Liên kết website

Tăng cường trao đổi, hợp tác giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và Campuchia trong xây dựng và thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở

01/04/2023

Tiếp nối chương trình làm việc của đoàn công tác Bộ Tư pháp Campuchia tại Việt Nam về việc trao đổi kinh nghiệm trong xây dựng khung chính sách và các quy định của pháp luật về cơ chế giải quyết tranh chấp ngoài tòa án, chiều ngày 31/3/2023, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp đã có buổi làm việc với đoàn công tác về công tác hòa giải ở cơ sở.

Về phía Bộ Tư pháp Việt Nam có ông Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật chủ trì buổi làm việc, cùng sự tham dự của các Lãnh đạo Vụ, chuyên viên phòng Quản lý công tác hòa giải ở cơ sở - Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Lãnh đạo Vụ Hợp tác quốc tế, 01 tổ hòa giải thuộc phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội.
Về phía Bộ Tư pháp Campuchia có ông Yom Pharot – Vụ trưởng Vụ Các vấn đề dân sự, Bộ Tư pháp Campuchia – Trưởng đoàn công tác và 11 thành viên đoàn.

Để đoàn công tác của Bộ Tư pháp Campuchia có cái nhìn tổng quan về công tác hòa giải ở cơ sở tại Việt Nam, đại diện Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp đã giới thiệu sơ qua về hệ thống các văn bản quy định về công tác hòa giải ở cơ sở, nội dung các quy định hiện hành cũng như thực tiễn công tác này trong thời gian qua. 
 
Bên cạnh đó, tại buổi làm việc, các đại biểu được nghe hòa giải viên chia sẻ thực tiễn thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở tại cơ sở. Theo đó, các hòa giải viên thực hiện công tác này trên tinh thần tự nguyện, không đòi hỏi thù lao, chủ động hòa giải trong trường hợp phát hiện ra tranh chấp, mâu thuẫn trong khu dân cư.

Về phía đoàn công tác của Bộ Tư pháp Campuchia cũng đã có nhiều câu hỏi trao đổi, thảo luận làm rõ các vấn đề về tiêu chuẩn, quy trình bầu hòa giải viên, cơ cấu, số lượng tổ hòa giải, thù lao dành cho hòa giải viên, phạm vi hòa giải... với Vụ và các hòa giải viên.

Ông Lê Vệ Quốc chia sẻ thêm: Hòa giải ở cơ sở là phương thức giải quyết tranh chấp được hình thành từ rất sớm trong lịch sử Việt Nam, xuất phát từ truyền thống giàu lòng nhân văn, tinh thần đoàn kết, hòa hiếu của dân tộc Việt Nam. Xác định hòa giải ở cơ sở không chỉ giữ vai trò quan trọng là một phương thức giải quyết tranh chấp hiệu quả mà còn là một hình thức để hàn gắn, khôi phục tình cảm giữa các bên tranh chấp, giúp tổ chức một xã hội đoàn kết, gắn bó, đồng thuận, là cơ sở để ổn định chính trị và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chế định hòa giải ở cơ sở ngày càng được khẳng định và có vị trí quan trọng trong hệ thống pháp luật Việt Nam. 

Ông Lê Vệ Quốc khẳng định, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp luôn sẵn sàng hỗ trợ, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm trong công tác hòa giải ở cơ sở với Campuchia, không chỉ trong khuôn khổ buổi làm việc hôm nay, hai bên có thể tiếp tục trao đổi, hỗ trợ lẫn nhau trong thời gian tới qua các kênh khác.
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật 
Các tin đã đưa ngày: