Liên kết website

Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Thí điểm đổi mới hoạt động đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật”

13/10/2022

Ngày 13/10/2022, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký Quyết định số 2039/QĐ-BTP ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Thí điểm đổi mới hoạt động đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật” năm 2022 và năm 2023 của Bộ Tư pháp.

Theo đó, trong năm 2022 và năm 2023, Bộ Tư pháp triển khai các nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
Một là, chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra tình hình thực hiện Đề án “Thí điểm đổi mới hoạt động đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật” phê duyệt kèm theo Quyết định số 979/QĐ-TTg ngày 12/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ (sau đây gọi là Đề án) tại các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện thí điểm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Dân tộc và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương gồm: Hà Nội, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Đồng Nai, Sóc Trăng).
Hai là, tổ chức các hoạt động truyền thông về việc triển khai Đề án.
Ba là, nghiên cứu, khảo sát hoạt động đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), trong đó tập trung triển khai các hoạt động: (i) Tổ chức khảo sát thực trạng việc đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL tại các bộ, ngành và địa phương thực hiện thí điểm bằng hình thức phù hợp; (ii) Nghiên cứu, khảo sát kinh nghiệm tại Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trong xây dựng các bộ chỉ số có liên quan phục vụ việc xây dựng và tổ chức thực hiện các tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác truyền thông, thông tin PBGDPL; (iii) Nghiên cứu, khảo sát kinh nghiệm các nước trong xây dựng và tổ chức thực hiện đánh giá hiệu quả công tác truyền thông, thông tin, PBGDPL; (iv) Tổ chức các tọa đàm, hội thảo, diễn đàn với các bộ, ngành, địa phương thực hiện thí điểm để trao đổi việc triển khai thực hiện Đề án và giải pháp trong đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL.
Bốn là, xây dựng và ban hành tiêu chí chung đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; phối hợp với các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện thí điểm xây dựng tiêu chí riêng đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL; xây dựng tài liệu hướng dẫn về đánh giá thí điểm hiệu quả công tác PBGDPL; tổ chức các hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ, nâng cao năng lực cho tổ chức, cá nhân thực hiện đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL.
Năm là, huy động nguồn lực xã hội, ứng dụng công nghệ thông tin trong đánh giá thí điểm hiệu quả công tác PBGDPL, trong đó, tập trung thực hiện 02 nhóm hoạt động: (i) Huy động các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong nước tham gia, hỗ trợ; góp ý, đề xuất các sáng kiến, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL; (ii) Huy động nguồn lực hỗ trợ của các tổ chức quốc tế phục vụ hoạt động nghiên cứu, thí điểm đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL.
Sáu là, nghiên cứu, khảo sát xây dựng phần mềm khảo sát trực tuyến đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL.
Theo Kế hoạch, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi việc thực hiện Kế hoạch; tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao và tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trung ương kết quả thực hiện Đề án. Thủ trưởng các đơn vị liên quan có trách nhiệm tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao theo Kế hoạch; tăng cường phối hợp với Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, các cơ quan thông tin, báo chí trong triển khai nhiệm vụ; gửi Báo cáo kết quả thực hiện theo Kế hoạch về Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật trước ngày 30/11/2023 để tổng hợp, xây dựng báo cáo chung./.
Trần Văn Tùy
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật
File đính kèm
Các tin đã đưa ngày: