Liên kết website

Sở Tư pháp và Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình phối hợp thực hiện tốt công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

18/09/2023

Xác định công tác PBGDPL là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, là nhiệm vụ cần chỉ đạo thường xuyên của cơ quan Tư pháp, đồng thời cũng là nhiệm vụ quan trọng gắn liền với hoạt động xét xử của hệ thống Tòa án. Thời gian qua, Sở Tư pháp và Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình đã phối hợp chặt chẽ nhằm thực hiện tốt công tác phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ và nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh.

 
Thực hiện Chương trình phối hợp số 162/CTPH-TANDTC-BTP giữa Bộ tư pháp và Tòa án nhân dân tối cao, ngày 26/9/2019, Sở Tư pháp tỉnh Thái Bình đã phối hợp với Toà án nhân dân tỉnh ký Kế hoạch liên ngành số 34/KHLN-TAND-STP thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và hòa giải ở cơ sở giữa Sở Tư pháp và Tòa án nhân dân tỉnh giai đoạn 2019-2023. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để cơ quan Tư pháp và Toà án nhân dân các cấp tăng cường phối hợp trong chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện công tác PBGDPL, hoà giải ở cơ sở.
Hằng năm, Sở Tư pháp và Toà án tỉnh đã thực hiện tham gia ý kiến xây dựng các văn bản liên quan đến công tác PBGDPL như: Kế hoạch hoạt động của hội đồng Phối hợp PBGDPL tỉnh; Chương trình trọng tâm công tác tư pháp hằng năm, Kế hoạch thực hiện công tác PBGDPL, hoà giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật hàng năm, Kế hoạch triển khai thực hiện Ngày Pháp luật trên địa bàn tỉnh, các Đề án liên quan đến công tác PBGDPL như Đề án Tăng cường công tác PBGDPL tại một số địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật; Đề án Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân; Đề án Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; Công văn hướng dẫn công tác phổ biến giáo dục pháp luật của Hội đồng; công văn triển khai các Luật, nghị định mới được Quốc hội ban hành...
Để triển khai Chương trình phối hợp, hai bên đã tổ chức nhiều hoạt động PBGDPL dưới nhiều hình thức đa dạng. Sở Tư pháp thực hiện xây dựng các kế hoạch phối hợp, hướng dẫn công tác PBGDPL cho từng năm, từng giai đoạn; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật; tổ chức các buổi hướng dẫn, tư vấn, tuyên truyền pháp luật trực tiếp; tuyên truyền, PBGDPL thông qua hoạt động truyền thông trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật tại các xã, phường, thị trấn; cung cấp tài liệu PBGDPL; phối hợp lồng ghép PBGDPL trong các hoạt động giáo dục; tuyên truyền, PBGDPL thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, sinh hoạt câu lạc bộ pháp luật. Với vai trò là cơ quan xét xử, Toà án tổ chức các hoạt động PBGDPL thông qua hoạt động xét xử của mình. Đa số các phiên tòa đều được tổ chức công khai, đặc biệt là các phiên tòa lưu động thu hút quần chúng nhân dân tham gia và theo dõi, từ đó đưa các quy định của pháp luật vào đời sống một cách dễ dàng, kết hợp sự răn đe với giáo dục, phòng ngừa vi phạm mới phát sinh.
Ngoài ra, hoạt động PBGDPL tại Tòa án còn thể hiện qua công tác hoà giải, đối thoại tại tòa án; hoạt động tiếp công dân, thanh tra, kiểm tra các hoạt động nghiệp vụ; phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành; công khai các bản án, quyết định của Tòa án và phát triển án lệ; tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ; phối hợp với các cơ quan, đơn vị, trong đó có cơ quan Tư pháp thực hiện công tác tuyên truyền, PBGDPL... Nội dung phối hợp tập trung vào việc tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng bên; phổ biến các văn bản pháp luật mới ban hành, các văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến lĩnh vực quản lý nhà nước theo nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi bên như Hiến pháp, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự, Bộ luật Tố tụng Dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Đất đai…; các văn bản pháp luật mới được ban hành, các dự thảo chính sách có tác động lớn đến xã hội, các quy định có liên quan trực tiếp đến đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức; các vấn đề dư luận xã hội quan tâm.
Từ năm 2019 đến năm 2023, Sở Tư pháp và Tòa án nhân dân tỉnh đã phối hợp tổ chức 05 hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại các địa bàn trọng điểm; đăng tải hơn 200 tin, bài tuyên truyền, phổ biến pháp luật trên cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh, trang thông tin điện tử PBGDPL tỉnh Thái Bình, trang thông tin điện tử của ngành Tư pháp và ngành Tòa án. Tòa án tỉnh phối hợp với Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước thuộc Sở Tư pháp thực hiện tư vấn pháp luật cho người dân thuộc các đối tượng chính sách, cũng như trợ giúp pháp lý miễn phí cho các đối tượng đặc biệt khó khăn trên tất cả các lĩnh vực: hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, hành chính, kinh doanh thương mại và lao động… Sở Tư pháp đã tổ chức 391 hội nghị PBGDPL cho 59.320 người tham dự. Đồng thời thực hiện lồng ghép công tác phổ biến giáo dục pháp luật trong khai thực hiện các Chương trình, Đề án PBGDPL đang được triển khai thực hiện khác. Chỉ đạo Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh tổ chức được 156 cuộc truyền thông về trợ giúp pháp lý, thực hiện tư vấn trực tiếp tại các cuộc truyền thông là 716 vụ việc gần 800 lượt người thuộc đối tượng trợ giúp pháp lý về các lĩnh vực pháp luật theo yêu cầu của người được trợ giúp pháp lý. Biên soạn và phát hành 3.500 cuốn tài liệu “Hỏi - đáp pháp luật về Bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và Đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021-2026”, 2.000 cuốn “Tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ Hòa giải viên ở cơ sở”; 3.500 cuốn tài liệu hỏi đáp pháp luật liên quan đến tiêu chí đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, 80.000 tờ gấp pháp luật về “Tìm hiểu luật phòng, chống tham nhũng”; “Tìm hiểu luật phòng cháy và chữa cháy”; “Tìm hiểu quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật”; Mỗi năm xây dựng 01 bộ tài liệu tuyên truyền pháp luật trên hệ thống loa truyền thanh với 12 số nội dung tìm hiểu các văn bản pháp luật Việt Nam, đặc biệt là văn bản pháp luật mới có hiệu lực thi hành. Bộ tài liệu được phát sóng thường xuyên trên hệ thống loa truyền thanh của 260 xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh.Phổ biến, giáo dục pháp luật là nhiệm vụ thường xuyên gắn liền với hoạt động xét xử của Tòa án. Thông qua hoạt động xét xử, các quy định của pháp luật đến với người dân cụ thể, dễ hiểu; qua đó nhận thức, hiểu biết về pháp luật của người dân được nâng lên, tạo sự chuyển biến cơ bản về ý thức tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật trong quần chúng nhân dân. Từ tháng 4/2019 đến tháng 6/2023 Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Thái Bình đã thụ lý, giải quyết 17.826 vụ, việc; tổ chức 114 phiên toàn xét xử lưu động; đăng tải 13.023 bản án, quyết định có hiệu lực trên công thông tin điện tử của Tóa án nhân dân.
Ở cấp huyện, hoạt động phối hợp giữa hai ngành được thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng. Phòng Tư pháp Thành phố mời báo cáo viên pháp luật của Toà án tham gia làm báo cáo viên pháp luật tại các hội nghị tập huấn kiến thức pháp luật do Phòng Tư pháp tổ chức có nội dung phù hợp; Thành phần Hội thẩm nhân dân của Toà án trong nhiều năm đều có sự tham gia của cán bộ lãnh đạo Phòng Tư pháp; Hai bên thường xuyên phối hợp trong các ban chỉ đạo tuyên truyền pháp luật trong các lĩnh vực quan trọng như đất đai, quân sự. Phòng Tư pháp huyện Quỳnh Phụ chủ trì các hội nghị tập huấn, tuyên truyền các quy định của pháp luật cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn huyện, thành phần tham gia bao gồm cả Thẩm phán, Thư ký của Toà án nhân dân huyện; hai bên thường xuyên phối hợp tổ chức hội nghị tập huấn chung cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật, trong đó có sự tham gia của các thẩm phán giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực xét xử; Huyện Đông Hưng tăng cường phối hợp PBGDPL qua quá trình tham gia tố tụng tại Toà án, chú trọng phổ biến các quy định của pháp luật hình sự qua các phiên toà xét xử vụ án hình sự, đặc biệt là xét xử lưu động tại địa bàn các xã, thị trấn. Phòng Tư pháp huyện Thái Thụy chủ trì, phối hợp với Toà án nhân dân huyện tổ chức lồng ghép được 09 hội nghị tuyên truyền, tập huấn nâng cao năng lực, kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật các xã, thị trấn trên địa bàn huyện; Toà án nhân dân huyện đã mời Phòng Tư pháp tham gia phối hợp, tuyên truyền, PBGDPL tại 05 phiên Toà xét xử lưu động trên địa bàn huyện; Hai bên thực hiện lồng ghép việc họp, toạ đàm trao đổi kinh nghiệm, giải đáp, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc giữa hai ngành trong công tác PBGDPL, qua đó đưa ra phương hướng đẩy mạnh việc xã hội hoá đối với công tác này. Tại huyện Vũ Thư, hai bên đã phối hợp với các xã, thị trấn đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh cơ sở, đẩy mạnh PBGDPL thông qua tổ chức xét xử lưu động 12 vụ án hình sự…
Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật là hoạt động phải thực hiện thường xuyên, liên tục. Do vậy, trong thời gian tới Sở Tư pháp và Tòa án nhân dân tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động phối hợp giữa hai ngành, góp phần tạo sự lan tỏa, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh./.
Trần Thị Hồng
Sở Tư pháp Thái Bình
Các tin đã đưa ngày: