1. Quan tâm xây dựng thể chế, chính sách và chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện
Qua 10 năm thực hiện Luật PBGDPL, các bộ, ngành, đoàn thể trung ương đã tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 24 văn bản quy phạm pháp luật và hơn 6.400 văn bản hành chính (bao gồm chỉ thị, kết luận, thông báo, chương trình, quyết định, kế hoạch, công văn hướng dẫn...). 56/63 địa phương đã ban hành văn bản quy phạm pháp luật để triển khai Luật PBGDPL; 100% địa phương đã chủ động ban hành kế hoạch riêng triển khai thực hiện Luật PBGDPL.
2. Hoạt động của Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp hiệu quả, thực chất hơn
Hội đồng phối hợp PBGDPL (sau đây gọi là Hội đồng) là thiết chế tư vấn cho Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện về công tác PBGDPL và huy động nguồn lực cho công tác PBGDPL. Hội đồng đã từng bước phát huy vai trò các thành viên Hội đồng trong chỉ đạo tổ chức thực hiện PBGDPL thuộc phạm vi quản lý; hoàn thiện thể chế, chính sách về PBGDPL; định hướng nội dung, hình thức PBGDPL cần chú trọng thực hiện; hướng dẫn đẩy mạnh PBGDPL tập trung vào những lĩnh vực, vấn đề liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp… Thực hiện Quyết định số 21/2021/QĐ-TTg, thành phần của Hội đồng trung ương đã có sự thay đổi với 39 thành viên; Chủ tịch Hội đồng là Phó Thủ tướng Chính phủ. 100% Hội đồng cấp tỉnh, cấp huyện do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp làm Chủ tịch Hội đồng.
Hội đồng trung ương đã đổi mới hoạt động theo hướng nâng cao chất lượng các Phiên họp; định hướng nội dung, hình thức PBGDPL trên cơ sở bám sát nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, hướng về cơ sở; tăng cường kiểm tra, làm việc với các bộ, ngành, địa phương để nắm bắt thực trạng công tác PBGDPL và hoạt động Hội đồng, qua đó đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc bộ, ngành, địa phương; chỉ đạo các thành viên Hội đồng tập trung các giải pháp quan trọng như: thực hiện truyền thông dự thảo chính sách pháp luật; ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số trong PBGDPL; có giải pháp huy động và sử dụng kinh phí hiệu quả, tập trung ưu tiên cho đối tượng đặc thù, yếu thế, dân tộc thiểu số, các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, địa bàn trọng yếu về quốc phòng an ninh…
3. Triển khai Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hướng về cơ sở
Thực hiện Điều 8 Luật PBGDPL năm 2012, kể từ Lễ công bố Ngày Pháp luật nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Ngày Pháp luật Việt Nam) năm 2013 đến nay, hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam được các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương triển khai đồng bộ, rộng khắp trên cả nước với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Hằng năm Bộ Tư pháp đều ban hành Công văn chỉ đạo, hướng dẫn triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam trong cả nước và ban hành Kế hoạch thực hiện trong ngành Tư pháp, đồng thời tổ chức các hoạt động điểm nhấn hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam hằng năm
[1]. Có thể khẳng định, việc triển khai thực hiện Ngày Pháp luật Việt Nam đã thực sự trở thành sự kiện chính trị, pháp lý quan trọng của đất nước, lan tỏa tinh thần thượng tôn Hiến pháp, pháp luật trong xã hội; góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật của cán bộ, Nhân dân, đề cao giá trị pháp luật trong Nhà nước pháp quyền, hướng thái độ xử sự đúng pháp luật, tuân theo Hiến pháp và pháp luật.
4. Nội dung và hình thức PBGDPL đa dạng, phong phú
Bên cạnh việc PBGDPL thực định, để tăng cường tính gắn kết giữa công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, việc truyền thông chính sách trong quá trình soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật đã được các bộ, ngành, địa phương thực hiện. Đặc biệt, ngày 30/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 407/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027”. Qua đó, nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật, công khai, minh bạch, phát huy dân chủ và tạo đồng thuận trong xã hội trong thực thi pháp luật.
Ngoài các nội dung, thông tin về pháp luật trong trong nước và các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế, các bộ, ngành, địa phương còn tổ chức vinh danh các tấm gương về chấp hành, bảo vệ pháp luật nhằm lan tỏa tinh thần thượng tôn Hiến pháp và pháp luật. Bên cạnh các hình thức PBGDPL truyền thống, tại các bộ, ngành, đoàn thể trung ương, địa phương, các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL đã được áp dụng với nhiều mô hình, hình thức đa dạng, tiêu biểu như: thành lập các fanpage, zalo để cung cấp thông tin pháp luật; sử dụng các tin nhắn SMS qua các mạng di động để cung cấp thông tin pháp luật... Hiện cả nước có 14 bộ, ngành và 55 địa phương đã xây dựng đã vận hành Cổng/Trang thông tin PBGDPL, trong đó Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã xây dựng cổng thông tin pháp lý về hội nhập kinh tế quốc tế lớn nhất Việt Nam với hai phiên bản tiếng Việt và tiếng Anh.
Bên cạnh đó, để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp được tiếp cận thông tin pháp luật qua mạng Internet, Bộ Tư pháp đã xây dựng, vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật. Kể từ khi đưa vào khai thác, sử dụng từ năm 2013 đến nay, Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật đã cập nhập được
119.630. Số lượt truy cập Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật khoảng 30.000 lượt/ngày. Phát huy thế mạnh của phương tiện thông tin đại chúng, trong thời gian qua nhiều chuyên trang, chuyên mục pháp luật trên các loại hình báo chí ở trung ương và địa phương được cải tiến, tăng về số lượng, nâng cao chất lượng.
Việc xây dựng, nhân rộng các mô hình PBGDPL hiệu quả trong nhà trường được ngành Giáo dục và Đào tạo quan tâm thực hiện, tiêu biểu như: Mô hình “Cổng trường học an toàn giao thông”; mô hình các câu lạc bộ PBGDPL; mô hình giáo dục lịch sử địa phương cho học sinh gắn với phổ biến pháp luật về chủ quyền biển đảo; mô hình “Ngày pháp luật”, “Tiết pháp luật”; “Nhóm Zalo tuyên truyền pháp luật”; “Tuần sinh hoạt công dân học sinh, sinh viên” của các cơ sở giáo dục đại học, trường sư phạm trên toàn quốc tổ chức định kỳ vào đầu khóa, cuối khóa học; thiết kế Infographic theo các chủ đề; tổ chức các hội thi, cuộc thi tìm hiểu pháp luật theo hình thức trực tuyến hoặc sân khấu hóa...
Hình thức PBGDPL cho các nhóm đối tượng đặc thù theo quy định của Luật PBGDPL khá đa dạng để phù hợp với đặc điểm của từng nhóm đối tượng. Công tác PBGDPL cho đối tượng người Việt Nam ở nước ngoài cũng được quan tâm, chú trọng.
5. Nguồn lực cho tổ chức thực hiện Luật PBGDPL được tăng cường
Đến nay, cả nước có 26.731 báo cáo viên pháp luật và 141.936 tuyên truyền viên cấp xã (tăng 4.557 báo cáo viên pháp luật và 34.344 tuyên truyền viên pháp luật so với năm 2013). Một số ngành còn xây dựng, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên pháp luật của ngành. Cả nước hiện nay có 18.698 báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật là người dân tộc. Trong 10 năm qua, kinh phí dành cho công tác PBGDPL đã được bố trí ổn định và nhìn chung năm sau cao hơn năm trước. Hầu hết các địa phương đã ban hành Nghị quyết của Hội đồng nhân dân hoặc Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định về kinh phí bảo đảm cho nhiệm vụ PBGDPL. Từ năm 2016 đến năm 2022, cả nước bố trí hơn 3.277 tỷ đồng cho công tác PBGDPL.
* Qua 10 năm thực hiện Luật PBGDPL, các cơ quan, tổ chức, cá nhân đã thống nhất nhận thức và tăng cường trách nhiệm đối với công tác PBGDPL. Công tác quản lý nhà nước về PBGDPL được quan tâm hơn. Qua theo dõi của Bộ Tư pháp, nhiều bộ, ngành, đoàn thể, địa phương, cơ quan, tổ chức, cá nhân đã thực hiện khá nghiêm túc trách nhiệm được giao theo Luật PBGDPL, nhất là trong chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chúc triển khai công tác PBGDPL thuộc phạm vi quản lý. Đặc biệt, từ khi có Luật PBGDPL, sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong công tác PBGDPL đã ngày càng tăng cường, có hiệu quả. Các đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp cũng tham gia có trách nhiệm hơn trong việc đưa thông tin pháp luật đến Nhân dân thông qua hoạt động của tiếp xúc cử tri.
Thông qua PBGDPL, người dân đã dần chủ động, tích cực trong việc tự học tập, tìm hiểu pháp luật, nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước và tăng cường quản lý nhà nước, quản lý xã hội bằng pháp luật./.