Vị trí, chức năng của Bộ Nội vụ
Nghị định bổ sung chức năng quản lý nhà nước về tín ngưỡng và sửa đổi chức năng quản lý nhà nước về “cán bộ, công chức, viên chức nhà nước” thành “cán bộ, công chức, viên chức và công vụ” để phù hợp với quy định để phù hợp với quy định tại Luật tín ngưỡng, tôn giáo và Điều 23 Luật Tổ chức chính phủ năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019). Đồng thời, bỏ chức năng về “đào tạo, bồi dưỡng về chuyên ngành hành chính và quản lý nhà nước” vì theo quy định tại Điều 68, Luật Giáo dục đại học thì Bộ Nội vụ không được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức, viên chức nên thuộc nội hàm quản lý nhà nước về cán bộ, công chức, viên chức.
Theo đó, Bộ Nội vụ là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các ngành, lĩnh vực: Tổ chức hành chính, sự nghiệp nhà nước; chính quyền địa phương, địa giới đơn vị hành chính; cán bộ, công chức, viên chức và công vụ; hội, tổ chức phi chính phủ; thi đua, khen thưởng; tín ngưỡng, tôn giáo; văn thư, lưu trữ nhà nước; thanh niên và quản lý nhà nước đối với các dịch vụ công thuộc ngành, lĩnh vực quản lý của bộ theo quy định của pháp luật.
Kế thừa 28 nhóm nhiệm vụ, quyền hạn
Nghị định 63/2022/NĐ-CP căn bản kế thừa nhóm 28 nhóm nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Nội vụ quy định tại Nghị định số 34/2017/NĐ-CP; đồng thời bổ sung mới, sửa đổi và bãi bỏ một số nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể:
- Về tổ chức hành chính, sự nghiệp nhà nước: Trình Chính phủ đề án cơ cấu tổ chức của Chính phủ theo nhiệm kỳ Quốc hội; đề án, dự thảo nghị định của Chính phủ về thành lập mới, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; dự thảo nghị định quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân; dự thảo nghị định quy định việc phân cấp quản lý tổ chức bộ máy hành chính, sự nghiệp nhà nước; Thẩm định các dự thảo nghị định của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; thẩm định đề án thành lập, sáp nhập, giải thể, tổ chức lại tổng cục và tương đương, vụ, cục và tương đương do bộ, cơ quan ngang bộ trình Chính phủ; thẩm định dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của tổng cục và tương đương thuộc bộ, cơ quan ngang bộ; thẩm định đề án và dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập, sáp nhập, giải thể, tổ chức lại các tổ chức hành chính, sự nghiệp nhà nước và các tổ chức tư vấn, phối hợp liên ngành do các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) trình Thủ tướng Chính phủ; chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ rà soát lại lần cuối các dự thảo nghị định của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trước khi trình Thủ tướng Chính phủ ký, ban hành; hướng dẫn tiêu chí chung để thực hiện phân loại, xếp hạng các tổ chức hành chính, tổ chức sự nghiệp nhà nước theo quy định của pháp luật; Hướng dẫn, kiểm tra việc rà soát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; tổng hợp, báo cáo Chính phủ quyết định điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
Nghị định số 63/2022/NĐ-CP đã bỏ nhiệm vụ “Trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định việc phân cấp, quản lý tổ chức bộ máy hành chính sự nghiệp nhà nước” vì nội dung này đã được quy định cụ thể tại các văn bản quy phạm pháp luật về tổ chức các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp ở Trung ương và địa phương. Trên thực tế, Bộ Nội vụ không trình Chính phủ ban hành Nghị định chuyên biệt về lĩnh vực này.
- Các nhiệm vụ về chính quyền địa phương cơ bản giữ nguyên quy định tại Nghị định số 34/2017/NĐ-CP, chỉ bỏ nhiệm vụ Thống kê số lượng, chất lượng đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; thành viên Ủy ban nhân dân các cấp và đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; số lượng và kết quả phân loại đơn vị hành chính các cấp.
- Về địa giới đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính: Bộ Nội vụ có nhiệm vụ trình Chính phủ để trình Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành văn bản quy định về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính, phân loại đơn vị hành chính, đặt tên, đổi tên đơn vị hành chính; trình Chính phủ để trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính; đặt tên, đổi tên và việc giải quyết tranh chấp địa giới đơn vị hành chính các cấp; trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản quy định về nguyên tắc, hồ sơ, thủ tục xác định địa giới đơn vị hành chính và lập, quản lý hồ sơ địa giới đơn vị hành chính các cấp; trình Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập hội đồng thẩm định hồ sơ thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp tỉnh; chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh; chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tổ chức thẩm định hồ sơ thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; quyết định phân loại đơn vị hành chính cấp huyện; hướng dẫn, kiểm tra Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Sở Nội vụ thực hiện các quy định của pháp luật về thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính; đặt tên, đổi tên và giải quyết tranh chấp địa giới đơn vị hành chính; việc phân loại đơn vị hành chính.
