Liên kết website

Từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến pháp luật trong các đơn vị thuộc ngành Hải quan

09/07/2024

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) là khâu đầu tiên của hoạt động thi hành pháp luật, là cầu nối đưa pháp luật vào cuộc sống và ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, đặc biệt trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Nhận thức vai trò, tầm quan trọng của công tác này, trong những năm qua, công tác PBGDPL cho doanh nghiệp và người dân luôn được Lãnh đạo ngành Hải quan quan tâm triển khai thực hiện, coi đó là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong việc tăng cường vai trò quản lý Nhà nước bằng pháp luật của ngành.

Để phổ biến đến toàn thể công chức ngành Hải quan các quy định mới của pháp luật hải quan, pháp luật thuế và pháp luật khác có liên quan nhằm kịp thời nắm vững và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; giúp cho doanh nghiệp nắm bắt các quy định của pháp luật về hải quan, pháp luật thuế và pháp luật có liên quan; nâng cao tính tự giác tuân thủ, thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình; thực hiện cải cách hành chính trong ngành Hải quan, ngày 30/6/2022, Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan đã ban hành Quy chế tuyên truyền, phổ biến pháp luật và hỗ trợ pháp lý cho người khai hải quan, doanh nghiệp trong lĩnh vực hải quan[1]. Việc ban hành Quy chế đã thống nhất và chuẩn hóa công tác phổ biến pháp luật và thống nhất đầu mối thực hiện, đảm bảo chế độ phân công, phân cấp rõ ràng trách nhiệm của cơ quan hải quan các cấp và công chức hải quan trong việc tổ chức thực hiện công tác phổ biến pháp luật.
Đa dạng hóa các hình thức phổ biến pháp luật
Theo Quy chế, hoạt động phổ biến pháp luật cho doanh nghiệp được thực hiện theo các hình thức sau: (1) Bằng văn bản; (2) Trực tiếp tại cơ quan Hải quan; (3) Qua điện thoại; (4) Tại trụ sở người khai hải quan, doanh nghiệp; (5) Thông qua tổ chức hội nghị, hội thảo, tập huấn, tham vấn; (6) Hội nghị đối thoại; (7) Trên trang thông tin điện tử của cơ quan Hải quan; (8) Qua báo chí; (9) Phát hành tờ rơi, ấn phẩm; (10) Điều tra, khảo sát nhu cầu tuyên truyền, phổ biến pháp luật và hỗ trợ pháp lý cho người khai hải quan, doanh nghiệp; (11) Một số hình thức khác.
Đối với từng hình thức phổ biến pháp luật, quy trình các bước tiến hành đều gắn với việc thực hiện hoạt động chuyên môn của ngành, đơn vị, trách nhiệm của từng chủ thể tham gia hoạt động... Như việc phổ biến pháp luật cho người khai hải quan, doanh nghiệp bằng văn bản được thực hiện như sau: (i) Việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật và hỗ trợ pháp lý cho người khai hải quan, doanh nghiệp bằng văn bản được thực hiện; (ii) Dự thảo văn bản trả lời; (iii) Trình duyệt, ban hành văn bản trả lời và lưu trữ; (iv) Thời hạn tuyên truyền, phổ biến pháp luật bằng văn bản; (v) Kiểm tra nội dung đã tuyên truyền, phổ biến pháp luật và hỗ trợ pháp lý cho người khai hải quan, doanh nghiệp; (vi) Cập nhật đầy đủ vào Sổ Nhật ký; (vii) Tổng hợp, phân tích, báo cáo các thông tin đã tuyên truyền, hỗ trợ…
 Thực hiện phân công, phân cấp, trách nhiệm của cơ quan hải quan trong công tác phổ biến pháp luật cho người khai hải quan, doanh nghiệp
- Vụ Pháp chế, Tổng cục Hải quan làm đầu mối xây dựng Kế hoạch phổ biến pháp luật cho người khai hải quan, doanh nghiệp; phối hợp với các cơ quan đơn vị trong và ngoài ngành tổ chức các hoạt động phổ biến pháp luật cho người khai hải quan, doanh nghiệp.
- Các đơn vị thuộc cơ quan Tổng cục Hải quan đề xuất nội dung phổ biến pháp luật cho người khai hải quan, doanh nghiệp theo mảng chuyên môn, nghiệp vụ do đơn vị phụ trách; xây dựng bộ tài liệu về nội dung nghiệp vụ thuộc lĩnh vực quản lý của đơn vị để phổ biến pháp luật cho người khai hải quan, doanh nghiệp khi được yêu cầu. Thực hiện truyền thông, phổ biến các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do đơn vị chủ trì ngay từ khi văn bản đang được soạn thảo, lấy ý kiến thông qua các hình thức như biên soạn tài liệu giới thiệu nội dung mới của dự thảo văn bản và đăng tải trên tạp chí hải quan điện tử, Cổng Thông tin điện tử Hải quan và các báo, tạp chí khác; soạn thảo, biên tập nội dung các bài viết chuyên sâu giới thiệu nội dung mới tại dự thảo văn bản…
- Tại các Cục Hải quan tỉnh, thành phố, hoạt động phổ biến pháp luật cho người khai hải quan, doanh nghiệp phải kết hợp chặt chẽ với việc triển khai thực hiện cơ chế một cửa tại Cục Hải quan tỉnh, thành phố. Phối hợp với cơ quan báo chí, đài truyền hình, đài phát thanh, Cổng thông tin điện tử của địa phương trong công tác phổ biến pháp luật cho người khai hải quan, doanh nghiệp.
- Tại Chi cục Hải quan và tương đương: Tổ giải quyết vướng mắc của Chi cục tổ chức thực hiện phổ biến pháp luật cho người khai hải quan, doanh nghiệp.
Bảo đảm tính khả thi, thiết thực trong xây dựng kế hoạch phổ biến pháp luật cho người khai hải quan, doanh nghiệp
Việc xây dựng kế hoạch phải đảm bảo khả thi, hình thức triển khai phù hợp với từng nội dung của văn bản và đối tượng thi hành văn bản. Kế hoạch phải kèm theo báo cáo thuyết minh về các nội dung khác có liên quan. Kế hoạch được xây dựng trên cơ sở các nguồn thông tin sau như Kế hoạch phổ biến pháp luật cho người khai hải quan, doanh nghiệp hàng năm của cơ quan quản lý cấp trên; thông tin từ công tác nghiệp vụ cụ thể: đăng ký tờ khai hải quan, kiểm tra, giám sát hàng hóa, tham vấn, kiểm tra sau thông quan, quản lý rủi ro, theo dõi nợ đọng thuế và các hoạt động nghiệp vụ khác; thông tin thực tế từ công tác phổ biến pháp luật và hỗ trợ pháp lý cho người khai hải quan, doanh nghiệp: tổng hợp từ Sổ Nhật ký tuyên truyền, phổ biến pháp luật và hỗ trợ pháp lý cho người khai hải quan, doanh nghiệp; thông tin từ công tác điều tra, khảo sát nhu cầu của người khai hải quan, doanh nghiệp tại các hội nghị, hội thảo, tập huấn; từ khảo sát độc lập định kỳ hoặc đột xuất về nhu cầu phổ biến pháp luật và hỗ trợ pháp lý cho người khai hải quan, doanh nghiệp do đơn vị tiến hành khảo sát… 
Bên cạnh đó, Quy chế quy định ngày truyền thống ngành Hải quan hàng năm (ngày 10 tháng 9) là Ngày pháp luật của ngành Hải quan để tổ chức các hoạt động trọng tâm về tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người khai hải quan, doanh nghiệp.
Có thể thấy, từ việc quy định cụ thể đối tượng áp dụng, nguyên tắc, nội dung, hình thức, phạm vi, trách nhiệm của cá nhân, đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan trong việc thực hiện công tác phổ biến pháp luật trong lĩnh vực hải quan; quan điểm xác định công tác phổ biến pháp luật cho người khai hải quan, doanh nghiệp là trách nhiệm của mọi công chức hải quan, từ cơ quan Tổng cục đến các đơn vị trong toàn ngành Hải quan, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của ngành Hải quan ngày càng đạt được những kết quả tích cực, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trong ngành, lĩnh vực theo chức năng, nhiệm vụ được giao./.
Nguyễn Thị Giang
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật

[1] Quyết định số 1243/QĐ-TCHQ.
Các tin đã đưa ngày: