Liên kết website

Bộ Tư pháp kiểm tra công tác hòa giải ở cơ sở tại phường Phú Thủy, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận

17/06/2023

Thực hiện Quyết định số 747/QĐ-BTP ngày 18/5/2023 của Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch kiểm tra tình hình thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở, ngày 14/6/2023, Đoàn kiểm tra của Bộ Tư pháp đã tiến hành kiểm tra việc thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở tại phường Phú Thủy, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Ông Phan Hồng Nguyên, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp - Trưởng đoàn kiểm tra. Thành viên gồm đại diện Ban Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Lãnh đạo cấp Phòng và các công chức của Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật. Về phía địa phương có ông Đặng Văn Đào, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bình Thuận; ông Nguyễn Nam Long, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Phan Thiết; ông Đinh Văn Thuận - Trưởng phòng Tư pháp thành phố Phan Thiết; ông Nguyễn Hải Đăng - Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Phú Thủy và công chức tư pháp hộ tịch, văn phòng, kế toán viên; lãnh đạo các tổ chức đoàn thể trên địa bàn phường (Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Hội Người cao tuổi, Đoàn Thanh niên); 02 Tổ trưởng tổ hòa giải khu phố 8 và khu phố 14 và một số hòa giải viên ở cơ sở.

Phường Phú Thủy là một trong những phường rộng, đông dân cư của thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, có nhiều dự án đầu tư, với số dân gần 28.000 người. Do vậy, công tác hòa giải ở cơ sở có vai trò rất quan trọng trong giữ gìn an ninh trật tự, ổn định trị an, được chính quyền địa phương quan tâm. Qua buổi kiểm tra cho thấy Ủy ban nhân dân phường đã kịp thời ban hành các văn bản triển khai thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở, củng cố, kiện toàn đội ngũ hòa giải viên. Hiện nay, trên địa bàn có 13 Tổ hòa giải tại 13 khu phố bảo đảm các tổ hòa giải đủ số lượng, thành phần, tiêu chuẩn đáp ứng nhu cầu của công tác hòa giải viên ở cơ sở. Số hòa giải viên là 66 người (gồm 30 nam, 36 nữ). Trong 10 năm qua, tổ hòa giải cơ sở đã tiếp nhận và giải quyết 76/76 vụ việc (trong đó: 66 vụ việc hòa giải thành, 10 vụ việc không hòa giải thành, tỷ lệ hòa giải thành đạt cao là 86,8% (cao hơn so với trung bình cả nước năm 2022 là 82,9%). Việc truyền thông pháp luật về hòa giải ở cơ sở được địa phương thực hiện dưới nhiều hình thức, như: thông qua Hội nghị triển khai; qua Zalo, Facebook do các hội, đoàn thể khu phố, phường thành lập, qua đó, thông tin về công tác hòa giải ở cơ sở được cập nhật đến các hòa giải viên và cán bộ làm công tác hòa giải... Công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn đã đi vào nền nếp, góp phần giảm thiểu đơn thư khiếu nại, tố cáo, phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác hòa giải ở địa phương vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: Đa số hòa giải viên là người cao tuổi nên thường xuyên có sự biến động, còn ít được tham gia tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải; việc cung cấp tài liệu cho hòa giải viên chưa đáp ứng yêu cầu; chưa xây dựng được các mô hình điển hình hòa giải ở cơ sở hoạt động hiệu quả tại địa phương; việc sơ kết, tổng kết, khen thưởng thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở chưa tổ chức riêng theo chuyên đề mà lồng ghép trong thực hiện các nhiệm vụ khác tại địa phương. Kinh phí hỗ trợ công tác hòa giải ở cơ sở còn ít. Việc ghi chép một số nội dung trong Sổ theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở còn chưa cụ thể theo quy định.
Trên cơ sở kết quả kiểm tra, đồng chí Trưởng đoàn kiểm tra đề nghị Ủy ban nhân dân phường Phú Thủy kịp thời tiến hành tổng kết 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở, trên cơ sở đó khen thưởng tổ hòa giải và hòa giải viên có thành tích xuất sắc trong công tác hòa giải ở cơ sở; xây dựng mô hình hòa giải ở cơ sở hoạt động hiệu quả; tiếp tục thực hiện chi thù lao cho hòa giải viên theo đúng Nghị quyết số 75/2014/NQ-HĐND ngày 08/12/2014 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Thuận về quy định mức chi và quản lý, sử dụng kinh phí bảo đảm công tác hòa giải ở cơ sở. Đồng thời, đề nghị Phòng Tư pháp thành phố Phan Thiết tiếp tục trang bị tài liệu cho hòa giải viên ở cơ sở trên địa bàn; phối hợp Sở Tư pháp tỉnh Bình Thuận định kỳ tổ chức bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng hòa giải ở cơ sở cho đội ngũ hòa giải viên trên địa bàn thành phố. Đối Sở Tư pháp tỉnh Bình Thuận cần tăng cường bồi dưỡng, tập huấn, truyền thông về thủ tục đề nghị Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành ở cơ sở; tiếp tục quan tâm chỉ đạo, có giải pháp nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở; tổng kết 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở và tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận khen thưởng những tổ hòa giải, hòa giải viên có thành tích xuất sắc trong công tác hòa giải ở cơ sở.../.
Đinh Thị Ánh Hồng
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật
Các tin đã đưa ngày: