Những năm gần đây tại Việt Nam, cùng với sự phát triển của xã hội, của đất nước, các doanh nghiệp viễn thông đã đẩy mạnh việc xây dựng hạ tầng viễn thông, nâng cao chất lượng mạng lưới phục vụ đông đảo khách hàng và đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số của Chính phủ. Theo đó, từ năm 2019, các doanh nghiệp này đã tổ chức nghiên cứu, quy hoạch và triển khai thử nghiệm cung cấp các dịch vụ NB-IoT với chất lượng dịch vụ tốt, đảm bảo kết nối cho khách hàng tại các thành phố lớn như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng.
Trên thế giới đang có 123 mạng NB-IoT đã được triển khai tại 64 quốc gia, các doanh nghiệp cung cấp khoảng 565 chủng loại thiết bị với khoảng trên 500 triệu thiết bị đầu cuối NB-IoT.
Ngoài việc nghiên cứu triển khai thử nghiệm mạng NB-IoT và cung cấp các dịch vụ cho khách hàng, các doanh nghiệp viễn thông trong nước đã và đang giới thiệu, cung cấp các sản phẩm thiết bị đầu cuối NB-IoT như: Công tơ nước thông minh, công tơ điện thông minh, đèn đường thông minh, bãi đỗ xe thông minh, giám sát người già và trẻ con,… Tuy nhiên, các sản phầm này vẫn chưa triển khai rộng rãi và thiếu công tác hợp chuẩn, hợp quy thiết bị.
Hiện nay tại Việt Nam, thiết bị đầu cuối thông tin di động được quản lý thông qua hình thức bắt buộc phải chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy. Việc chứng nhận hợp quy được Bộ Thông tin và Truyền thông quy định trong Thông tư số 30/2011/TT-BTTTT ngày 31/10/2011, Thông tư số 15/2018/TT-BTTTT ngày 15/11/2018 và Thông tư số 10/2021/TT-BTTTT ngày 07/05/2021 quy định về chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy đối với sản phẩm, hàng hóa chuyên ngành công nghệ thông tin và truyền thông.
Sản phẩm, hàng hóa chuyên ngành công nghệ thông tin và truyền thông bắt buộc phải chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy hoặc bắt buộc phải công bố hợp quy được quy định tại Thông tư số 01/2021/TT-BTTTT ngày 14/5/2021 quy định Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Để xây dựng cơ sở pháp lý hợp chuẩn, hợp quy thiết bị đầu cuối NB-IoT này phục vụ triển khai rộng rãi các ứng dụng IoT tại Việt Nam, việc xây dựng và ban hành “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị đầu cuối NB-IoT” là cần thiết, nhằm hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn/quy chuẩn kỹ thuật quốc gia lĩnh vực thông tin và truyền thông, ngày 29/11/2022, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã ký ban hành Thông tư số 17/2022/TT-BTTTT Ban hành “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị đầu cuối IoT băng hẹp E-UTRA - Phần truy nhập vô tuyến”. Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2023.
Quy chuẩn này quy định các yêu cầu kỹ thuật phần truy nhập vô tuyến của các thiết bị đầu cuối IoT băng hẹp E-UTRA hoạt động trên một hoặc nhiều băng tần quy định trong Bảng 1và các băng tần được quy hoạch của Việt Nam.
Đối tượng áp dụng của Thông tư: Quy chuẩn này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài có hoạt động sản xuất, kinh doanh các thiết bị thuộc phạm vi điều chỉnh của quy chuẩn này trên lãnh thổ Việt Nam.
Cũng như rất nhiều các Thông tư ban hành Quy chuẩn kỹ thuật khác, Thông tư 17/20228/TT-BTTTT bao gồm các nội dung chính về:
(1) Quy định chung.
(2) Quy định kỹ thuật về điều kiện môi trường và yêu cầu kỹ thuật.
(3) Phương pháp đo
(4) Quy định về quản lý
(5) Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân.
(6) Tổ chức thực hiện.
Bảng 1 - Băng tần hoạt động của thiết bị đầu cuối IoT băng hẹp E-UTRA
Băng tần E-UTRA |
Hướng truyền của UE |
Băng tần hoạt động thiết bị đầu cuối IoT băng hẹp E-UTRA |
1 |
Phát |
1 920 MHz - 1 980 MHz |
Thu |
2 110 MHz - 2 170 MHz |
3 |
Phát |
1 710 MHz - 1 785 MHz |
Thu |
1 805 MHz - 1 880 MHz |
5 |
Phát |
824 MHz - 835 MHz |
Thu |
869 MHz - 880 MHz |
8 |
Phát |
880 MHz - 915 MHz |
Thu |
925 MHz - 960 MHz |
28 |
Phát |
703 MHz - 733 MHz |
Thu |
758 MHz - 788 MHz |