Góp phần lan tỏa ý thức chấp hành, tuân thủ pháp luật
Trân trọng về danh hiệu “tổng đài giải đáp thanh tra, khiếu tố, chống tham nhũng” mà Báo Pháp luật Việt Nam đã ghi nhận trong bài viết mới đây về mình, TS Đinh Văn Minh cho biết, điều này đem lại niềm vui, sự tự hào nhưng cũng là sức ép vì từ hôm có bài báo, rất nhiều người đã gọi điện cho ông đặt những câu hỏi hóc búa liên quan đến các công tác trên.
Ông Minh đã công tác hơn 30 năm trong ngành Thanh tra, thường xuyên soạn thảo, tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật nên thấy công việc rất có ý nghĩa. Bởi các văn bản đi vào cuộc sống gặp nhiều tình huống cụ thể, để giải đáp được điều đó buộc ông phải bồi bổ kiến thức từ thực tiễn và khi tham gia xây dựng các đạo luật, ông có được hơi thở cuộc sống, khiến các quy phạm gần gũi, dễ hiểu, dễ thực hiện hơn.
Về Chương trình bình chọn, tôn vinh Gương sáng Pháp luật, ông Minh cho rằng, Việt Nam là một trong những nước hiếm hoi ban hành Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đưa pháp luật vào cuộc sống. Bằng nhiều phương pháp, phương thức để tuyên truyền, phổ biến pháp luật và ngày càng đa dạng hóa các phương pháp đó nhưng cách giáo dục tốt nhất được đúc kết là nêu gương do phương pháp này rất gần gũi, thực tế, dễ thực hiện theo.
Vì vậy, Chương trình đã đưa ra những con người cụ thể, hoàn cảnh cụ thể, việc làm tốt cụ thể, thay vì đưa những điều khoản khô khan thì những gương sáng đó là hiện thân của nhận thức pháp luật, của tuân thủ pháp luật nên có sức lan tỏa rất lớn. Chương trình rất thành công, nhân rộng và lan tỏa ý thức chấp hành, tuân thủ pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống để cuộc sống tốt đẹp hơn nhờ luật pháp.
Chia sẻ về đóng góp của mình trong xã hội, TS.LS Lưu Tiến Dũng quan niệm, mỗi người đều có đóng góp riêng trong lĩnh vực khác nhau của mình để xây dựng, duy trì nền pháp quyền XHCN Việt Nam, bảo vệ quyền và lợi ích của công dân, làm sao để bảo đảm tiếp cận công lý. Đơn cử trong lĩnh vực luật sư, các luật sư không nhất thiết phải có các giải thưởng mà quan trọng là họ đóng góp cho quá trình cải cách tư pháp, bảo vệ quyền lợi cho mỗi thân phận trong xã hội thì ở một thời điểm nhất định, họ là gương sáng pháp luật ở thời điểm đó.
Việc tuân thủ pháp luật sẽ dần hướng đến điều tốt, điều thiện
Là người đã nhiều năm gắn bó, đồng hành với các hoạt động của Báo Pháp luật Việt Nam, cũng như Bộ Tư pháp, LS Trần Hữu Huỳnh rất đồng tình việc bình chọn đối tượng được mở rộng từ “Gương sáng Tư pháp” sang “Gương sáng Pháp luật”, bởi tuân thủ pháp luật là vấn đề của xã hội, xây dựng và thi hành pháp luật là vấn đề của toàn dân. Tuy nhiên, quy mô mở rộng đối tượng bình chọn là vô cùng lớn, phong phú; đồng thời cần làm rõ đặc điểm, tiêu chí của Gương sáng Pháp luật khi mỗi người dân đều có quyền và nghĩa vụ thực thi pháp luật để các tấm gương này thực sự tỏa sáng, đưa đến cảm hứng tuân thủ pháp luật đến toàn dân.
Chia sẻ về suy nghĩ của LS Huỳnh, TS Đinh Văn Minh nhận thấy việc đưa những gương sáng trong đời thường, những tấm gương tiêu biểu trong chấp hành pháp luật từ mỗi người dân, từ những con người hết sức bình dị như anh tài xế Nguyễn Ngọc Mạnh là rất tốt. Ông Minh quan niệm, xét cho cùng pháp luật là cuộc sống, pháp luật hiện diện ở những con người cụ thể để làm sao pháp luật thôi thúc mỗi người hành động có ý thức, có trách nhiệm – không chỉ thực hiện những điều bắt buộc phải làm mà việc tuân thủ pháp luật sẽ dần hướng đến điều tốt, điều thiện.
Đồng tình với ông Minh, LS Lưu Tiến Dũng cho rằng giá trị nhân văn của Chương trình bình chọn, tôn vinh Gương sáng Pháp luật ở chỗ mỗi gương sáng là sự kết nối giữa đời thường với một cộng đồng rộng hơn, họ hành động không phải vì pháp luật đòi hỏi mà từ trái tim, họ thấy cần thiết phải làm. Từ giá trị nhân văn trên, ông Dũng đề nghị nên có định kỳ tổ chức Chương trình bình chọn khi các tấm gương tuân thủ, thực thi pháp luật luôn luôn xuất hiện trong cuộc sống.
Góp ý cho hoàn thiện Chương trình bình chọn, LS Huỳnh đề xuất có thể mở rộng đối tượng bình chọn cho cả tổ chức, chứ không chỉ bình chọn cho các cá nhân. Điều đó xuất phát từ chỗ giữa cá nhân và tổ chức có mối quan hệ logic: tổ chức tốt dễ tạo điều kiện cho cá nhân tỏa sáng và ngược lại cá nhân tỏa sáng thì họ phải hoạt động trong khuôn khổ một tổ chức và họ có thể truyền cảm hứng lan tỏa, dẫn dắt làm cho tổ chức tốt lên.
Nguồn: Báo điện tử Pháp luật Việt Nam