Trong 5 năm thực hiện Đề án 1163, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số đã được các bộ, ngành, địa phương liên quan thực hiện thường xuyên, liên tục, với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với điều kiện sinh hoạt, đặc điểm, phong tục tập quán, văn hóa truyền thống của từng dân tộc, vùng miền; nội dung thiết thực, hiệu quả, giúp cán bộ và nhân dân hiểu, nhận thức đúng đắn, đầy đủ các quy định của pháp luật liên quan đến quyền, lợi ích và nghĩa vụ của mình để thực hiện pháp luật một cách tự giác, hạn chế dần tình trạng vi phạm pháp luật do thiếu hiểu biết của đồng bào dân tộc thiểu số, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật, từ đó, góp phần xây dựng, củng cố niềm tin của đồng bào với Đảng, Nhà nước; vận động đồng bào các dân tộc xây dựng xã hội lành mạnh, sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật, nhằm ổn định chính trị, tạo sự đồng thuận xã hội, thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển bền vững vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN).
Tổng kết Đề án 1163 cho thấy, Đề án có nội dung thiết thực, phù hợp với địa bàn vùng DTTS&MN, từng bước đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật của đồng bào DTTS. Để tiếp tục phát huy những kết quả tích cực của Đề án, Ủy ban Dân tộc đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu, tích hợp chính sách này vào Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Ngày 14/10/2021, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1719/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025
[1] (sau đây gọi tắt là Chương trình), trong đó tại nội dung “Phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số” được xác định là nội dung số 2 của Dự án 10: Phổ biến, giáo dục pháp luật và truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi..
Nội dung “
Phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số” tại Dự án 10 của Chương trình được hướng dẫn tại Thông tư số 02/2022/TT-UBDT ngày 30/6/2022 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc về hướng dẫn thực hiện một số dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2022. Theo đó, hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cần cần xác định rõ tuyên truyền cái gì, tuyên truyền cho ai, để làm gì và cách làm thế nào để có kết quả, “nói thế nào cho đồng bào hiểu được, đồng bào làm được”, cụ thể:
- Thứ nhất, đối tượng của phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số được xác định cụ thể là người dân ở vùng DTTS&MN; cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống cơ quan công tác dân tộc từ trung ương đến địa phương; cán bộ, công chức, viên chức được giao nhiệm vụ phổ biến giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng đồng bào DTTS&MN; lãnh đạo tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể ở xã, thôn, bản; già làng, trưởng thôn, bản, người có uy tín, các chức sắc, chức việc tôn giáo ở vùng DTTS&MN; doanh nghiệp, Hợp tác xã, các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội hoạt động ở địa bàn vùng đặc biệt khó khăn.
- Thứ hai, nguyên tắc phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động: (i) Kiên trì, thường xuyên, đơn giản, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện; (ii) Khuyến khích sử dụng ngôn ngữ, ưu tiên những hình thức phù hợp với phong tục tập quán, văn hóa truyền thống của từng dân tộc, vùng miền; (iii) Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số.
- Thứ ba, nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động, gồm:
(i) Phổ biến nội dung Hiến pháp, các luật, văn bản quy phạm pháp luật, chính sách dân tộc liên quan đến vùng đồng bào DTTS&MN; chú trọng các nội dung phù hợp với tình hình thực tế ở các khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và vùng Duyên hải miền Trung.
(ii) Các hành vi bị nghiêm cấm và chế tài xử lý; quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân; nội dung chính sách, pháp luật về: hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, đất đai, bảo vệ môi trường, lao động, y tế, giáo dục, quốc phòng, an ninh, giao thông, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, an toàn thực phẩm, biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, hỗ trợ khởi nghiệp; các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành; các văn bản chính sách về công tác dân tộc, chính sách dân tộc và các văn bản chính sách có liên quan đến vùng DTTS&MN.
(iii) Tuyên truyền chính sách dân tộc và kết quả thực hiện chính sách dân tộc, đại đoàn kết các dân tộc của Đảng và Nhà nước; gương người tốt, việc tốt, những điển hình tiên tiến trong chấp hành và thực hiện pháp luật, chính sách dân tộc; tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, cảnh giác trước âm mưu “diễn biến hòa bình”, lợi dụng vấn đề dân tộc, dân chủ, nhân quyền, truyền đạo trái pháp luật để chống phá Đảng, Nhà nước, phá hoại khối đại đoàn kết các dân tộc; phản bác những luận điệu sai trái của các thế lực phản động; nâng cao nhận thức về chủ quyền, an ninh biên giới; các nội dung khác có liên quan đến dân tộc và chính sách dân tộc.
(iv) Tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng DTTS&MN.
- Thứ tư, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng đồng bào DTTS&MN: Tổ chức tập huấn, hội nghị, hội thảo, hội thi (bằng các hình thức phù hợp với vùng, miền, địa phương cấp huyện, tỉnh, khu vực toàn quốc), nói chuyện chuyên đề, xây dựng mô hình điểm, câu lạc bộ tuyên truyền pháp luật; lồng ghép với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng chuyên trang, chuyên mục đặc thù (bằng tiếng phổ thông và tiếng dân tộc thiểu số), tiểu phẩm, câu chuyện pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng; biên soạn, phát hành tài liệu (tờ gấp, sách bỏ túi, cẩm nang pháp luật, sổ tay truyền thông và các ấn phẩm, tài liệu khác) bằng chữ phổ thông hoặc song ngữ chữ phổ thông và chữ dân tộc thiểu số; cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí và nghiên cứu đổi mới hình thức cung cấp thông tin phù hợp với điều kiện đặc thù của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 09 tháng 01 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ nhằm tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn./.