Về vị trí và chức năng, về cơ bản giữ nguyên quy định về vị trí, chức năng như trước đây. Theo đó, Bộ Xây dựng là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: Quy hoạch xây dựng, kiến trúc; hoạt động đầu tư xây dựng; phát triển đô thị; hạ tầng kỹ thuật; nhà ở, công sở; thị trường bất động sản; vật liệu xây dựng; quản lý nhà nước các dịch vụ công trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ theo quy định của pháp luật.
Về nhiệm vụ, quyền hạn, so với trước đây, nhiều nội dung về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng đã cập nhật, sửa đổi, bổ sung, làm rõ nội dung quản lý để phù hợp phạm vi, đối tượng quản lý và thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với các quy định tại Luật và văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành và Luật Xây dựng sửa đổi, bổ sung năm 2020, Nghị định số 06/2021/NĐ-CP như:
- Bổ sung quy định về xây dựng các cơ chế chính sách quản lý, quá trình đô thị hóa, quản lý các khu vực nông thôn dự kiến hình thành đô thị theo quy hoạch, phát triển đô thị trong các khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao và phát triển đô thị gắn với khu công nghiệp
[1] (Bổ sung mới theo chỉ đạo tại nội dung về xây dựng nông thôn mới tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 thông qua tại Đại hội XIII; Nghị quyết số 25/2021/QH15 về Phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; Nghị định số 82/2018/NĐ-CP về Quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế...).
- Sửa đổi nhiệm vụ, quyền hạn về hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật về quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị, việc thi tuyển thiết kế kiến trúc công trình xây dựng…
- Bổ sung một số nhiệm vụ, quyền hạn về: quản lý công tác cấp, cấp lại, điều chỉnh, chuyển đổi, thu hồi giấy phép, chứng chỉ, chứng nhận và các kết quả giải quyết thủ tục hành chính khác trong hoạt động đầu tư xây dựng theo thẩm quyền...
Đặc biệt, để đáp ứng yêu cầu phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đòi hỏi phải tiếp tục tăng cường quản lý nhà nước đối với tất cả các lĩnh vực thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng. Trong đó, có 02 lĩnh vực phải đặc biệt chú trọng tăng cường quản lý là phát triển đô thị và nhà ở, nhất là trong bối cảnh tốc độ đô thị hoá tăng nhanh như hiện nay; đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ tại các đô thị lớn đang tạo hiệu ứng lan toả diện rộng trên phạm vi các tỉnh, các vùng và cả nước...
Theo đó,
về phát triển đô thị, Bộ Xây dựng có nhiệm vụ xây dựng chiến lược, chương trình, kế hoạch, dự án quan trọng quốc gia về phát triển đô thị; các chỉ tiêu về lĩnh vực phát triển đô thị trong nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội đất nước theo từng giai đoạn; xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các cơ chế, chính sách, quy định về: Quản lý quá trình đô thị hóa; quản lý, đầu tư phát triển không gian đô thị (bao gồm không gian trên mặt đất và không gian ngầm), các mô hình phát triển đô thị; quản lý kế hoạch, chương trình nâng cấp, cải tạo, chỉnh trang đô thị, nâng cao năng lực chống chịu ứng phó biến đổi khí hậu của đô thị; khai thác, sử dụng và bàn giao quản lý các khu đô thị; hệ thống các tiêu chí, tiêu chuẩn phân loại đô thị; lập và quản lý chi phí các dịch vụ tiện ích trong khu đô thị, chi phí lập và thẩm định khu vực phát triển đô thị, chương trình phát triển đô thị, đề án, báo cáo phân loại đô thị; thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận loại đô thị đối với các đô thị loại đặc biệt, loại I và loại II; quyết định công nhận loại đô thị đối với các đô thị loại III và loại IV…
Về nhà ở, xây dựng Chiến lược nhà ở quốc gia cho từng thời kỳ, chỉ tiêu phát triển nhà ở và kế hoạch nhà ở trong nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước hàng năm và theo từng giai đoạn; tổ chức thực hiện sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; xây dựng các cơ chế, chính sách và giải pháp phát triển nhà ở xã hội, hỗ trợ nhà ở cho từng nhóm đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội theo quy định pháp luật; quy định và hướng dẫn tiêu chí xác định nhu cầu nhà ở trong nội dung chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở; hướng dẫn định mức kinh phí để xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương…
Về thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng có nhiệm vụ xây dựng các đề án, chính sách phát triển, quản lý thị trường bất động sản; chỉ đạo thực hiện sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; quy định về việc cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản; việc thành lập và tổ chức hoạt động của sàn giao dịch bất động sản; thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản…
Về cơ cấu, tổ chức, thực hiện chủ trương tin gọn bộ máy, tinh giản biên chế, các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng đã được giảm từ
25 vụ, cục, đơn vị sự nghiệp xuống còn
19 đơn vị. Trong đó, giữ nguyên các đơn vị: Vụ Quy hoạch - Kiến trúc; Vụ Vật liệu xây dựng; Vụ Khoa học công nghệ và môi trường; Vụ Kế hoạch - Tài chính; Vụ Pháp chế; Vụ Hợp tác quốc tế; Vụ Tổ chức cán bộ; Văn phòng; Thanh tra; Cục Kinh tế xây dựng; Cục Quản lý hoạt động xây dựng; Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng; Cục Phát triển đô thị; Cục Hạ tầng kỹ thuật; Cục Quản lý Nhà và thị trường bất động sản; Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị; Báo Xây dựng; Tạp chí Xây dựng; Trung tâm Thông tin. Bỏ 06 đơn vị: Cục Quản lý doanh nghiệp; Cục Công tác phía Nam; Viện Kinh tế xây dựng; Viện Khoa học công nghệ xây dựng; Viện Kiến trúc quốc gia; Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia.
Nghị định mới đã bỏ phòng trong Văn phòng, Thanh tra, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Vụ Tổ chức cán bộ (trước đây các đơn vị này được tổ chức cấp phòng với số lượng tương ứng là 08 phòng đối với Văn phòng, 04 phòng đối với Vụ Kế hoạch – Tài chính và Vụ Tổ chức cán bộ, 09 phòng đối với Thanh tra).
Những quy định mới về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng đã bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, đồng bộ, thống nhất trong hệ thống cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước và các văn bản liên quan đến quản lý nhà nước thuộc ngành xây dựng. Đồng thời, có cơ cấu tổ chức tinh gọn, hợp lý bảo đảm thực hiện chức năng quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa./.