Phát biểu tại Tọa đàm, Tiến sĩ Lê Vệ Quốc, Cục trưởng Cục PBGDPL chia sẻ, ngày 10/3/2018, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 03/2018/TT-BTP quy định Bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL. Qua trình thực hiện, bên cạnh những kết quả bước đầu trong đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL, một số nội dung trong Thông tư và việc triển khai thực hiện gặp khó khăn, vướng mắc. Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trên, đồng thời nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra đối với công tác PBGDPL, đổi mới đánh giá hiệu quả công tác này, ngày 12/8/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 979/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Thí điểm đổi mới hoạt động đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật”. Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Tư pháp đang chủ trì xây dựng Khung tiêu chí chung đánh giá thí điểm hiệu quả công tác PBGDPL. Đến thời điểm hiện tại, Khung tiêu chí chung cơ bản đã được định hình rõ nét, có sự đổi mới về cách tiếp cận so với Thông tư số 03/2018/TT-BTP, cụ thể ở 04 điểm sau:
Thứ nhất, việc đánh giá thí điểm hiệu quả PBGDPL được đặt trong một hệ quy chiếu cụ thể, gắn với từng lĩnh vực pháp luật, nội dung, hình thức PBGDPL, đối tượng được PBGDPL, địa bàn, khoảng thời gian cụ thể; không đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL một cách chung chung như trước đây.
Thứ hai, các tiêu chí, chỉ tiêu phải được lượng hóa, bảo đảm tính khả thi trong đánh giá; có công cụ kiểm chứng cụ thể và được tính điểm.
Thứ ba, đánh giá quản lý nhà nước kết hợp với đánh giá hiệu quả đầu ra của hoạt động PBGDPL, trong đó có tiêu chí cụ thể xác định việc thay đổi nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của đối tượng được PBGDPL. Bộ Tư pháp xây dựng Khung tiêu chí chung đánh giá thí điểm hiệu quả công tác PBGDPL, các bộ, ngành, địa phương thực hiện thí điểm căn cứ Khung tiêu chí chung, dựa trên yêu cầu công tác PBGDPL và đặc thù của bộ, ngành, địa phương xây dựng Tiêu chí riêng đánh giá thí điểm hiệu quả công tác PBGDPL.
Thứ tư, kết quả đánh giá thí điểm hiệu quả công tác PBGDPL không sử dụng để xếp loại, thi đua khen thưởng mà mục đích chính là để chủ thể thực hiện công tác PBGDPL tự đánh giá, nhận diện được những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, từ đó triển khai tốt hơn trong thời gian tiếp theo. Bộ Tư pháp sẽ hướng dẫn cụ thể quy trình đánh giá. Sau khi tổng kết thí điểm sẽ áp dụng đánh giá trên cả nước bảo đảm hiệu quả, thực chất, đáp ứng yêu cầu đặt ra.
Tại Tọa đàm, đồng chí Phan Hồng Nguyên, Phó Cục trưởng Cục PBGDPL khái quát cách tiếp cận, những nội dung chính của dự thảo Khung tiêu chí chung đánh giá thí điểm hiệu quả công tác PBGDPL. Theo đó, Khung tiêu chí chung gồm 02 nhóm: (i) Nhóm tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành trách nhiệm quản lý nhà nước về PBGDPL (45 điểm); (ii) Nhóm tiêu chí đánh giá kết quả đầu ra của hoạt động PBGDPL của bộ, ngành, địa phương (55 điểm) và gợi mở về đối tượng, nội dung, hình thức PBGDPL để các bộ xây dựng Tiêu chí riêng phù hợp với đặc thù của bộ, ngành. Đối với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được quy định tại Nghị định số 62/2022/NĐ-CP ngày 12/9/2022, có thể lựa chọn nội dung như lao động, tiền lương; việc làm; giáo dục nghề nghiệp; bảo hiểm xã hội... để PBGDPL cho đối tượng, như: Công chức, viên chức, sinh viên các cơ sở đào tạo trực thuộc; trẻ em, người khuyết tật… Đối với Bộ Tài Nguyên và Môi trường, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được quy định tại Nghị định số 68/2022/NĐ-CP ngày 22/9/2022, có thể lựa chọn các lĩnh vực như đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, môi trường... để tổ chức PBGDPL cho công chức, viên chức, sinh viên các cơ sở đào tạo trực thuộc... thuộc phạm vi quản lý và người dân. Đối với nhóm Tiêu chí 2 (Nhóm tiêu chí đánh giá kết quả đầu ra của hoạt động PBGDPL của các địa phương), các địa phương thí điểm căn cứ vào hướng dẫn tại Tiêu chí 2.1 (Mức độ đánh giá của đối tượng thụ hưởng về chất lượng tổ chức các hoạt động PBGDPL cụ thể ), Tiêu chí 2.2 (Mức độ tác động của các hoạt động PBGDPL cụ thể) để bổ sung chỉ tiêu và xác định điểm số đối với từng mức độ hoàn thành nhiệm vụ. Các hình thức PBGDPL được lựa chọn để đánh giá có thể là: Phổ biến pháp luật trực tiếp, cung cấp thông tin văn bản quy phạm pháp luật trên trang thông tin điện tử của cơ quan, trên các phương tiện thông tin đại chúng...
Đồng chí Phan Hồng Nguyên, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật phát biểu tại Tọa đàm.
Các đại biểu tham dự Tọa đàm trao đổi và nhất trí với cách tiếp cận; những nội dung cơ bản của dự thảo Khung tiêu chí chung đánh giá thí điểm hiệu quả công tác PBGDPL. Một số đại biểu đề nghị làm rõ hơn việc Khung tiêu chí quy định điểm số tối đa, đồng thời giao các bộ, cơ quan ngang bộ quyết định việc phân bố điểm tương ứng cho từng mức độ hoàn thành và bổ sung các tiêu chí riêng, đặc thù; chỉ tiêu về bố trí kinh phí thường xuyên cho các hoạt động quản lý nhà nước về PBGDPL của năm đánh giá so với mức kinh phí của năm trước liền kề năm đánh giá; cách thức xây dựng Tiêu chí riêng của Bộ. Các đại biểu đề nghị Bộ Tư pháp sớm ban hành Khung tiêu chí để các bộ, ngành, địa phương thực hiện thí điểm căn cứ xây dựng Tiêu chí riêng. Tại Tọa đàm, đồng chí Cục trưởng, Phó Cục trưởng Cục PBGDPL đã trao đổi, giải đáp, làm rõ hơn những vấn đề mà đại biểu quan tâm. Mục đích cuối cùng của công tác này là giúp bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương thực hiện thí điểm tự đánh giá một cách thực chất hiệu quả công tác PBGDPL tại chính bộ, ngành, địa phương. Để bảo đảm tỉnh khả thi, Bộ Tư pháp chỉ ban hành Khung tiêu chí chung để định hướng; trên cơ sở đó, căn cứ vào đặc thù và yêu cầu thực tiễn, các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương thực hiện thí điểm xây dựng Tiêu chí riêng, trong đó bổ sung các tiêu chí đặc thù và phân bố điểm số tương ứng với từng mức độ hoàn thành nhiệm vụ.
Đại diện Vụ Pháp chế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phát biểu tại buổi Tọa đàm.
Đồng thời, Cục PBGDPL đã trao đổi cụ thể, làm rõ về cách thức xây dựng Tiêu chí riêng và sẽ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến xác đáng để chỉnh lý, hoàn thiện, trình Lãnh đạo Bộ xem xét, ban hành Khung tiêu chí chung. Bộ Tư pháp sẽ hướng dẫn cụ thể, đồng hành cùng các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương thực hiện thí điểm trong quá trình thực hiện và đề nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện thí điểm cùng nỗ lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao./.
Nguyễn Thị Giang
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật