Liên kết website

Bộ Giáo dục và đào tạo quan tâm triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường

17/08/2022

Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) trong nhà trường góp phần giáo dục đạo đức, lối sống, hình thành nhân cách, rèn luyện hành vi ứng xử cho thế hệ trẻ ngay từ trên ghế nhà trường tạo nếp sống, hành động “theo Hiến pháp và pháp luật”. Xác định vai trò và tầm quan trọng của công tác PBGDPL trong nhà trường nên trong thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo luôn quan tâm, chú trọng thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để triển khai công tác này và đạt được một số kết quả nhất định.

Việc ban hành văn bản chỉ đạo
Để các đơn vị thuộc Bộ, các sở giáo dục và đào tạo, các cơ sở giáo dục thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả công tác PBGDPL, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Kế hoạch số 194/KH-BGDĐT ngày 28/02/2022 về công tác PBGDPL năm 2022 của ngành giáo dục, trong đó chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị triển khai các nhiệm vụ được giao tại Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhà giáo, người học trong toàn ngành; thực hiện Quyết định 1521/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản có liên quan.

Triển khai nhiều hình thức PBGDPL hiệu quả
Một là, tổ chức các Hội nghị tập huấn
- Bộ đã phối hợp với Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn trực tiếp kết hợp trực tuyến về công tác tuyên truyền, PBGDPL cho hơn 250 cán bộ công đoàn chủ chốt các Đại học quốc gia, Đại học vùng, trường đại học, trường cao đẳng sư phạm và đơn vị trực thuộc vào tháng 4/2022 tại Hà Nội.
- Tổ chức Hội nghị trực tiếp, kết hợp với trực tuyến tới 63 Sở Giáo dục và Đào tạo, các Phòng Giáo dục – Đào tạo và nhiều cơ sở giáo dục trong cả nước về phòng, chống bạo lực học đường và lao động trẻ em thông qua trường học, trong đó nhấn mạnh yêu cầu tổ chức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các văn bản của các cấp quản lý về công tác phòng chống bạo lực học đường, lao động trẻ em và xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện vào tháng 6/2022 tại Hải Phòng.
- Tập huấn cho cán bộ làm công tác tổ chức của các đơn vị trực thuộc Bộ quán triệt các quy định về công tác tổ chức cán bộ tại các văn bản luật và dưới luật (Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục, Nghị định số 99/2019/NĐ-CP, Nghị định số 115/2020/NĐ-CP, Nghị định số 89/2021/NĐ-CP)  vào tháng 5/2022 tại Nghệ An.
Hai là, tổ chức thực hiện truyền thông chính sách
Thực hiện truyền thông chính sách về việc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập, Quy chế tổ chức và hoạt động của trường Phổ thông dân tộc nội trú, Quy chế tổ chức và hoạt động của trường Phổ thông dân tộc bán trú, Nghị định quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn; đặc biệt, trong tháng 4, 5 công tác truyền thông chính sách tập trung vào việc tuyên truyền dự thảo quy định mới sửa đổi một số tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập - là những chính sách tác động đến số lượng lớn giáo viên ở các cấp học từ mầm non đến phổ thông trên phạm vi cả nước, nhận được sự quan tâm lớn từ đội ngũ nhà giáo và dư luận nói chung.
Bộ Giáo dục và đào tạo đã tổ chức lấy ý kiến giáo viên về một số nội dung định hướng sửa đổi, bổ sung thông qua Hệ thống thông tin quản lý bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục (TEMIS), thu được gần 300 ngàn phiếu có thông tin phục vụ cho việc xử lý, phân tích dữ liệu, từ đó làm cơ sở để chỉnh lý dự thảo, yêu cầu các cấp quản lý giáo dục phổ biến dự thảo đến từng cơ sở giáo dục, giáo viên mầm non, phổ thông để lấy ý kiến, tổ chức cho giáo viên trao đổi, nghiên cứu quy định và tự dự kiến kết quả bổ nhiệm, xếp lương… Do chú trọng đến công tác truyền thông chính sách để lấy ý kiến phản hồi của giáo viên, đánh giá tính khả thi của các nội dung sửa đổi, bổ sung, làm rõ các nội dung dự kiến điều chỉnh vì vậy, về cơ bản dự thảo nhận được sự đồng thuận của đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý.
Ba là, chỉ đạo các cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân tổ chức thực hiện PBGDPL trong nhà trường theo quy định; chỉ đạo biên soạn tài liệu PBGDPL cho cán bộ quản lý, nhà giáo, học sinh, sinh viên về nội dung giáo dục pháp luật trong các nhà trường:
- Bộ Giáo dục và đào tạo đã phối hợp với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội xây dựng tài liệu giáo dục kỹ năng phòng chống HIV/AIDS, phòng chống mại dâm cho học sinh THPT; Phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Công ty Honda Việt Nam tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên; Phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Quỹ AIP[1] tổ chức tập huấn cho đội ngũ giáo viên cốt cán bộ tài liệu điện tử giáo dục an toàn giao thông cho học sinh tiểu học;
- Triển khai Dự án “Phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật trong học sinh, sinh viên đến năm 2025 định hướng 2030”; Xây dựng và hướng dẫn triển khai hướng dẫn công tác phối hợp, chia sẻ thông tin về phòng, chống bạo lực học đường; Hoàn thiện dự thảo tài liệu hướng dẫn phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ cho học sinh; Hướng dẫn các cơ sở đào tạo, các địa phương xây dựng Kế hoạch triển khai Thông tư số 06/2022/TT-BGDĐT ngày 11/5/2022 của Bộ Giáo dục và đào tạohướng dẫn trang bị kiến thức kỹ năng về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ cho học sinh, sinh viên học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
- Chuẩn hoá đội ngũ giáo viên dạy môn giáo dục công dân, giảng viên dạy pháp luật theo thẩm quyền: Tính đến năm học 2021-2022, toàn ngành giáo dục có 14.069 giáo viên 4 dạy môn giáo dục công dân (GDCD) trong đó cấp trung học cơ sở có 8.143 giáo viên (7980 công lập, 163 ngoài công lập), trung học phổ thông có 5.926 giáo viên (5.097 công lập, 829 ngoài công lập). Theo thống kê, có khoảng 95% giáo viên trung học phổ thông và 77% giáo viên trung học cơ sở dạy môn giáo dục công dân được đào tạo đúng chuyên ngành (giáo dục công dân, giáo dục chính trị hoặc giáo dục pháp luật). Trường hợp môn GDCD chưa có đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên đúng chuyên môn thì có thể bố trí những giáo viên có chuyên ngành phù hợp để giảng dạy. Những giáo viên đang dạy môn GDCD trong các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông chưa qua đào tạo đúng chuyên môn giáo dục công dân, chưa được bồi dưỡng cập nhật kiến thức pháp luật phục vụ việc giảng dạy được tham gia các khóa bồi dưỡng theo Chương trình bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho giáo viên dạy môn GDCD. Tính đến nay, cấp trung học cơ sở có 1.856 giáo viên được bồi dưỡng, cấp trung học phổ thông có 263 giáo viên được bồi dưỡng. Như vậy, hầu hết giáo viên dạy môn Giáo dục công dân hiện đã được chuẩn hóa. Đối với bộ phận nhỏ giáo viên dạy môn GDCD được xác định là chưa đạt trình độ chuẩn được đào tạo theo quy định thì sẽ được đào tạo nâng trình độ chuẩn theo lộ trình quy định tại Nghị định số 71/2020/NĐ-CP, tiến tới mục tiêu 100% giáo viên đạt trình độ chuẩn được đào tạo vào năm 2030.
Bốn là, triển khai các Đề án do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Bộ Giáo dục và đào tạo chủ trì tham mưu triển khai các hoạt động thực hiện 03 Đề án: Đề án nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2030 (Quyết định 89/QĐ-TTg ngày 18-01-2019); Đề án xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030 (Quyết định 1373/QĐ-TTg ngày 30-7-2021); Đề án tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021-2030 (Quyết định 1895/QĐ-TTg ngày 11-11-2021).

Phương hướng nhiệm vụ công tác PBGDPL 6 tháng cuối năm 2022
Để tiếp tục phát huy các kết quả đạt được, trong 6 tháng cuối năm 2022, Bộ Giáo dục và đào tạo sẽ tập trung triển khai các nhiệm vụ sau đây:
- Tiếp tục tổ chức thông tin, phổ biến pháp luật trong lĩnh vực giáo dục tới toàn thể cán bộ, nhà giáo, người học và nhân dân bằng hình thức phù hợp; thông tin rộng rãi, kịp thời các dự thảo chính sách pháp luật có tác động lớn đến xã hội ngay từ khâu đề xuất chính sách và soạn thảo văn bản.
- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL, tập trung PBGDPL trên Cổng/Trang thông tin điện tử PBGDPL của Bộ; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL gắn với việc thực hiện hiệu quả Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL giai đoạn 2019 - 2021” được ban hành theo Quyết định số 471/QĐ-TTg ngày 26/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ.
- Tiếp tục chỉ đạo cán bộ, công chức, viên chức ngành giáo dục trong việc thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ chủ động tìm hiểu và gương mẫu trong thực thi pháp luật; gắn việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ với việc thông tin, phổ biến pháp luật tới người học, phụ huynh người học.
- Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, trong đó chú trọng bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế tại sở giáo dục và đào tạo, cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng sư phạm.
- Tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật; hướng dẫn tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2022./.
Nguyễn Thị Thanh Trang
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật
 

[1] Quỹ AIP là một tổ chức phi chính phủ của Hoa Kỳ với mục tiêu hoạt động là phòng ngừa các trường hợp tử vong và chấn thương trong các tai nạn giao thông đường bộ tại các nước có thu nhập thấp và thu nhập trung bình.
Các tin đã đưa ngày: