Liên kết website

Bộ Y tế hướng dẫn lựa chọn và sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân trong phòng, chống bệnh dịch Covid -19 tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

12/08/2022

Ở Việt Nam hiện nay, kể từ khi xuất hiện dịch bệnh Covid, đã có 11.351.563 ca nhiễm bệnh, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 114.460 ca nhiễm). Với con số báo động như trên, để tăng cường hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch bênh, đảm bảo sức khỏe cho người dân, ngày 05/8/2022, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 2171/QĐ-BYT về việc hướng dẫn lựa chọn và sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân trong phòng, chống bệnh dịch Covid -19 tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Theo đó, phương tiện phòng hộ cá nhân sử dụng trong phòng, chống bệnh dịch Covid - 19 phải đáp ứng được các yêu cầu về tiêu chuẩn phòng, chống lây nhiễm SARS-CoV-2. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cần lựa chọn phương tiện phòng hộ cá nhân cho nhân viên y tế đạt tiêu chí chất lượng.

Đối với phương tiện phòng hộ cá nhân là khẩu trang y tế, khi mang và tháo khẩu trang, cần lưu ý mang khẩu trang đúng chiều trên, dưới; đúng mặt trong, ngoài; không chạm tay vào mặt trong khẩu trang khi mang; chỉnh gọng mũi và dây đeo để bảo đảm khẩu trang ôm sát sống mũi và khuôn mặt, không để không khí đi vào, ra qua khe hở giữa khẩu trang và mặt; thay khẩu trang ngay khi thấy khẩu trang bị nhiễm bẩn hoặc bị ẩm, ướt, sau mỗi khi thực hiện thủ thuật sạch, vô khuẩn hoặc sau mỗi ca làm việc; không sử dụng lại khẩu trang đã qua sử dụng.
Trước khi mang phương tiện phòng hộ cá nhân cần kiểm tra số lượng, loại, kích cỡ phù hợp với người mang; kiểm tra chất lượng (đúng tiêu chuẩn quy định, không rách, thủng, hết hạn,...), sau đó lần lượt tiến hành vệ sinh tay; mặc áo choàng; vệ sinh tay; mang khẩu trang theo tình huống (khẩu trang y tế hoặc N95); mang kính bảo hộ hoặc tấm che mặt; mang găng theo chỉ định.

Các phương tiện phòng hộ cá nhân cần được tháo bỏ tại phòng đệm và cho ngay vào thùng chất thải lây nhiễm sau khi tháo bỏ; vệ sinh tay khi tháo bỏ từng phương tiện phòng hộ cá nhân. Khu vực mặc và tháo bỏ phương tiện phòng hộ cá nhân phải là hai khu vực riêng biệt. Bộ quần áo mặc trong áo choàng được thay và giặt tập trung sau mỗi ca làm việc.

Đáng chú ý, tuyệt đối không mang trang phục phòng hộ cá nhân trong ngủ, nghỉ, sinh hoạt, ăn uống; không phun hóa chất khử khuẩn lên bề mặt trang phục phòng hộ cá nhân trong bất kỳ tình huống nào và chỉ tái sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân theo khuyến cáo của nhà sản xuất; không mặc bộ trang phục phòng hộ cá nhân cho người bệnh, người nhà người bệnh trong bất kỳ tình huống nào. Nhân viên y tế phải được đào tạo ký về sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân trước khi làm việc./.
Lê Thị Linh Trang
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật
Các tin đã đưa ngày: