Khoản 6 Điều 3 Nghị định số 110/2024/NĐ-CP quy định, Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề công tác xã hội là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho người có đủ điều kiện đăng ký hành nghề công tác xã hội theo quy định của Nghị định này (sau đây gọi là giấy chứng nhận đăng ký hành nghề). Để được cấp giấy chứng nhận đăng ký hành nghề công tác xã hội, người làm công tác xã hội theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 110/2024/NĐ-CP
[1] phải tham gia thực hành công tác xã hội, trừ trường hợp đã được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp giấy phép hành nghề công tác xã hội. Thực hành công tác xã hội được quy định từ Điều 35 đến Điều 37 Nghị định số 110/2024/NĐ-CP. Thực hành công tác xã hội được thực hiện theo nguyên tắc sau đây: (i) Phù hợp với văn bằng chuyên môn được cấp; (ii) Thực hiện tại các đơn vị, cơ sở có cung cấp dịch vụ công tác xã hội (cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cai nghiện, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục và cơ sở khác theo quy định của pháp luật) có phạm vi hoạt động chuyên môn phù hợp với nội dung thực hành; (iii) Thời gian thực hành đối với trình độ đại học trở lên từ đủ 12 tháng, trình độ cao đẳng từ đủ 09 tháng, trình độ trung cấp từ đủ 06 tháng tại cơ sở có cung cấp dịch vụ công tác xã hội; (iv) Người thực hành phải tuân thủ sự phân công, hướng dẫn của người hướng dẫn thực hành và phải tôn trọng các quyền, nghĩa vụ của đối tượng sử dụng dịch vụ công tác xã hội.
Tổ chức việc thực hành công tác xã hội được thực hiện như sau: Người thực hành phải nộp giấy đề nghị thực hành và nộp bản sao, xuất trình bản chính văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận (nếu có) chuyên môn liên quan với đơn vị, cơ sở có cung cấp dịch vụ công tác xã hội nơi đăng ký thực hành. Người đứng đầu của đơn vị, cơ sở có cung cấp dịch vụ công tác xã hội có trách nhiệm tiếp nhận người thực hành trong 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ. Trường hợp không tiếp nhận người thực hành công tác xã hội thì trong thời gian 01 ngày làm việc người đứng đầu của đơn vị, cơ sở có cung cấp dịch vụ công tác xã hội phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Người đứng đầu đơn vị, cơ sở ra quyết định phân công người hướng dẫn thực hành. Một người hướng dẫn thực hành chỉ được hướng dẫn tối đa 5 người thực hành trong cùng một thời điểm.
Người hướng dẫn thực hành công tác xã hội phải đáp ứng các điều kiện: (i) Có phạm vi hoạt động chuyên môn phù hợp với nội dung, lĩnh vực thực hành công tác xã hội; có thời gian làm việc tại đơn vị, cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội từ 3 năm trở lên; (ii) Có trình độ đào tạo tương đương hoặc cao hơn người thực hành. Người hướng dẫn thực hành có các trách nhiệm sau đây: (i) Hướng dẫn thực hành công tác xã hội cho người thực hành; (ii) Trong thời gian 02 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc thời gian thực hành phải có nhận xét bằng văn bản về quá trình thực hành, năng lực, trình độ chuyên môn, kỹ năng thực hành, tiêu chuẩn đạo đức nghề công tác xã hội và đề nghị người đứng đầu đơn vị, cơ sở có cung cấp dịch vụ công tác xã hội cấp giấy xác nhận quá trình thực hành; (iii) Chịu trách nhiệm trong trường hợp người thực hành gây sai sót chuyên môn trong quá trình thực hành, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, quyền lợi của đối tượng do lỗi của người hướng dẫn thực hành. Trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản nhận xét của người hướng dẫn thực hành, người đứng đầu đơn vị, cơ sở có cung cấp dịch vụ công tác xã hội cấp Giấy xác nhận quá trình thực hành công tác xã hội.
Việc đăng ký hành nghề công tác xã hội được quy định từ Điều 38 đến Điều 44 Nghị định số 110/2014/NĐ-CP. Theo đó, người hành nghề công tác xã hội được cấp 01 giấy chứng nhận đăng ký hành nghề công tác xã hội. Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề được cấp có giá trị trong phạm vi toàn quốc và có thời hạn hiệu lực 05 năm. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cấp, cấp lại, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hành nghề đối với người đăng ký hành nghề công tác xã hội làm việc tại các đơn vị, cơ sở có cung cấp dịch vụ công tác xã hội, cơ sở đào tạo, cơ sở giáo dục nghề nghiệp có trụ sở trên địa bàn; người hành nghề công tác xã hội độc lập. Nghị định quy định cụ thể về hồ sơ
đề nghị cấp mới, thủ tục cấp mới, thủ tục cấp lại và việc thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hành nghề công tác xã hội.
Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định cụ thể về đăng ký hành nghề công tác xã hội tại Việt Nam đối với người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Theo đó, người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được hành nghề công tác xã hội tại Việt Nam khi có giấy phép hành nghề công tác xã hội còn hiệu lực do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp được thừa nhận theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam là bên ký kết. Người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã có giấy phép hành nghề công tác xã hội do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp thực hiện công tác xã hội tại Việt Nam cho đối tượng theo đợt, hợp tác đào tạo và thực hành công tác xã hội hoặc chuyển giao kỹ thuật chuyên môn trong thực hành công tác xã hội thì không cần thực hiện thủ tục đăng ký hành nghề công tác xã hội tại Việt Nam quy định tại Nghị định số 110/2024/NĐ-CP.
Nghị định số 110/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 15/10/2024. Nghị định quy định kể từ ngày 01/01/2027, người hành nghề công tác xã hội phải có giấy chứng nhận đăng ký hành nghề công tác xã hội. Điều này góp phần triển khai công tác xã hội cũng như hoạt động hành nghề công tác xã hội được công bằng, minh bạch, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đối tượng công tác xã hội, đáp ứng yêu cầu triển khai công tác xã hội trong thời gian tới./.