- Nhóm nhiệm vụ về quản lý biên chế cũng được sửa đổi và bỏ một số nhiệm vụ cụ thể: Theo đó, Bộ Nội vụ có nhiệm vụ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tổng biên chế công chức, biên chế công chức làm việc ở nước ngoài của các cơ quan, tổ chức hành chính và biên chế của các hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở trung ương theo quy định của pháp luật và cơ quan có thẩm quyền; trình Thủ tướng Chính phủ và cơ quan có thẩm quyền quyết định điều chỉnh, bổ sung biên chế công chức của cơ quan, tổ chức hành chính theo quy định của pháp luật và cơ quan có thẩm quyền; Quyết định giao, điều chỉnh, bổ sung biên chế công chức đối với từng cơ quan, tổ chức hành chính và hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở trung ương theo quy định của pháp luật và cơ quan có thẩm quyền; Quyết định giao biên chế công chức làm việc ở nước ngoài đối với bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ sau khi được cơ quan có thẩm quyền và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; thẩm định kế hoạch số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên theo quy định của pháp luật và cơ quan có thẩm quyền.
- Về cán bộ, công chức, viên chức và công vụ: Bỏ nhiệm vụ: “Quy định cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp” để phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 63 và khoản 3 Điều 64 Nghị định 115/2020/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức. Đồng thời, sửa đổi quy định: “Quy định mã số ngạch công chức, mã số chức danh nghề nghiệp viên chức; quy định cơ cấu ngạch công chức, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp; quy định tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ các ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành thuộc lĩnh vực được giao quản lý” thành: “Thống nhất quản lý về mã số ngạch công chức, mã số chức danh nghề nghiệp viên chức; quy định tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ các ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Nội vụ” để phù hợp với quy định tại khoản 2, 3 Điều 72 Nghị định số 138/2020/NĐ-CP và khoản 3 Điều 64 Nghị định 115/2020/NĐ-CP.
Nghị định 63/2022/NĐ-CP cũng quy định nhiệm vụ cho Bộ Nội vụ trực tiếp tổ chức thi hoặc xét nâng ngạch công chức, thay đổi chức danh nghề nghiệp viên chức thay vì chủ trì tổ chức thi nâng ngạch công chức từ ngạch chuyên viên và tương đương lên ngạch chuyên viên chính và tương đương; quyết định bổ nhiệm ngạch chuyên viên cao cấp, chức danh nghề nghiệp tương đương ngạch chuyên viên cao cấp theo thẩm quyền; giám sát việc nâng ngạch công chức và thay đổi chức danh nghề nghiệp của viên chức như trước đây để phù hợp với khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 32 Nghị định số 138/2020/NĐ-CP.
- Về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức: Do chức năng đào tạo, bồi dưỡng về chuyên ngành hành chính và quản lý nhà nước đã được lược bỏ nên theo quy định tại Nghị định 63/2022/NĐ-CP, Bộ Nội có các vụ nhiệm vụ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức như sau: Xây dựng, ban hành và quản lý chương trình bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn ngạch công chức; chương trình bồi dưỡng theo yêu cầu vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý; chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành Nội vụ; chương trình bồi dưỡng theo yêu cầu vị trí việc làm chuyên môn nghiệp vụ ngành Nội vụ; xây dựng, ban hành, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện kế hoạch bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức bằng nguồn ngân sách nhà nước theo thẩm quyền; theo dõi, tổng hợp kết quả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
- Về chính sách tiền lương: Bộ Nội vụ có nhiệm vụ hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật về chính sách, chế độ tiền lương, phụ cấp, sinh hoạt phí, tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức từ trung ương đến cấp xã và lao động hợp đồng trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; nghiên cứu, tham mưu cấp có thẩm quyền về thực hiện cải cách chính sách tiền lương nhà nước.
- Về tổ chức hội và tổ chức phi chính phủ: Giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện, tổ chức phi chính phủ trong nước và hoạt động chữ thập đỏ theo quy định của pháp luật; thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều lệ các hội có Đảng đoàn do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ; giải quyết theo thẩm quyền và quy định của pháp luật về các thủ tục liên quan đến hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện, tổ chức phi chính phủ; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện, tổ chức phi chính phủ; khen thưởng hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích trong tổ chức, hoạt động của hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện, tổ chức phi chính phủ.
- Về thi đua, khen thưởng: Giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng theo quy định của pháp luật; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật về tổ chức thi đua, danh hiệu và tiêu chuẩn danh hiệu thi đua; hình thức, đối tượng, tiêu chuẩn khen thưởng; thẩm quyền quyết định, trao tặng, thủ tục, hồ sơ đề nghị khen thưởng; quyền và nghĩa vụ của cá nhân, tập thể được tặng danh hiệu thi đua, khen thưởng; xử lý vi phạm về thi đua, khen thưởng; tổ chức, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các phong trào thi đua, chính sách khen thưởng của Đảng và Nhà nước; thẩm định hồ sơ đề nghị khen thưởng, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định hoặc trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị Chủ tịch nước quyết định khen thưởng theo quy định của pháp luật; chuẩn bị hiện vật kèm theo các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng của Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; thực hiện việc cấp phát, cấp đổi, cấp lại hiện vật khen thưởng theo quyết định của cấp có thẩm quyền; vận động các nguồn tài trợ và quản lý, sử dụng quỹ thi đua, khen thưởng trung ương; chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc quản lý quỹ thi đua, khen thưởng ở các cấp, các ngành; làm nhiệm vụ thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương.
- Về tín ngưỡng, tôn giáo: Bổ sung nhiệm vụ quản lý nhà nước về tín ngưỡng để phù hợp với quy định tại Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 162/2017/NĐ-CP ngày 30/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.
- Bổ sung các nhiệm vụ về văn thư, lưu trữ nhà nước: Quản lý tài liệu Phông Lưu trữ nhà nước Việt Nam và các hoạt động về nghiệp vụ lưu trữ; ban hành quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật về văn thư, lưu trữ xây dựng; quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia tài liệu lưu trữ điện tử để phù hợp với quy định tại Luật Lưu trũ, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và các nhiệm vụ do Thủ tướng Chính phủ giao tại Đề án “Lưu trữ tài liệu điện tử của các cơ quan nhà nước giai đoạn 2020 - 2025”.
- Về cải cách hành chính: Bỏ nhiệm vụ thẩm tra các nhiệm vụ trong dự toán ngân sách hàng năm về cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để thực hiện đẩy mạnh phân cấp cho các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong công tác cải cách hành chính.
- Về thực hiện công tác dân chủ, dân vận: Xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền và hướng dẫn việc thực hiện dân chủ ở cơ sở theo quy định của pháp luật; hướng dẫn việc thực hiện công tác dân vận của cơ quan hành chính nhà nước và chính quyền các cấp theo quy định của Đảng và của pháp luật.
- Về quản lý nhà nước về thanh niên: Bổ sung các nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên, bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Thanh niên. Theo đó, Bộ Nội vụ có nhiệm vụ: Hướng dẫn việc lồng ghép chính sách, chỉ tiêu, mục tiêu phát triển thanh niên khi xây dựng chính sách, chiến lược, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của ngành, lĩnh vực; hướng dẫn các bộ, ngành lồng ghép chỉ tiêu thống kê về thanh niên Việt Nam vào hệ thống chỉ tiêu của bộ, ngành; chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật đối với thanh niên.
Về cơ cấu tổ chức
Theo Nghị định 63/2022/NĐ-CP, Bộ Nội vụ có 16 tổ chức hành chính giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước: Vụ Tổ chức - Biên chế; Vụ Chính quyền địa phương; Vụ Công chức - Viên chức; Vụ Tiền lương; Vụ Tổ chức phi chính phủ; Vụ Cải cách hành chính; Vụ Hợp tác quốc tế; Vụ Pháp chế; Vụ Kế hoạch - Tài chính; Vụ Công tác thanh niên; Vụ Tổ chức cán bộ; Thanh tra Bộ; Văn phòng Bộ; Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước; Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương; Ban Tôn giáo Chính phủ và 04 đơn vị sự nghiệp công lập, phục vụ chức năng quản lý nhà nước của Bộ: Học viện Hành chính Quốc gia; Viện Khoa học tổ chức nhà nước; Tạp chí Tổ chức nhà nước; Trung tâm Thông tin.
So với Nghị định số 34/2017/NĐ-CP, số lượng đơn vị đầu mối của Bộ Nội vụ đã cắt giảm từ 23 xuống còn 20 đơn vị; giảm 02 Vụ thuộc Bộ (Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và Vụ Tổng hợp) và giảm 01 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ (sáp nhập trường Đại học Nội vụ Hà Nội vào Học viện hành chính quốc gia). Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/9/2022./.
Nguyễn Thị Tâm
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật