Liên kết website

Bộ Tài liệu tập huấn “Bảo đảm bình đẳng giới trong quá trình hòa giải ở cơ sở”

01/08/2023

Hòa giải ở cơ sở là một phương thức giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư. Hòa giải ở cơ sở đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, góp phần giải quyết có hiệu quả các tranh chấp, mâu thuẫn, vi phạm pháp luật, tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức của nhân dân cũng như của Nhà nước, góp phần giảm bớt khiếu kiện của nhân dân. Trong nhiều vụ việc có liên quan đến mâu thuẫn, xung đột trong gia đình, các bên liên quan thường lựa chọn con đường giải quyết thông qua thương lượng, hòa giải hoặc tìm người có uy tín trong cộng đồng đứng ra giải quyết. Do đó, hòa giải ở cơ sở có vai trò quan trọng góp phần bảo vệ quyền lợi của các bên, đặc biệt là của phụ nữ, trẻ em, những người yếu thế khác như người khuyết tật, người nghèo, người dân tộc thiểu số, người thuộc nhóm LGBT (người đồng tính nam, đồng tính nữ, người song tính, người chuyển giới)… khi họ là một trong các bên liên quan của mâu thuẫn và xung đột.

Khi tiến hành hòa giải, hòa giải viên không chỉ cần có kiến thức pháp luật và kỹ năng hoà giải mà họ còn cần có sự hiểu biết về các vấn đề giới và bình đẳng giới. Việc nhận thức rõ sự khác nhau trong vai trò, nhu cầu, nguyện vọng, lợi ích và trải nghiệm giữa phụ nữ và nam giới cũng như những khó khăn của mỗi bên sẽ giúp hòa giải viên đề xuất được giải pháp phù hợp, góp phần giảm thiểu sự bất bình đẳng giới và phân biệt đối xử về giới. Cách tiếp cận, giải quyết vụ việc trên cơ sở có hiểu biết về giới và bình đẳng giới cũng sẽ làm tăng hiệu quả của hoạt động hòa giải ở cơ sở và đảm bảo lợi ích công bằng cho các bên, bảo đảm tính bền vững của kết quả hòa giải thành.
Trong khuôn khổ Chương trình tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam (EU JULE), năm 2020, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức biên soạn Tài liệu tập huấn “Hòa giải ở cơ sở có nhạy cảm giới” gồm hai cuốn, một cuốn dành cho hòa giải viên và một cuốn dành cho tập huấn viên. Tài liệu này đã được đội ngũ tập huấn viên và hòa giải viên ở cơ sở đánh giá cao về giá trị thiết thực mang lại trong việc nâng cao năng lực cho đội ngũ này.
Bổ sung, cập nhật, chỉnh sửa Tài liệu là việc làm cần thiết để kịp thời chỉnh lý những nội dung còn hạn chế, bất cập, chưa phù hợp nhằm bảo đảm tính thống nhất, hiện đại và thực tiễn. Do đó, tài liệu tập huấn đã được đổi tên thành “Bảo đảm bình đẳng giới trong quá trình hòa giải ở cơ sở”. Cuốn tài liệu dành cho tập huấn viên này sẽ cung cấp thông tin, hướng dẫn, hỗ trợ tập huấn viên sử dụng các phương pháp tập huấn có sự tham gia trên cơ sở kết hợp với các kiến thức về giới và bình đẳng giới để tiến hành tập huấn cho hòa giải viên theo phương pháp tăng cường sự tham gia của người học.
Mặc dù Tài liệu đã được nghiên cứu, chỉnh sửa công phu, song chắc chắn không tránh khỏi những thiếu sót về cả nội dung và kỹ thuật. Chúng tôi mong tiếp tục nhận được nhiều ý kiến góp ý của hòa giải viên, tập huấn viên, các nhà khoa học để Tài liệu ngày càng hoàn chỉnh hơn./.
Nguyễn Thanh Trang
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật
Các tin đã đưa ngày: