Liên kết website

Tăng cường nâng cao kiến thức và phương pháp cho tập huấn viên cấp tỉnh về hòa giải ở cơ sở bảo đảm bình đẳng giới

27/10/2020

Nằm trong chuỗi các hoạt động triển khai Bộ Tài liệu tập huấn về nhạy cảm giới trong hòa giải ở cơ sở đã được công bố vào tháng 9/2020, thực hiện Dự án tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam (EU JULE) do Liên minh Châu Âu và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tài trợ, trong 02 ngày 27,28/10/2020, Bộ Tư pháp tiếp tục phối hợp với UNDP tổ chức Hội nghị tập huấn nhạy cảm giới trong hòa giải cơ sở tại thành phố Cần Thơ cho gần 30 tập huấn viên cấp tỉnh của một số tỉnh, thành phố: Cần Thơ, An Giang, Bình Dương, Cà Mau, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Trà Vinh, Đồng Tháp. Đồng chí Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật đã dự và chủ trì Hội nghị.

Mục tiêu của Hội nghị: sau khi hoàn thành khóa tập huấn, tập huấn viên nắm được kiến thức cơ bản về giới, bình đẳng giới, định kiến giới, hòa giải ở cơ sở bảo đảm bình đẳng giới, nắm được phương pháp tập từ đó đủ kiến thức, kỹ năng để tổ chức, vận hành lớp tập huấn về giới, bình đẳng giới, hòa giải ở cơ sở bảo đảm bình đẳng giới cho hòa giải viên ở cơ sở trên địa bàn tỉnh, thành phố.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Lê Vệ Quốc khẳng định công tác hòa giải ở cơ sở ngày càng đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, đặc biệt kết quả hòa giải thành đã góp phần làm giảm áp lực trong xử lý các mâu thuẫn, tranh chấp lên các cơ quan tố tụng. Công tác hòa giải ở cơ sở cũng đang nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và gần đây nhất là Bộ Tư pháp đã phối hợp với Ban Dân vận Trung ương, Đảng đoàn Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt nam, Ban Cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao tổ chức thành công Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác dân vận trong hoạt động hòa giải (ngày 13/7/2020). Tuy nhiên, thực trạng công tác này vẫn còn tồn tại hạn chế, trong đó, năng lực của hòa giải viên trên phạm vi cả nước còn chưa đồng đều, trong đó có nhận thức của hòa giải viên về giới, bình đẳng giới, định kiến giới. Hòa giải ở cơ sở bảo đảm bình đẳng giới sẽ giúp xem xét vụ việc một cách toàn diện, từ đó kết quả hòa giải thành mang tính bền vững. Do vậy, Bộ Tư pháp đã phối hợp với UNDP tổ chức xây dựng Bộ Tài liệu tập huấn về hòa giải ở cơ sở có nhạy cảm giới và bước đầu đã tổ chức tập huấn thành công cho đội ngũ tập huấn viên một số tỉnh/thành phố khu vực phía Bắc và tập huấn cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở của tỉnh Điện Biên. Hai hội nghị này đã mang lại hiệu quả tích cực, nhận được sự đánh giá cao từ phía nhà tài trợ (EU, UNDP) và các đại biểu tham dự Hội nghị.
 

Tại Hội nghị lần này, Ban Tổ chức đã mời 02 chuyên gia giảng dạy có trình độ, uy tín, kinh nghiệm của Trường Đại học Luật Hà Nội là TS. Phan Thị Lan Hương và TS. Bùi Minh Hồng. Hội nghị tập huấn được tổ chức theo phương pháp tăng cường sự tham gia của người học, lấy người học làm trung tâm. Hội nghị dành nhiều thời gian cho các đại biểu thực hành theo hướng “cầm tay chỉ việc”, các đại biểu được trực tiếp thực hành nhuẫn nhuyễn cả kiến thức, kỹ năng và phương pháp. Các đại biểu đánh giá đây phương pháp thiết thực, giúp họ đáp ứng được nhu cầu của đội ngũ tập huấn viên. 

 
Bà Đào Thị Thu An, UNDP tại Việt Nam cũng đã khẳng định ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở thông qua kết quả khảo sát chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2018 cho thấy 45% số người dân được khảo sát cho biết họ sẽ yêu cầu hòa giải từ “những người có uy tín” trong cộng đồng. Một số nghiên cứu, khảo sát về hòa giải ở cơ sở do UNDP tài trợ cũng cho thấy đa số các hòa giải viên được khảo sát cho rằng họ chưa được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng để làm việc với các nhóm dễ bị tổn thương, trong đó có phụ nữ và trẻ em. Điều này ảnh hưởng tới hiệu quả của công tác hòa giải ở cơ sở. Do đó, việc triển khai Bộ tài liệu hòa giải ở cơ sở có nhạy cảm giới sẽ góp phần thúc đẩy bình đẳng giới, nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở tại Việt Nam, đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ.
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật
Các tin đã đưa ngày: