Liên kết website

Phát huy vai trò thành viên Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trung ương của Bộ Giáo dục và Đào tạo để triển khai công tác PBGDPL trong nhà trường

21/07/2024

Thực hiện Quyết định số 51/QĐ-HĐPH ngày 04/4/2024 của Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trung ương (sau đây gọi là Hội đồng) ban hành Kế hoạch hoạt động của Hội đồng năm 2024 và Kế hoạch số 741/KH-BGDĐT ngày 17/6/2024 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về khảo sát, kiểm tra công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) trong nhà trường, trong hai ngày 18-19/7/2024, Đoàn khảo sát, kiểm tra công tác PBGDPL trong nhà trường do đồng chí Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thành viên Hội đồng phối hợp PBGDPL trung ương làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc tại Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hải Phòng và trường Đại học Hải Phòng. Đồng chí Mai Thị Anh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, một số công chức của Vụ Pháp chế, đại diện của Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp cùng tham dự Đoàn kiểm tra.

Báo cáo kết quả triển khai công tác PBGDPL trên địa bàn thành phố Hải Phòng, đồng chí Bùi Văn Kiệm, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Hiện nay, toàn thành phố có 756 cơ sở giáo dục (635 cơ sở giáo dục công lập, 121 cơ sở giáo dục tư thục) chia về 14.491 lớp; 217 trung tâm học tập cộng đồng; Trung tâm giáo dục thường xuyên Hải Phòng và 14 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên quận, huyện. Tổng số học sinh tính đến 31/5/2024 là 527.901 học sinh, trong đó: 115.504 trẻ mầm non, 183.035 học sinh tiểu học, 152.374 học sinh trung học cơ sở (THCS), 77.391 học sinh trung học phổ thông (THPT), 9.297 học sinh, học viên giáo dục thường xuyên (GDTX).
Tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên mầm non và giáo dục phổ thông: 27.298 người (Mầm non: 8.553; Tiểu học: 7.969; THCS: 7.113; THPT: 3.395; GDTX: 288). Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn, trên chuẩn: mầm non: 85,4%; tiểu học: 92,7%; THCS: 97%; THPT: 100%, GDTX: 99,5%. Để triển khai công tác PBGDPL trong nhà trường, trên cơ sở các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của cấp trên, Sở Giáo dục và Đào tạo đã kịp thời ban hành kế hoạch và các văn bản tổ chức thực hiện, cụ thể là: chỉ đạo các cơ sở giáo dục thành lập và kiện toàn Ban tuyên truyền, PBGDPL trong nhà trường; chủ động xây dựng kế hoạch hàng năm để triển khai thực hiện công tác này phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị; phân công nhiêm vụ cụ thể cho các cá nhân, bộ phận, tổ chức triển khai thực hiện theo đúng kế hoạch; giám sát, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện kế hoạch.
Các phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận, huyện tăng cường chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy và học nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy kiến thức pháp luật trong chương trình chính khóa; sáng tạo và tăng cường nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật trong các chương trình ngoại khóa và các hoạt động ngoài giờ lên lớp như: nói chuyện chuyên đề pháp luật, tổ chức giao lưu, tọa đàm, sân khấu hóa... Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về pháp luật, tiểu phẩm, vẽ tranh về chủ đề pháp luật, các cuộc thi tìm hiểu kiến thức pháp luật. Đồng thời, phát triển mạng xã hội giáo dục có sự kiểm soát và định hướng thống nhất qua việc phát triển các cổng thông tin điện tử toàn ngành, các trang fanpage, cộng đồng giáo viên sáng tạo Hải Phòng; cộng đồng học sinh, sinh viên sáng tạo Hải Phòng với sự tham gia của hàng chục ngàn giáo viên và học sinh Hải Phòng. Qua nền tảng mạng xã hội, đã lan toả và nâng cao ý thức, nhận thức pháp luật, định hướng dư luận tạo sự đồng thuận về xã hội trong các chính sách, giải pháp về phát triển giáo dục. Các cơ sở giáo dục tăng cường lồng ghép PBGDPL trong các phong trào, hoạt động Đoàn, Hội với nội dung, hình thức đảm bảo thiết thực, đi vào chiều sâu, gắn với vấn đề dư luận xã hội quan tâm và phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý, tình cảm phát triển của học sinh, sinh viên; giáo dục hành vi và chuẩn mực đạo đức; giáo dục ý thức chấp hành pháp luật, kỹ năng sống và giá trị sống đúng đắn trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 qua từng năm học. Giáo dục theo chủ đề, kết hợp với vui chơi, hoạt động thực hành trải nghiệm; tăng cường các hoạt động tập thể, lao động, vệ sinh trường lớp, hoạt động xã hội. Thường xuyên cập nhật, tuyên truyền về những tấm gương người tốt, việc tốt trên các lĩnh vực đời sống xã hội; tuyên truyền chủ quyền biển đảo, toàn vẹn lãnh thổ; đấu tranh phòng, chống “Diễn biến hòa bình”, phản bác các luận điệu thông tin sai trái của các thế lực thù địch cho học sinh, sinh viên.
100% các cơ sở giáo dục thực hiện xây dựng và triển khai kế hoạch hưởng ứng "Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" để PBGDPL các quy định pháp luật cụ thể cho đội ngũ giáo viên, giảng viên, học sinh, sinh viên. Tăng cường công tác giáo dục kĩ năng sống, xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học; công tác tư vấn tâm lý cho học sinh; lồng ghép nội dung giáo dục đạo đức, lối sống, kĩ năng sống trong các chương trình môn học và hoạt động giáo dục, bảo đảm sự liên thông về kiến thức giữa các khối lớp, cấp học và trình độ của học sinh. Kết hợp giáo dục pháp luật thông qua các môn học với các hoạt động ngoài giờ lên lớp, sinh hoạt lớp, sinh hoạt dưới cờ, hoạt động trải nghiệm
Việc lồng ghép công tác PBGDPL với giáo dục đạo đức, giáo dục công dân được gắn kết chặt chẽ, kết hợp giáo dục chính khóa với giáo dục ngoại khóa; tích hợp lồng ghép nội dung pháp luật một cách hợp lý trong các môn học, đảm bảo sự liên thông về kiến thức giữa các khối lớp, cấp học và trình độ của học sinh. Kết hợp giáo dục pháp luật thông qua các môn học với các hoạt động ngoài giờ lên lớp, sinh hoạt lớp, sinh hoạt dưới cờ, hoạt động trải nghiệm… đổi mới phương pháp giảng dạy môn và tổ chức dạy học các môn đạo đức, giáo dục công dân, giáo dục kinh tế và pháp luật phù hợp với thực tế địa phương và điều kiện nhà trường.
Các nhà trường đã xây dựng một số mô hình PBGDPL hiệu quả như: Tổ tư vấn tâm lý học đường (100% các trường thành lập Tổ tư vấn tâm lý học đường); mô hình hành lang, cầu thang pháp luật, góc tuyên truyền pháp luật (thực hiện PBGDPL trực quan thông qua việc treo tranh, pano… có nội dung pháp luật); Tổ tuyên truyền về Luật hôn nhân và gia đình, Luật bình đẳng giới, chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên; thông qua việc xây dựng, khai thác tủ sách pháp luật trong nhà trường…
Thông tin thêm tại buổi làm việc, đại diện một số đơn vị chức năng của Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố cũng cho biết: 100% các đơn vị trường học khối phổ thông đã triển khai thực hiện rà soát, chuẩn hóa, hoàn thiện nội dung chương trình, giáo trình, sách giáo khoa, sách tài liệu tham khảo phục vụ việc dạy và học pháp luật trong nhà trường thông qua hoạt động xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường hằng năm và gắn với thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 phù hợp với mỗi nhà trường và địa phương, trong đó chú trọng các nội dung dạy và học pháp luật phù hợp các độ tuổi của học sinh. Trả lời câu hỏi của thành viên Đoàn kiểm tra trước thực trạng hiện nay trong rất nhiều văn bản pháp luật mới ban hành đều giao nhiệm vụ cho ngành giáo dục và đào tạo đưa quy định pháp luật vào môn học giáo dục pháp luật thì liệu có gây nên tình trạng quá tải cho đội ngũ giáo viên, học sinh trong việc giảng dạy, học tập các môn học này hay không, các nhà trường đã thực hiện hết vai trò, nhiệm vụ này hay chưa, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo khẳng định các nhà trường đã rất chủ động, linh hoạt và không gặp khó khăn hay áp lực trong việc lồng ghép giảng dạy các quy định pháp luật mới vào trong chương trình giảng dạy, học tập môn học pháp luật tại nhà trường; đồng thời thành phố đã chủ động thực hiện bồi dưỡng đội ngũ giáo viên ngay từ đầu năm học để thực hiện giảng dạy môn học này.
Công tác phối hợp với các Sở, ban, ngành như Sở Tư pháp, Công an thành phố, Ban An toàn giao thông thành phố, Toà án nhân dân thành phố và các quận huyện… trong triển khai công tác PBGDPL được quan tâm tăng cường thông qua các chương trình, kế hoạch phối hợp định kỳ hàng năm và đã triển khai các hoạt động PBGDPL cụ thể, có hiệu quả, đưa công tác PBGDPL trong nhà trường có chiều sâu, trọng tâm, trọng điểm.
Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, công tác PBGDPL tại các nhà trường trên địa bàn thành phố cũng đứng trước những khó khăn, thách thức lớn, trong đó phải kể đến việc thiếu cơ bản đội ngũ giáo viên giảng dạy môn học pháp luật. Theo đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo, hiện toàn thành phố thiếu 991 giáo viên theo định mức tối đa. Trong đó, không có giáo viên chuyên trách giảng dạy môn học pháp luật mà chỉ có giáo viên kiêm nhiệm. Trong số đội ngũ giáo viên giảng dạy môn học giáo dục công dân, chưa có giáo viên nào được đào tạo đúng chuyên ngành kinh tế pháp luật. Thực tế là việc tuyển dụng giáo viên dạy môn giáo dục công dân hiện rất khó khăn. Trong 3 năm gần đây, hàng năm Sở Giáo dục và Đào tạo đều tổ chức thi tuyển giáo viên giảng dạy môn học này nhưng đều không có ứng viên do nguồn cung từ các trường Đại học cũng rất ít ỏi. Lấy ví dụ từ trường Đại học Hải Phòng, trong tổng số 261 sinh viên sư phạm tốt nghiệp ra trường năm 2024 nhưng không có sinh viên được đào tạo về bộ môn này. Những khó khăn nội tại còn đến từ việc bồi dưỡng, tập huấn kiến thức pháp luật cho đội ngũ giáo viên nhà trường còn hết sức hạn chế, chưa được thường xuyên; kinh phí bố trí triển khai công tác này cũng eo hẹp, phụ thuộc vào sự quan tâm cũng như chủ động, linh hoạt của từng nhà trường.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, Thành viên Hội đồng phối hợp PBGDPL trung ương đã đánh giá cao những cố gắng, nỗ lực của Sở Giáo dục và Đào tạo cũng như tập thể các nhà trường trên địa bàn thành phố trong triển khai công tác PBGDPL. Điểm lại nhiều kết quả tích cực, rất đáng ghi nhận của thành phố trong công tác này, Thứ trưởng tái khẳng định vai trò, tầm quan trọng của công tác PBGDPL trong nhà trường theo phương châm “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”. Thứ trưởng đề nghị ngành giáo dục của Thành phố tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, có giải pháp khắc phục kịp thời những tồn tại, khó khăn đang đặt ra trong thực tiễn. Ghi nhận những ý kiến đề xuất của địa phương, Thứ trưởng cũng yêu cầu Vụ Pháp chế cần khẩn trương nghiên cứu, đề xuất Hội đồng phối hợp PBGDPL trung ương sớm xây dựng cẩm nang hướng dẫn các mô hình, cách thức PBGDPL hiệu quả trong nhà trường làm cơ sở để các nhà trường nghiên cứu, tham khảo và nhân rộng thực hiện; đồng thời đề xuất Hội đồng tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án để tăng cường công tác PBGDPL trong nhà trường đáp ứng yêu cầu đặt ra của công tác này trong tình hình mới hiện nay.
 Hà Thy
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật
Các tin đã đưa ngày: