Liên kết website

Tập huấn “giảm nghèo về thông tin” cho cán bộ tuyên giáo trên địa bàn tỉnh Bình Định, góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững

23/08/2023

Ngày 22/8/2023, tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tổ chức Hội nghị tập huấn kiến thức, kỹ năng thông tin, tuyên truyền giảm nghèo về thông tin cho cán bộ làm công tác tuyên giáo trên địa bàn theo Kế hoạch số 266-KH/BTGTW ngày 21/3/2023 về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (giảm nghèo về thông tin) năm 2023.

Hội nghị có sự góp mặt của TS. Lê Vệ Quốc – Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật trong vai trò là báo cáo viên, cùng với 178 đại biểu tham dự, bao gồm công chức quản lý, chuyên viên Ban Tuyên giáo cấp huyện, cán bộ tuyên giáo, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên và cán bộ làm công tác thông tin cơ sở của các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Bình Định.
Tại Hội nghị, TS. Lê Vệ Quốc đã giới thiệu tới các đại biểu tham dự chuyên đề: “Tăng cường hiệu quả truyền thông chính sách nhằm góp phần giảm nghèo thông tin”, thông qua ba nội dung chính: Chính sách và các loại chính sách; Truyền thông chính sách; Giải pháp tăng cường hiệu quả truyền thông chính sách nhằm góp phần giảm nghèo thông tin. Ngoài việc đi sâu vào các nội dung cơ bản như khái niệm, nội dung, mục tiêu,… của chính sách và truyền thông chính sách, các đại biểu được tham gia nêu ý kiến, phân tích một số ví dụ cụ thể trong thực tiễn và văn bản ban hành tại địa phương (như Chỉ thị số 33-CT/TU ngày 05/5/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Bình Định về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người cao tuổi và Hội Người cao tuổi trong tình hình mới) để từ đó, làm rõ mối quan hệ giữa “chính sách” và “pháp luật”: “Chính sách của Đảng, Nhà nước là cơ sở để xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật. Chính sách của Đảng, Nhà nước muốn đi vào cuộc sống phải thông qua con đường chủ yếu nhất là thể chế hóa thành pháp luật. Ở chiều ngược lại, pháp luật là sự cụ thể hóa của chính sách trong cuộc sống thực tiễn, thể hiện thành các quyền và nghĩa vụ của mọi cá nhân, tổ chức trong xã hội”. TS Lê Vệ Quốc kết luận: “Chính sách của Đảng không phải pháp luật nhưng là cơ sở, nền tảng, linh hồn của pháp luật”.
Hội nghị tập huấn còn tập trung làm rõ sự khác biệt giữa hai hoạt động dễ bị nhầm lẫn trong thực tiễn, đó là “truyền thông chính sách” và “phổ biến, giáo dục pháp luật”. Cụ thể:
1) Về chủ thể thực hiện: 
- Chủ thể thực hiện truyền thông chính sách rộng hơn so với chủ thể phổ biến, giáo dục pháp luật, bao gồm các cơ quan Đảng các cấp, các cơ quan Nhà nước,… 
- Chủ thể thực hiện hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật chủ yếu là các cơ quan Nhà nước. 
2) Về phạm vi nội dung: 
- Phạm vi nội dung của hoạt động truyền thông chính sách bao gồm các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
- Phạm vi nội dung của hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật tập trung chủ yếu vào các văn bản pháp luật có hiệu lực thi hành.
3) Về thời điểm thực hiện: 
- Truyền thông chính sách được thực hiện từ sớm, từ xa ngay từ khi chính sách còn trong quá trình dự thảo. 
- Phổ biến, giáo dục pháp luật được thực hiện từ khi văn bản pháp luật có hiệu lực.
4) Về mục tiêu: 
- Truyền thông chính sách có tính tương tác hai chiều (thông tin về chính sách pháp luật được đưa đến người dân, sau đó ý kiến phản hồi của người dân được tiếp nhận và xử lý), nhằm để Nhà nước và người dân cùng nhau xây dựng, hoàn thiện và thực hiện chính sách, giúp cho chính sách đạt được sự đồng thuận xã hội và mang hơi thở cuộc sống.
- Phổ biến, giáo dục pháp luật chủ yếu nhằm đưa thông tin pháp luật đến với người dân, giúp người dân hiểu, nhận thức đúng và có ý thức tuân theo pháp luật, bảo đảm pháp luật được thi hành bằng quyền lực Nhà nước.
Tại cuối chuyên đề, các đại biểu tham dự được nghe TS. Lê Vệ Quốc trình bày về 5 giải pháp tăng cường hiệu quả truyền thông chính sách nhằm góp phần giảm nghèo thông tin, bao gồm:
i) Tăng cường nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền về công tác truyền thông chính sách.
ii) Đổi mới quy trình thực hiện truyền thông.
iii) Đổi mới cách thức truyền thông.
iv) Xây dựng, củng cố nguồn lực thực hiện.
v) Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin.
Trong đó, giải pháp “Tăng cường nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền về công tác truyền thông chính sách” là giải pháp quan trọng nhất, bởi sự quan tâm của người lãnh đạo về công tác truyền thông chính sách đóng vai trò là tiền đề, quyết định các giải pháp còn lại có được triển khai thống nhất, đồng bộ và hiệu quả hay không.
Ban Tổ chức Hội nghị tập huấn và các đại biểu tham dự đánh giá cao giá trị thực tiễn của chuyên đề do TS. Lê Vệ Quốc trình bày. 
Hội nghị tập huấn ngày 22/8/2023 của Ban Tuyên giáo Trung ương về “Giảm nghèo thông tin” không chỉ đem lại những kiến thức hữu ích cho các đại biểu tham dự, mà qua đó, còn nâng cao nhận thức, kỹ năng, nghiệp vụ tuyên truyền về chính sách giảm nghèo thông tin cho đội ngũ cán bộ làm công tác thông tin cơ sở trên địa bàn tỉnh Bình Định, góp phần thực hiện mục tiêu, yêu cầu của Chương trình giảm nghèo về thông tin thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022-2025 và định hướng dư luận xã hội hiện nay./.
Nguyễn Thành Huy
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật
Các tin đã đưa ngày: