Tại Tọa đàm, đồng chí Lê Vệ Quốc nhấn mạnh thời gian qua, Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm tới công tác tổ chức truyền thông dự thảo chính sách và tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân thông qua việc lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành Đề án. Cùng với đó, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) trung ương đã chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các Bộ, ngành địa phương thực hiện. Để có cơ sở thực tiễn báo cáo Hội đồng tại Phiên họp sắp tới, đồng chí Lê Vệ Quốc đã đề nghị đại diện các đơn vị thuộc Bộ TN&MT trao đổi, thông tin về những kết quả đã đạt được, chia sẻ kinh nghiệm, đồng thời, tập trung trao đổi, phản ánh những khó khăn, vướng mắc trong công tác truyền thông dự thảo chính sách và nâng cao năng lực tiếp cận pháp luật của người dân của Bộ TN&MT để kịp thời có giải pháp, kiến nghị phù hợp.
Đại diện các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT (Vụ Pháp chế, Cục Quản lý tài nguyên nước, Vụ Kế hoạch – Tài chính, Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường) đã chia sẻ những kết quả đạt được trong triển khai công tác truyền thông các chính sách có tác động lớn đến xã hội. Các đơn vị đã bám sát quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Đề án để tổ chức lồng ghép truyền thông dự thảo chính sách gắn với các lĩnh vực quản lý. Đặc biệt chú trọng phổ biến, truyền thông, tham vấn trong xây dựng một số dự án Luật quan trọng, phạm vi, đối tượng tác động rộng lớn, trực tiếp liên quan đến quyền, lợi ích của người dân như Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)… thông qua tổ chức các hội nghị, diễn đàn, hội thảo; xây dựng phóng sự, phim tài liệu, tọa đàm trên truyền hình. Riêng dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Bộ đã ban hành Kế hoạch truyền thông, tổ chức truyền thông rộng rãi dự thảo chính sách và đã thu hút đông đảo người dân, tổ chức, doanh nghiệp, đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học tham gia đóng góp ý kiến với hơn 12 triệu lượt ý kiến. Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường đã phát huy tốt vai trò tổ chức và phối hợp với các cơ quan thông tin, báo chí trong và ngoài Bộ triển khai thực hiện truyền thông dự thảo chính sách, PBGDPL về lĩnh vực do ngành quản lý bằng nhiều hình thức phong phú.
Một trong những khó khăn được nhiều đơn vị quan tâm chia sẻ, kiến nghị là nguồn lực triển khai công tác PBGDPL, truyền thông dự thảo chính sách còn hạn chế. Hiện nay chưa được bố trí kinh phí riêng để triển khai các Đề án, do đó các nhiệm vụ và giải pháp của Đề án được thực hiện lồng ghép với các hoạt động, sự kiện của ngành tài nguyên, môi trường. Ngoài ra, nguồn nhân lực thực hiện công tác PBGDPL, truyền thông dự thảo chính sách còn thiếu, ít được bồi dưỡng nâng cao kiến thức pháp luật và kỹ năng PBGDPL, truyền thông chính sách.
Để nâng cao hiệu quả công tác truyền thông dự thảo chính sách và tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân, các đại biểu đã đề xuất giải pháp, trong đó, chú trọng khảo sát nhu cầu của người dân trước khi PBGDPL để bảo đảm thực chất, đáp ứng nhu cầu của đối tượng; phát huy vai trò của Hội đồng phối hợp PBGDPL Bộ Tài nguyên và Môi trường trong chỉ đạo, phối hợp, tổ chức các hoạt động truyền thông dự thảo chính sách và tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân; chú trọng tổ chức truyền thông dự thảo chính sách pháp luật từ sớm, từ xa, ngay từ khi lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, trong đó năm 2023 ưu tiên truyền thông chính sách của dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Luật Địa chất và khoáng sản… Đồng thời, cần tập huấn, nâng cao năng lực cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, công chức làm công tác PBGDPL về kỹ năng PBGDPL, truyền thông dự thảo chính sách; xây dựng đội ngũ chuyên biệt cho đối tượng đặc thù;… Bên cạnh đó, các đơn vị của Bộ TN&MT có một số đề xuất, kiến nghị nhằm tăng cường và nâng cao hiệu quả hiệu quả truyền thông dự thảo chính sách, PBGDPL và tiếp cận pháp luật của người dân.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Lê Vệ Quốc đánh giá cao các kết quả đã đạt được và ghi nhận các kiến nghị, đề xuất của các đơn vị thuộc Bộ TN&MT để nghiên cứu, tham mưu giải quyết; đề nghị Vụ Pháp chế và các đơn vị chủ trì xây dựng luật cần chủ động tham mưu, đề xuất với Bộ, Hội đồng phối hợp PBGDPL của Bộ nguồn lực thực hiện, tăng cường, đa dạng hóa hình thức truyền thông dự thảo chính sách, PBGDPL; nắm bắt thông tin phản hồi, tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến của người dân về dự thảo chính sách. Bên cạnh đó, Bộ cần tiếp tục nhân rộng, phát huy các mô hình truyền thông dự thảo chính sách có hiệu quả, có thêm những giải pháp mới; phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp trong tập huấn kỹ năng PBGDPL, truyền thông dự thảo cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, công chức làm công tác PBGDPL của Bộ TN&MT./.
Nguyễn Việt Hà
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật