Nội dung tổng kết tập trung vào các nội dung theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp tại Quyết định số 527/QĐ-BTP như: Việc thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước trong công tác hòa giải ở cơ sở; Sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các bộ, cơ quan ngang bộ với cơ quan Tư pháp trong công tác hòa giải ở cơ sở; Tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở; Đánh giá tồn tại, hạn chế trong tổ chức thực hiện Luật trên thực tế; bất cập trong các quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành và kiến nghị, đề xuất nhằm hoàn thiện các quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác hòa giải ở cơ sở.
Tại Kế hoạch này, UBND tỉnh giao Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các địa phương, cơ quan, tổ chức có liên quan triển khai thực hiện Kế hoạch; hướng dẫn, đôn đốc báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã phối hợp với UBMTTQ cùng cấp tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở bằng hình thức phù hợp, chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn, phối hợp với Ủy ban mặt trận Tổ quốc cùng cấp triển khai các hoạt động tổng kết và xây dựng Báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở gửi Sở Tư pháp trước ngày 30/7/2023, Sở Tư pháp tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Bộ Tư pháp trước ngày 15/8/2023.
Thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở, trong những năm qua, công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã được các cấp quan tâm chỉ đạo và bố trí nguồn lực thực hiện, đội ngũ hòa giải viên thường xuyên được củng cố, kiện toàn và bồi dưỡng, nâng cao kiến thức pháp luật và kỹ năng nghiệp vụ. Hiện nay, toàn tỉnh có 1.964 tổ hòa giải với 13.031 hòa giải viên. Hoạt động hoà giải đã từng bước được nâng cao về chất lượng, tổ chức và hoạt động ngày một đi vào nề nếp, có hiệu quả. Từ năm 2014 đến nay, tỷ lệ hòa giải thành trung bình của toàn tỉnh hàng năm đều đạt trên 80%./.
Thiều Chiên
Sở Tư pháp tỉnh Hà Tĩnh