Theo đó, nhằm truyền thông, phổ biến rộng rãi các chính sách đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được thông qua, các quy định của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đến các cơ quan, tổ chức và Nhân dân để tạo sự thống nhất trong nhận thức, hiểu đúng và tạo sự đồng thuận của các cơ quan, tổ chức từ trung ương đến địa phương, tổ chức, doanh nghiệp, Nhân dân về việc nghiên cứu, xây dựng dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), góp phần thúc đẩy hiện thực hóa các mục tiêu xây dựng, phát triển Thủ đô theo Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; phát huy vai trò của các cơ quan thông tin, báo chí ở trung ương và Hà Nội, trách nhiệm của các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội, các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp trong từng chính sách của đề nghị xây dựng Luật và quá trình xây dựng dự án Luật Thủ đô (sửa đổi); kịp thời phản hồi thông tin báo chí đăng tải về những vấn đề được dư luận quan tâm, đồng thời, góp phần lan tỏa sâu rộng những kết quả nghiên cứu, xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), ngày 08/5/2023, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 02/QĐ-VĐCXDPL ban hành Kế hoạch truyền thông xây dựng dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).
Nội dung trọng tâm truyền thông, gồm:
- Sự cần thiết xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi); quan điểm, định hướng xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi); mục đích, ý nghĩa của Luật Thủ đô (sửa đổi); các chính sách đề xuất Luật Thủ đô (sửa đổi).
- Sức lan toả, tác động xã hội của Luật Thủ đô (sửa đổi) và các chính sách đề xuất Luật Thủ đô (sửa đổi) tới xã hội, hệ thống chính trị từ trung ương đến các địa phương trong cả nước, các cơ quan, ban, ngành Thành phố Hà Nội, Nhân dân Thủ đô, vùng Thủ đô và cả nước.
- Các sự kiện chính trị, pháp lý, các hoạt động tiêu biểu của trung ương, Thành phố Hà Nội, cơ quan, tổ chức trong quá trình xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi).
- Các diễn đàn pháp luật về quá trình xây dựng dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).
- Các hội thảo, tọa đàm về các quy định của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
- Các nội dung khác có liên quan.
Truyền thông xây dựng Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) được thực hiện thông qua các hình thức:
- Tổ chức các hội nghị, hội thảo, diễn đàn, phỏng vấn, đối thoại trực tiếp, trực tuyến, họp báo để trao đổi, thông tin, truyền thông về tiến độ xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), nội dung dự thảo Luật tới các cơ quan, tổ chức, người dân, doanh nghiệp, trong đó chú trọng lấy ý kiến đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, luật sư, luật gia, các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ làm công tác thực tiễn và đại diện các cơ quan, tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp liên quan đến dự thảo Luật.
- Theo dõi thông tin, báo chí, đề xuất các vấn đề được dư luận quan tâm phục vụ việc xây dựng các nội dung làm việc của Bộ trưởng Bộ Tư pháp tại các kỳ họp Quốc hội liên quan đến dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).
- Xây dựng tài liệu, ấn phẩm, nội dung truyền thông dự thảo Luật để đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật quốc gia và cung cấp cho các cơ quan thông tin, báo chí phục vụ hoạt động truyền thông dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
- Phối hợp xây dựng các chương trình truyền thông về dự thảo Luật trên các kênh phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam, Báo Pháp luật Việt Nam và cơ quan thông tin, báo chí khác.
- Thực hiện việc tích họp, chia sẻ để đăng tải thông tin nội dung dự thảo Luật trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp, Cổng Thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật quốc gia, các ứng dụng phần mềm về phổ biến, giáo dục pháp luật.
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) dự kiến sẽ trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7 của Quốc hội vào tháng 5/2024./.
Đỗ Thị Nhẫn
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật