Liên kết website

Thông cáo báo chí Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV

07/09/2023

THÔNG CÁO BÁO CHÍ HỘI THI HÒA GIẢI VIÊN GIỎI TOÀN QUỐC LẦN THỨ IV
Hòa giải ở cơ sở là phương thức giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn đã hình thành từ rất sớm trong lịch sử Việt Nam, xuất phát từ truyền thống giàu lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết, hòa hiếu của con người Việt Nam. Cùng với sự phát triển của đời sống xã hội, công tác hoà giải ngày càng được phát huy và trở thành phương thức giải quyết tranh chấp chiếm ưu thế trong hệ thống các phương thức giải quyết tranh chấp, xung đột xã hội ngoài Tòa án. Trong quá trình hòa giải, với uy tín, lòng nhiệt huyết, tinh thần trách nhiệm, các hòa giải viên luôn là cầu nối kết nối tình đoàn kết, yêu thương, hướng dẫn các bên giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn một cách “thấu tình đạt lý”. Theo số liệu thống kê của Bộ Tư pháp, tính đến ngày 31/12/2022 cả nước có 86.414 tổ hòa giải với 540.740 hòa giải viên. Trung bình mỗi năm, các tổ hòa giải trên cả nước tiến hành hòa giải trên 100.000 vụ, việc tranh chấp, mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư, đạt tỷ lệ hòa giải thành trên 80%. Với chủ trương tăng cường quyền làm chủ của người dân trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm tới  giải quyết tranh chấp bằng phương thức hòa giải ở cơ sở, yêu cầu công tác này cần phải được tiếp tục quan tâm, đổi mới và phát huy hiệu quả hơn nữa. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đặt ra nhiệm vụ, giải pháp: “Phát huy đúng vai trò giám sát, phản biện xã hội, các hình thức tự quản của cộng đồng, các phương thức hòa giải cấp cơ sở”; Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023 xác định nhiệm vụ: “Chú trọng làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở gắn với công tác dân vận, tích cực vận động quần chúng nhân dân chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hạn chế việc khiếu nại, tố cáo không đúng quy định”.
Để nâng cao nhận thức của xã hội về ý nghĩa, vai trò của công tác này; biểu dương, vinh danh và tạo sân chơi giao lưu chia sẻ kinh nghiệm cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở, đến nay, Bộ Tư pháp đã tổ chức thành công 03 Hội thi hòa giải viên giỏi toàn quốc[1]. Các Hội thi đã nhận được sự quan tâm, đánh giá cao của cấp ủy, chính quyền, cơ quan thông tin đại chúng, sự hưởng ứng nhiệt tình của các Hòa giải viên trên cả nước và có sức lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội. Tiếp tục phát huy kết quả đạt được trên, năm 2023, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trung ương đã ban hành Quyết định số 791/QĐ-HĐPH ngày 24/5/2023 về Kế hoạch tổ chức Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV.
Theo Kế hoạch, đối tượng tham dự thi phải là hòa giải viên được công nhận theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở, đã đạt giải cao tại Hội thi Hòa giải viên giỏi của các tỉnh, thành phố hoặc hòa giải viên xuất sắc, tiêu biểu được lựa chọn đại diện cho địa phương mình. Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chọn 01 đội thi gồm 03 thành viên chính thức, 01 thành viên dự bị, trong đó 01 người làm đội trưởng. Đối với phần thi giới thiệu, tiểu phẩm, các đội thi có thể huy động tối đa 05 người tham gia các vai phụ.
Về hình thức thi: Thi tập thể theo đội dưới hình thức sân khấu hóa. Mỗi đội thi tham gia 03 phần thi, gồm: (i) Phần thi giới thiệu trong thời gian tối đa 05 phút, tổng số 20 điểm: Đội thi giới thiệu về các thành viên; đặc thù và tình hình công tác hòa giải ở cơ sở của địa phương bằng các hình thức phù hợp (kể chuyện, thơ, ca, hò, vè...); (ii) Phần thi lý thuyết gồm thi hiểu biết, trả lời câu hỏi trắc nghiệm, tối đa 10 giây chuẩn bị cho mỗi câu hỏi trắc nghiệm và thi hòa giải khéo tối đa có 4 phút chuẩn bị và trả lời, tổng số 40 điểm: Đội thi trả lời các câu hỏi trắc nghiệm và đưa ra phương án hòa giải 01 tình huống mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật do Ban Tổ chức Hội thi đặt ra; (iii) Phần thi tiểu phẩm trong thời gian tối đa 07 phút, tổng số 40 điểm: Đội thi dàn dựng và trình diễn tiểu phẩm dưới các hình thức kịch nói, ca kịch hoặc các hình thức nghệ thuật, sân khấu phù hợp khác về một vụ việc thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở đã xảy ra tại địa phương, được tổ hòa giải tiến hành hòa giải thành công và mang lại hiệu ứng tích cực.
Nội dung thi: (i) Các kỹ năng hòa giải của hòa giải viên; (ii) Pháp luật về hòa giải ở cơ sở; (iii) Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân theo Hiến pháp năm 2013; (iv) Quy định pháp luật trong một số lĩnh vực liên quan đến công tác hòa giải ở cơ sở, như: dân sự, hôn nhân và gia đình, đất đai, nhà ở, bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình, bảo vệ môi trường, phòng chống tham nhũng, tiêu cực…
Hội thi được tổ chức thành  02 vòng thi, gồm: Vòng thi khu vực và Vòng thi toàn quốc. Vòng thi khu vực được tổ chức theo 03 khu vực miền Bắc, miền Trung - Tây Nguyên và miền Nam trong tháng 9/2023. Cụ thể:
Khu vực miền Bắc gồm 26 đội thi của các tỉnh, thành phố: Bắc Giang, Bắc Kạn, Bắc Ninh, Cao Bằng, Điện Biên, Hà Giang, Hà Nam, Hà Nội, Hà Tĩnh, Hải Dương, Hải Phòng, Hòa Bình, Hưng Yên, Lai Châu, Lạng Sơn, Lào Cai, Nam Định, Ninh Binh, Phú Thọ, Quảng Ninh, Sơn La, Thái Bình, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Yên Bái. Địa điểm tổ chức thi tại thành phố Hải Phòng. Thời gian thi từ ngày 14-15/9/2023.
Khu vực miền Trung – Tây Nguyên gồm 17 đội thi của các tỉnh, thành phố: Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, Gia Lai, Bình Định, Phú Yên, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Khánh Hòa. Địa điểm tổ chức thi tại tỉnh Khánh Hòa. Thời gian thi từ ngày 21-22/9/2023.
Khu vực miền Nam gồm 20 đội thi của các tỉnh, thành phố: Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau. Địa điểm tổ chức thi tại tỉnh Tây Ninh. Thời gian thi từ ngày 05-06/10/2023.
Kết thúc 03 Vòng thi khu vực, các đội thi đạt giải Nhất, Nhì, Ba của Vòng thi khu vực sẽ được lựa chọn vào Vòng thi toàn quốc, với tổng số 15 đội thi. Địa điểm tổ chức Vòng thi toàn quốc tại Thành phố Hà Nội. Thời gian thi dự kiến tổ chức vào tuần đầu tháng 11/2023, đây là sự kiện nổi bật hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Về giải thưởng: Ban Tổ chức quyết định giá trị giải thưởng tại các Vòng thi khu vực là 20 triệu đồng đối với giải Nhất, 15 triệu đồng đối với giải Nhì, 08 triệu đồng đối với giải Ba và 01 triệu đồng đối với giải Khuyến Khích. Căn cứ vào số lượng đội thi tại mỗi Vòng thi khu vực, Ban Tổ chức quyết định số lượng giải thưởng tương ứng. Theo đó, Khu vực miền Bắc có 14 giải gồm: 01 giải Nhất, 02 giải Nhì, 03 giải Ba và 08 giải Khuyến Khích. Khu vực miền Trung – Tây Nguyên có 11 giải gồm: 01 giải Nhất, 01 giải Nhì, 02 giải Ba và 07 giải Khuyến Khích. Khu vực miền Nam có 12 giải gồm: 01 giải Nhất, 02 giải Nhì, 02 giải Ba và 07 giải Khuyến Khích.
Giải thưởng của Vòng thi toàn quốc là 01 giải Nhất trị giá 30 triệu đồng, 02 giải Nhì trị giá 20 triệu đồng; 03 giải Ba trị giá 10 triệu đồng và 06 giải Khuyến Khích trị giá 02 triệu đồng.
Ngoài ra, các đội thi được tặng cờ lưu niệm của Ban Tổ chức Hội thi. Các hòa giải viên là thành viên chính thức thi của đội thi đạt giải Nhất, giải Nhì Vòng thi toàn quốc sẽ được Ban Tổ chức đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp xét tặng Bằng khen hoặc các hình thức khen thưởng phù hợp khác.
Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV được Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) đồng hành.
Trên đây là Thông cáo báo chí về Hội thi hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV, Ban Tổ chức Hội thi xin thông báo./.
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật 

[1] Lần thứ I năm 2000, lần thứ II năm 2005, lần thứ III năm 2016.
Các tin đã đưa ngày: