Để nắm bắt thực trạng công tác giáo dục pháp luật trong nhà trường trên địa bàn tỉnh Cà Mau, từ đó đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác này, ngày 16/8/2014, tại thành phố Cà Mau, Cục Phổ biến giáo dục, giáo dục pháp luật – Bộ Tư pháp đã phối hợp với Sở Tư pháp tỉnh tổ chức “Toạ đàm trao đổi về tình hình triển khai công tác giáo dục pháp luật trong nhà trường”.
Tham dự và chủ trì Toạ đàm có đồng chí Phạm Thị Ngọc, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau; đồng chí Tô Thị Thu Hà, Trưởng phòng Phòng Truyền thông chính sách, PBGDPL - Cục PBGDPL, Bộ Tư pháp. Đến dự Toạ đàm còn có đồng chí Tạ Thanh Vũ, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau cùng các đại biểu là đại diện Phòng PBGDPL Sở Tư pháp; đại diện một số đơn vị chức năng thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo; đại diện một số Phòng Tư pháp, Phòng Giáo dục và Đào tạo; Lãnh đạo, giáo viên dạy môn Đạo đức, Giáo dục công dân, Giáo dục kinh tế và pháp luật của các cơ sở giáo dục đào tạo và một số cơ quan báo, đài trên địa bàn tỉnh.
Tại Tọa đàm, các đại biểu đã được đại diện Cục PBGDPL trình bày khái quát một số kết quả khảo sát công tác giáo dục pháp luật trong nhà trường đã được Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp phối hợp với Vụ Pháp chế, Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện trong thời gian qua.
Trên cơ sở gợi ý thảo luận của Cục PBGDPL, các đại biểu đã tích cực trao đổi, cho ý kiến đánh giá về nội dung giáo trình, sách giáo khoa, tài liệu tham khảo cho giáo viên, sinh viên và học sinh về các môn học: Đạo đức, Giáo dục công dân, Giáo dục kinh tế và pháp luật đang sử dụng giảng dạy và sự phù hợp, khả thi với khả năng của người học; đánh giá về chất lượng của các giảng viên, giáo viên dạy các môn học trên; thông tin về kết quả hoạt động giáo dục pháp luật, các hoạt động PBGDPL ngoài giờ lên lớp được triển khai trong nhà trường; mô hình hay, cách làm hiệu quả; nhận diện các tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân; đề xuất, kiến nghị để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục pháp luật trong nhà trường.
Ý kiến đại biểu cơ bản đánh giá sự phù hợp, thiết thực về chương trình, giáo trình các môn học pháp luật trong nhà trường. Về chất lượng, trình độ đội ngũ giáo viên giảng dạy môn học pháp luật trên địa bàn tỉnh cơ bản đã được chuẩn hoá, tuy nhiên vẫn còn nhiều thầy cô giảng dạy kiêm nhiệm. Nhiều mô hình, cách thức thực hiện PBGDPL chính khoá và ngoài giờ lên lớp cũng đã được các thầy cô chia sẻ tại Toạ đàm. Công tác phối hợp giữa ngành giáo dục và đào tạo và một số ban, ngành như tư pháp, công an, giao thông, các tổ chức chính trị xã hội để tổ chức hoạt động PBGDPL trong nhà trường cũng được các đại biểu đánh giá cao. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng chia sẻ những khó khăn, tồn tại mà nhà trường đang gặp phải, từ việc hạn chế trong bố trí kinh phí tổ chức các hoạt động PBGDPL trong nhà trường đến việc thiếu trang thiết bị phục vụ dạy học, tài liệu tham khảo để giảng dạy… Về các đề xuất, kiến nghị, các đại biểu đề nghị cần quan tâm tổ chức việc đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ PBGDPL cho đội ngũ này, nhất là đối với đội ngũ giáo viên giảng dạy môn học Giáo dục kinh tế và pháp luật theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018; đề xuất các cơ quan chức năng quan tâm nghiên cứu xây dựng kho học liệu điện tử về pháp luật để cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ việc dạy và học môn học pháp luật; tổ chức các cuộc thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật cho đối tượng là học sinh tham gia; quan tâm đầu tư nguồn lực, kinh phí cho công tác giáo dục pháp luật trong nhà trường nói riêng và công tác PBGDPL nói chung.
Phát biểu kết luận Cuộc họp, đồng chí Tô Thị Thu Hà, Trưởng phòng Truyền thông chính sách, PBGDPL, Cục PBGDPL ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến góp ý, thảo luận của các đại biểu tham dự. Trên cơ sở kết quả tọa đàm này, Cục PBGDPL sẽ tổng hợp thông tin để tiếp tục hoàn thiện dự thảo báo cáo khảo sát, đánh giá công tác giáo dục pháp luật trong nhà trường để trình báo cáo Hội đồng phối hợp PBGDPL trung ương trong thời gian tới./.
Thanh Trang
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật