Tại mỗi xã, Đoàn khảo sát đã có buổi làm việc với Lãnh đạo Ủy ban nhân dân, các công chức cấp xã được phân công theo dõi các tiêu chí tiếp cận pháp luật, đại diện các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã và hòa giải viên trên địa bàn xã để để nghe báo cáo, trao đổi, thảo luận về tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật từ năm 2017 đến nay. Bên cạnh đó, Đoàn công tác còn trực tiếp kiểm tra hồ sơ rà soát, đề nghị công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2019 của xã Tân Cảnh. Qua đó nắm bắt được những thuận lợi, khó khăn của địa phương trong quá trình triển khai nhiệm vụ. Việc khảo sát còn được thực hiện thông qua phiếu, tập trung vào định hướng, giải pháp hoàn thiện thể chế về công tác xây dựng tiếp cận pháp luật trong thời gian tới.
Kết quả khảo sát cho thấy, chính quyền cơ sở và đội ngũ cán bộ, công chức chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, ý nghĩa của công tác này, việc thực hiện công tác đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn tại các địa bàn khảo sát còn lúng túng.
Xã Tu Mơ Rông
Xã Tu Mơ Rông từ năm 2017 đến nay chưa thực hiện đánh giá, công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Nguồn lực cả về nhân lực và kinh phí thực hiện công tác tiếp cận pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải cơ sở còn rất khó khăn.
Xã Tân Cảnh
Xã Tân Cảnh là một trong những xã đầu tiên của huyện Đăk Tô được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (năm 2015). Công tác tiếp cận pháp luật cũng được chính quyền cấp xã quan tâm, triển khai thực hiện. Việc đánh giá, công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được xã triển khai hàng năm từ năm 2017. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải cơ sở được thực hiện bài bản, ngay từ khâu lập kế hoạch. Với tinh thần trách nhiệm, sự nỗ lực, cố gắng của Đảng ủy, chính quyền và nhân dân xã Tân Cảnh, năm 2018 và 2019, xã đã được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Tuy nhiên, do đây là nhiệm vụ mới, khó, vừa làm vừa rút kinh nghiệm nên trong quá trình triển khai cũng không tránh khỏi lúng túng. Hồ sơ đánh giá tiếp cận pháp luật chưa đầy đủ, còn thiếu nhiều tài liệu kiểm chứng; một số nội dung, chỉ tiêu còn đánh giá hình thức, chưa đi vào thực chất; vẫn còn tâm lý đánh giá tiếp cận pháp luật chỉ nhằm phục vụ đánh giá nông thôn mới hay cho rằng đây là nhiệm vụ của riêng ngành tư pháp nên dồn công việc vào công chức Tư pháp – Hộ tịch.
Phát biểu kết luận tại mỗi buổi làm việc, bên cạnh việc chia sẻ với những khó khăn, ghi nhận những kết quả đạt được của chính quyền cấp xã, đồng chí Ngô Quỳnh Hoa, Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Trưởng đoàn khảo đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém của địa phương trong triển khai nhiệm vụ. Đồng thời, đồng chí đã có những định hướng giải pháp mà chính quyền cấp xã cần phải thực hiện để nâng hiệu quả của công tác này. Đặc biệt là vấn đề nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền và đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã về vị trí, vai trò của nhiệm vụ đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Phải nhận thức đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, không phải nhiệm vụ của ngành tư pháp. Do đó, cần phải phân công nhiệm vụ cho tất cả các công chức cấp xã theo dõi, tham mưu thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí tiếp cận pháp luật. Việc xây dựng, đánh giá, công nhận tiếp cận pháp luật phải thực hiện thường xuyên, hàng năm; đi vào thực chất, không chạy theo hình thức, nâng cao trách nhiệm của chính quyền của cấp xã trong bảo đảm quyền con người, quyền được tiếp cận pháp luật của công dân.
Đối với những kiến nghị của địa phương liên quan đến hoàn thiện thể chế công tác tiếp cận pháp luật, Đoàn khảo sát sẽ tổng hợp, báo cáo Lãnh đạo Bộ tham mưu sửa đổi, thay thế Quyết định 619/QĐ-TTg và Thông tư số 07/2017/TT-BTP theo hướng tinh gọn tiêu chí, đảm bảo tính định lượng, khả thi để đưa công tác tiếp cần pháp luật đi vào thực chất, tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương khi triển khai thực hiện.
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật