Xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo quy định tại Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, Thông tư số 09/2021/TT-BTP ngày 15/11/2021 gồm có 5 nội dung: Ban hành văn bản theo thẩm quyền để tổ chức và bảo đảm thi hành Hiến pháp và pháp luật trên địa bàn; tiếp cận thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở, trợ giúp pháp lý; thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; tổ chức tiếp công dân, giải quyết kiến nghị, phản ánh khiếu nại, tố cáo, thủ tục hành chính; bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Điều kiện để xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật khi có đủ các điều kiện: tổng số điểm của các tiêu chí đạt từ 80% điểm trở lên; tổng số điểm của từng tiêu chí đạt từ 50% số điểm tối đa trở lên; trong năm đánh giá, không có cán bộ, công chức là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền xã, phường, thị trấn bị xử lý kỷ luật hành chính do vi phạm pháp luật trong thi hành công cụ hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Để thực hiện nội dung xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đảm bảo hiệu quả, thực chất, thời gian qua, Sở Tư pháp đã thường xuyên tham mưu Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, thực hiện
[1], trong đó đề ra nhiệm vụ nâng cao năng lực, trách nhiệm của UBND các huyện, thành phố, thị xã (UBND cấp huyện) trong đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật tại địa phương. Sở cũng chủ động ban hành các Kế hoạch, công văn
[2] về tổ chức thực hiện Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, Thông tư số 09/2021/TT-BTP ngày 15/11/2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg; chỉ đạo điểm, hướng dẫn xây dựng mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu quả, hướng dẫn tiêu chí tiếp cận pháp luật trong đánh giá, xét công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đô thị văn minh.
Công tác tác thông tin, truyền thông, tập huấn đã được Sở đẩy mạnh. Năm 2022, Sở Tư pháp phối hợp với UBND cấp huyện tổ chức 12 hội nghị tập huấn nghiệp vụ đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật cho 2.557 lượt người bao gồm các thành viên Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật cấp huyện; lãnh đạo UBND cấp xã, công chức Tư pháp - Hộ tịch, công chức Văn phòng - Thống kê, công an cấp xã, cán bộ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã với mỗi chức danh 01 người tương đương 05 người/đơn vị cấp xã; tổ chức 02 hội nghị tọa đàm về thực hiện nhiệm vụ chuẩn tiếp cận pháp luật tại huyện Đô Lương và Yên Thành. Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh do Sở Tư pháp là cơ quan thường trực đã cấp phát miễn phí gần 12.000 cuốn Bản tin Pháp luật và Đời sống trong đó có các tin, bài giới thiệu văn bản pháp luật mới về tiếp cận pháp luật; vai trò, tầm quan trọng của đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trong xây dựng nông thôn mới, đô thi văn minh. Phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh xây dựng chuyên mục “Giới thiệu văn bản pháp luật mới” trong chương trình “Chính sách và cuộc sống” để giới thiệu Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg, Thông tư số 09/2021/TT-BTP; phối hợp Báo Nghệ An, Báo Pháp luật Việt Nam thường trú tại Nghệ An và các cơ quan báo chí địa phương đưa tin về công tác tiếp cận pháp luật.
Hàng năm, Sở Tư pháp tổ chức các đoàn kiểm tra về công tác tiếp cận pháp luật. Năm 2022 đã kiểm tra 06 đơn vị và Quý I năm 2023 đã kiểm tra được 02/7 đơn vị theo kế hoạch đề ra. Qua đó chỉ đạo, hướng dẫn công tác đánh giá, công nhận chuẩn tiếp cận pháp luật của UBND cấp huyện và một số UBND cấp xã. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra tiêu chí tiếp cận pháp luật đối với các thị trấn cũng được thực hiện trong quá trình tỉnh tổ chức thẩm định huyện đạt chuẩn nông thôn mới, qua đó đã kịp thời đôn đốc nhắc nhở các Phòng Tư pháp nâng cao vai trò tham mưu thực hiện tốt nhiệm vụ tiếp cận pháp luật tại địa phương.
Với sự chỉ đạo, hướng dẫn thường xuyên, kịp thời, năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 15 thị trấn/17 thị trấn được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (đạt tỷ lệ 88,24%); 31 phường/32 phường được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (đạt tỷ lệ 96,88%).
Tuy nhiên, công tác chỉ đạo, hướng dẫn phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật thời gian qua vẫn còn những tồn tại, hạn chế như sau:
Một là, việc chỉ đạo, hướng dẫn thông qua tập huấn, bồi dưỡng đã được chú trọng, thay đổi về phương thức nhưng thành phần tham gia không đầy đủ theo yêu cầu và thiếu tập trung trong quá trình tập huấn dẫn đến hiệu quả chưa cao.
Hai là, chưa đánh giá được kết quả địa phương thực hiện các chỉ đạo, hướng dẫn sau kiểm tra, mức độ khắc phục tồn tại, hạn chế và đáp ứng các kiến nghị, đề xuất của Đoàn kiểm tra tại Thông báo kết luận kiểm tra.
Ba là, mặc dù đã được chỉ đạo, hướng dẫn nhưng một số đơn vị triển khai còn chậm trễ; một số lãnh đạo phường, thị trấn chưa chỉ đạo quyết liệt trong xây dựng đơn vị đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, chưa xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ chuẩn tiếp cận pháp luật và chưa phân công nhiệm vụ cho công chức phụ trách các tiêu chí, chỉ tiêu.
Đánh giá các tồn tại, hạn chế trên, Sở Tư pháp xác định một số nguyên nhân dẫn đến các tồn tại, hạn chế như sau:
- Về nhận thức: Nhiệm vụ cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là một nhiệm vụ liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, cần dành nhiều thời gian và nguồn lực tuy nhiên nhận thức của một số cán bộ, công chức về mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc thực hiện nhiệm vụ này chưa sâu sắc. Nhìn chung cán bộ, công chức vẫn xem nhiệm vụ chuẩn tiếp cận pháp luật là nhiệm vụ của ngành Tư pháp, không thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ đã được phân công để theo dõi các tiêu chí, chỉ tiêu thuộc lĩnh vực mình quản lý cũng như thiếu chủ động phối hợp với ngành Tư pháp trong tổ chức đánh giá, công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
- Về số lượng, chất lượng cán bộ, công chức: Nhiều phường, thị trấn chỉ có 01 công chức Tư pháp – Hộ tịch nhưng phải đảm nhiệm khối lượng công việc lớn nên thời gian dành cho việc thực hiện nhiệm vụ tiếp cận pháp luật chưa đáp ứng được yêu cầu. Trình độ, năng lực của một số cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ tiếp cận pháp luật còn hạn chế, thiếu chuyên nghiệp, dẫn đến việc thu thập củng cố hồ sơ, tài liệu đánh giá thiếu chính xác, đầy đủ; trong quá trình tự chấm điểm còn thiếu chính xác, khách quan (như chỉ tiêu ban hành văn bản quy phạm pháp luật được giao trong năm đánh giá bị chấm điểm sai do cơ quan nhà nước có thẩm quyền không giao ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhưng UBND xã vẫn ban hành; chỉ tiêu triển khai mô hình thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu quả chưa rõ, chưa lấy phiếu ý kiến đánh giá của đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã, các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã, đại diện thôn, tổ dân phố trên địa bàn nhưng vẫn chấm điểm cao; mặc dù kinh phí phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải cơ sở còn thấp nhưng vẫn chấm điểm tối đa).
- Về thể chế: Việc đánh giá, công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được thực hiện vào năm liền kề sau năm đánh giá, vì vậy chưa sử dụng được kết quả đánh giá, công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật để xếp loại thi đua hàng năm đối với cơ sở nên chưa tạo động lực thúc đẩy thực hiện tốt nhiệm vụ; Chưa có văn bản quy định cụ thể về nội dung chi, mức chi thực hiện nhiệm vụ cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg và Thông tư số 09/2021/TT-BTP đã gây khó khăn trong bố trí kinh phí cho nhiệm vụ cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, khiến một số chỉ tiêu, tiêu chí đạt điểm chưa cao, chỉ sát với điểm số tối thiểu như chỉ tiêu về mô hình phổ biến pháp luật có hiệu quả ở cơ sở, chỉ tiêu về kinh phí cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, tập huấn cho tuyên truyền viên...
Trong quá trình triển khai thực hiện của cấp xã cũng như quá trình đánh giá kết quả của các thành viên Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật đối với một số chỉ tiêu, tiêu chí theo Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg và Thông tư số 09/2021/TT-BTP còn gặp nhiều khó khăn. Một số chỉ tiêu khó theo dõi và đánh giá chính xác kết quả thực tế như chỉ tiêu 2, tiêu chí 2 (Cung cấp thông tin theo yêu cầu kịp thời, chính xác, đầy đủ theo đúng quy định pháp luật về tiếp cận thông tin); chỉ tiêu 6, tiêu chí 2 (Bảo đảm kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện để thực hiện nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật theo đúng quy định pháp luật về phổ biến, giáo dục pháp luật); chỉ tiêu 3, tiêu chí 3 (Thông tin, giới thiệu về trợ giúp pháp lý theo đúng quy định pháp luật về trợ giúp pháp lý).
Nhận thức sâu sắc về vai trò của công tác chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là góp phần hưởng ứng Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” nhằm nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân ở khu vực đô thị. Trong thời gian tới, để thực hiện chỉ tiêu 5 “Phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo quy định” thuộc tiêu chí 9 về hệ thống chính trị và trách nhiệm của chính quyền đô thị theo Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg, Sở Tư pháp tiếp tục đẩy mạnh công tác chỉ đạo, hướng dẫn đối với các địa phương trong đó tập trung vào các nhiệm vụ sau:
Thứ Nhất, nâng cao nhận thức của cấp uỷ, chính quyền các cấp về nhiệm vụ xây dựng phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật thông qua tổ chức các hội nghị, các cuộc đối thoại, toạ đàm...về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện nhiệm vụ này.
Thứ Hai, tiếp tục thực hiện công tác lãnh đạo, chỉ đạo thông qua ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn phù hợp với chỉ đạo của cấp trên và yêu cầu của tình hình thực tiễn.
Thứ Ba, chỉ đạo thực hiện tốt việc phân công công chức phường, thị trấn theo dõi việc thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu để chủ động tìm kiếm giải pháp nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ và tập hợp tài liệu đánh giá một cách khoa học, thường xuyên; xây dựng cơ chế phối hợp cụ thể để có biện pháp xử lý trong trường hợp phối hợp không đạt hiệu quả như yêu cầu; rà soát, tổ chức kiểm điểm và nghiêm túc phê bình đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm dẫn đến phường, thị trấn chưa đạt chuẩn tiếp cận pháp luật hoặc việc đánh giá, công nhận phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật không đúng quy định.
Thứ Tư, thường xuyên làm tốt công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện đánh giá phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Tổ chức sơ kết, tổng kết nhằm đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ, các tồn tại, hạn chế đồng thời phát hiện các bất cập về thể chế để kịp thời kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung văn bản có liên quan.
Thứ Năm, hướng dẫn địa phương bố trí nhân lực, cơ sở vật chất, kinh phí đảm bảo yêu cầu xây dựng phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Trong đó, chú trọng tổ chức các hội nghị bồi dưỡng chuyên sâu cho thành viên Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật các huyện, thành phố, thị xã và cán bộ, công chức có liên quan để nâng cao chất lượng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật./.