Liên kết website

Quảng Nam thực hiện hiệu quả Mô hình "Cấp tỉnh bố trí kinh phí - cấp huyện tổ chức thực hiện - cấp xã tiếp nhận kết quả" trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

29/07/2024

Ngày 25/8/2017, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam đã có Kế hoạch số 4567/KH -UBND về ban hành Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017-2021 theo Quyết định số 705/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo Kế hoạch, Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục thực hiện chủ trương đẩy mạnh các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật hướng về cơ sở theo Mô hình "Cấp tỉnh hỗ trợ kinh phí - cấp huyện tổ chức thực hiện - cấp xã tiếp nhận kết quả".

Đây là mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm tăng cường trách nhiệm cho chính quyền cơ sở với phương châm “công tác phổ biến, giáo dục pháp luật hướng mạnh về cơ sở”. Theo đó, kinh phí thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật sẽ do Ủy ban nhân dân tỉnh giao xuống các địa phương để thực hiện (thay vì giao kinh phí theo chiều ngang cho một số sở, ngành chức năng của tỉnh tổ như trước đây). Mỗi năm Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí trung bình trên 1,5 tỷ đồng hỗ trợ cho cấp huyện để thực hiện tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân (các xã đồng bằng được hỗ trợ 08 triệu đồng/năm; các xã trung du 09 triệu đồng/năm và các xã miền núi 10 triệu đồng/năm). Về phương thức thực hiện, Phòng Tư pháp là cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật của cấp huyện sẽ phối hợp với các phòng, ban trên địa bàn huyện (cơ quan thành viên của Hội đồng) để triển khai đưa pháp luật về các xã, theo nhu cầu cụ thể phù hợp với đặc điểm khác nhau của từng xã, đảm bảo mọi người dân đều được tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật, tránh trùng lắp về địa bàn, đối tượng và nội dung tuyên truyền.
Qua 05 năm triển khai Kế hoạch số 4567/KH-UBND, Mô hình "Cấp tỉnh bố trí kinh phí - cấp huyện tổ chức thực hiện - cấp xã tiếp nhận kết quả" đã đạt được nhiều kết quả, với việc chủ động triển khai thực hiện các hoạt động cụ thể về phổ biến, giáo dục pháp luật tại các đơn vị được giao. Trên cơ sở phát huy kết quả đạt được của việc thực hiện các Đề án phổ biến giáo dục pháp luật giai đoạn 2017 - 2021; căn cứ vào điều kiện thực tế của địa phương, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam đã ban hành Kế hoạch số 4225/KH-UBND ngày 20/6/2022 thực hiện Đề án phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2022 – 2027, trong đó, Mô hình “Cấp tỉnh hỗ trợ kinh phí - cấp huyện tổ chức thực hiện - cấp xã tiếp nhận kết quả” được đề xuất tiếp tục triển khai trên toàn tỉnh giai đoạn 2022 – 2027. Từ năm 2023 sẽ thực hiện tại 211/241 xã, phường, thị trấn[1].
Theo thống kê, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam đã phân bổ kinh phí cho Ủy ban nhân dân 18 huyện, thị xã, thành phố với mức kinh phí như sau: năm 2021: 1.733.000.000 đồng, năm 2022: 1.717.000.000 đồng, năm 2023: 1.863.000.000 đồng, năm 2024: 1.863.000.000 đồng.
06 tháng đầu năm 2024, nhiều huyện trên địa bàn tỉnh đã tổ chức các hoạt động triển khai Mô hình “Cấp tỉnh hỗ trợ kinh phí - cấp huyện tổ chức thực hiện - cấp xã tiếp nhận kết quả” như:
Tại địa bàn huyện Thăng Bình, Mô hình triển khai tại 18 xã, thị trấn với tổng nguồn kinh phí được hỗ trợ năm 2024 là 144 triệu đồng (08 triệu đồng/xã). Căn cứ nhu cầu tìm hiểu pháp luật được các địa phương đăng ký từ đầu năm, Phòng Tư pháp huyện Thăng Bình đã phối hợp với các cơ quan thành viên Hội đồng phối hợp, phổ biến giáo dục pháp luật huyện triển khai tuyên truyền nội dung các văn bản luật đến cán bộ và Nhân dân trên địa bàn. Nội dung các văn bản luật được triển khai sát với đặc điểm từng địa bàn dân cư: Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật Hôn nhân và gia đình; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Bảo vệ môi trường; Luật Khiếu nại; Luật Tố cáo; Luật Hòa giải ở cơ sở; các nội dung liên quan đến bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư… Hình thức tuyên truyền đa dạng: Tuyên truyền trực tiếp tại các cuộc họp, hội nghị; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến, tuyên truyền trên Cổng thông tin điện tử huyện, Trang thông tin điện tử các địa phương, phát hành tờ gấp pháp luật… Kết quả 6 tháng đầu năm 2024, địa phương đã tổ chức 128 cuộc phổ biến, giáo dục pháp luật trực tiếp, thu hút hơn 28 nghìn lượt người tham dự; tổ chức thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến với hơn 1.000 người tham gia; cấp phát 3.132 tài liệu pháp luật…
Tại huyện Nam Giang, từ ngày 10/6-18/6/2024, Phòng Tư pháp huyện Nam Giang đã tổ chức đợt tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách tại 12/12 xã, thị trấn và cán bộ Ban quản trị thôn, Ban công tác Mặt trận, hòa giải viên ở cơ sở cùng toàn thể nhân dân tại các thôn trên địa bàn huyện, với tổng số 24 cuộc tuyên truyền (02 điểm/xã) cho gần 2.000 lượt người tham gia (bình quân trên 80 lượt người/cuộc)…
Tại huyện Quế Sơn, trên cơ sở đăng ký nhu cầu tìm hiểu pháp luật của các xã, thị trấn, từ ngày 03/6/2024 đến ngày 19/6/2024, Phòng Tư pháp huyện đã tổ chức tuyên truyền pháp luật trực tiếp tại 13/13 xã, thị trấn trên địa bàn. Tham dự Hội nghị có hơn 1000 đại biểu là đội ngũ cán bộ, công chức xã, quân dân chính thôn, tổ dân phố và nhân dân…

Hội nghị tại huyện Quế Sơn.
 
Việc đưa Mô hình “Cấp tỉnh bố trí kinh phí - cấp huyện tổ chức thực hiện - cấp xã tiếp nhận kết quả” triển khai thực hiện trong thực tiễn đã tạo bước đột phá đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của tỉnh Quảng Nam trong thời gian qua. Mô hình này đã giải quyết được một phần khó khăn cho ngân sách cấp xã đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở cơ sở; đồng thời khắc phục được sự chồng chéo, trùng lắp về nội dung cũng như “bỏ trống” địa bàn khi kinh phí của tỉnh giao cho các sở, ngành thực hiện. Nhu cầu tìm hiểu pháp luật của người dân ở cơ sở được đáp ứng (về nội dung và hình thức) và phù hợp với đặc điểm sinh hoạt dân cư, có tính linh hoạt cao khi thực hiện.

Việc triển khai Mô hình này đã góp phần thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được kịp thời, có hiệu quả, bám sát yêu cầu về nội dung, đối tượng, thời gian theo chỉ đạo, hướng dẫn của địa phương và Trung ương, từ đó nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, văn hóa pháp lý của nhân dân được nâng cao, tạo sự đồng thuận và triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh Quảng Nam được đồng bộ, thống nhất./.

Nguyễn Kim Thoa
 Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật


[1] 30 xã, phường biên giới, hải đảo sẽ do Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng thực hiện. Mặt khác, số xã trọng điểm theo Quyết định số 6642/QĐ-BCA ngày 02/3/3013 của Bộ Công an thực hiện theo Đề án “Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại một số địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật giai đoạn 2013 – 2016” đến năm 2021 đã thực hiện tổng kết và không nằm trong Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2022 - 2027.
Các tin đã đưa ngày: