập trung tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật mà dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận, các quy định pháp luật mới ban hành liên quan đến phạm vi quản lý của ngành, đoàn thể, địa phương. Triển khai thực hiện các hoạt động cao điểm trong tuần lễ Ngày pháp luật năm 2023.
7. Tăng cường phổ biến, giới thiệu các website thư viện pháp luật điện tử phục vụ cho cán bộ, Nhân dân tra cứu nhanh các văn bản quy phạm pháp luật, chủ động trong việc tìm hiểu, học tập, rèn luyện ý thức, nề nếp sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.
8. Các ngành, các cấp tăng cường triển khai các giải pháp cụ thể để thu hút, huy động sự tham gia, đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân theo chủ trương xã hội hóa đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
9. Đối với các Sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh chủ động phối hợp với cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện các Đề án, Chương trình về phổ biến, giáo dục pháp luật (đã được thống kê theo Kế hoạch số 27/KH-UBND ngày 17/01/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh).
10. Giao Sở Tư pháp và Ủy ban nhân dân các cấp triển khai thực hiện hiệu quả Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và Thông tư số 09/TT-BTP của Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg. Trình tự, thủ tục công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật phải thực chất, chặt chẽ, đúng thời gian quy định và gắn với tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao trên địa bàn tỉnh.
11. Các địa phương chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức tổng kết 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở đúng tiến độ; Quan tâm kiện toàn lực lượng hòa giải viên ở cơ sở, lồng ghép phổ biến, giáo dục pháp luật qua lực lượng hòa giải viên ở cơ sở, đầu tư kinh phí, thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách cho lực lượng hòa giải viên ở cơ sở.
Đồng thời, tại Hội nghị đã trao 10 Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong 10 năm triển khai thi hành Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và 10 Bằng khen cho các tập thể, cá nhân đóng góp tích cực trong triển khai Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở” giai đoạn 2019 – 2022 trên địa bàn tỉnh./.
Bích Ngọc