Theo đó, trong năm 2024, UBND tỉnh đã cập nhật kịp thời 63 văn bản Quy phạm, gồm 18 Nghị quyết của HĐND tỉnh và 45 Quyết định của UBND tỉnh) vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật theo đúng quy định, giúp các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp tra cứu, tìm hiểu và thực hiện trích xuất tại Cổng thông tin điện tử của tỉnh.
Các sở, ngành và địa phương đã tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để xây dựng và phổ biến các tài liệu tuyên truyền, cũng như các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực và phạm vi quản lý dành cho doanh nghiệp. Trong đó, Sở Tư pháp đã biên soạn và phát hành 30.000 tờ gấp pháp luật để cấp phát miễn phí cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Tại thành phố Chí Linh, các cơ quan, đơn vị đã phát hành tổng cộng 1.469 tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó có 971 tài liệu được đăng tải trên các nền tảng trực tuyến. Các nguồn tài liệu pháp luật trên giúp doanh nghiệp tiếp cận các thông tin pháp lý liên quan đến lĩnh vực mình sản xuất, kinh doanh thuận lợi, dễ dàng, minh bạch.
Không chỉ vậy, hoạt động tập huấn và tuyên truyền pháp luật cũng được triển khai mạnh mẽ. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức 04 lớp tập huấn về kỹ năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực di sản văn hóa, nghệ thuật biểu diễn và xây dựng sản phẩm du lịch nông nghiệp tại các huyện Ninh Giang và Thanh Hà. Huyện Ninh Giang tổ chức 12 hội nghị tuyên truyền pháp luật với sự tham gia của hơn 780 người, tập trung vào Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Nghị định 55/2019/NĐ-CP và các chính sách thuế, đầu tư kinh doanh. Huyện Gia Lộc tổ chức 2 hội nghị tập huấn về chính sách thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử, hướng dẫn áp dụng hóa đơn điện tử và tuyên truyền pháp luật về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, phòng cháy chữa cháy, với hơn 525 lượt người tham gia. Các đơn vị thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng tổ chức 5 lớp tập huấn tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh, tiêm phòng vắc xin với sự tham gia của 600 lượt người…
Việc giải đáp pháp lý cho doanh nghiệp được thực hiện qua nhiều hình thức đa dạng, bao gồm trả lời bằng văn bản, thư điện tử, giải đáp trực tiếp qua điện thoại và tổ chức các buổi tọa đàm, hội nghị. Điển hình, Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức hướng dẫn hồ sơ và giải đáp pháp luật trực tiếp cho các tổ chức, doanh nghiệp trong các lĩnh vực chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ, an toàn bức xạ và sử dụng mã số, mã vạch. Liên đoàn Lao động tỉnh tích cực tổ chức tư vấn pháp luật cho 150 đoàn viên, người lao động tại Công ty TNHH Nissei, giải đáp 30 câu hỏi liên quan đến bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và thuế thu nhập cá nhân. UBND huyện Ninh Thành đã tổ chức 5 cuộc tiếp xúc, đối thoại với các tổ chức, doanh nghiệp, cán bộ, công chức và nhân dân trên địa bàn.
Tuy nhiên, công tác hỗ trợ pháp lý vẫn đối mặt với nhiều khó khăn. Theo đó, đội ngũ cán bộ phụ trách chủ yếu làm việc kiêm nhiệm, thiếu kinh nghiệm thực tế, dẫn đến hiệu quả hỗ trợ chưa cao. Kinh phí dành cho hoạt động này chưa được cấp riêng mà chỉ trích từ nguồn kinh phí thường xuyên, ảnh hưởng đến việc triển khai các lớp bồi dưỡng và hội nghị tập huấn. Một số chính sách hỗ trợ còn thiếu hấp dẫn, nguồn lực chưa đủ mạnh để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Việc cụ thể hóa các chính sách phù hợp với đặc thù ngành, lĩnh vực và địa phương vẫn còn nhiều lúng túng. Thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp còn bất cập, trong khi các doanh nghiệp chưa thực sự chủ động trong việc đề nghị hỗ trợ pháp lý.
Ngoài ra, sự thay đổi thường xuyên của văn bản pháp luật gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc cập nhật và tuân thủ. Đặc biệt, hiện nay Nghị định số 55/2019/NĐ-CP chưa có quy định về xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách hỗ trợ pháp lý, cũng như chưa đưa ra tiêu chí đánh giá cụ thể và thống nhất về hiệu quả hoạt động hỗ trợ pháp lý.
Do vậy, để khắc phục những hạn chế này, UBND tỉnh cùng các Sở, ban, ngành cần tập trung nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật, nghiên cứu, xử lý các quy định pháp luật còn mâu thuẫn, vướng mắc và kết hợp tuyên truyền, triển khai kịp thời đến doanh nghiệp các quy định pháp luật và hướng dẫn triển khai của cấp có thẩm quyền. Không chỉ vậy, cần tăng cường bố trí cán bộ chuyên trách, bổ sung kinh phí, thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn và xây dựng hệ thống chính sách pháp luật ổn định, lâu dài, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.
Nhìn chung, Công tác hỗ trợ pháp lý cho DNNVV tại Hải Dương năm 2024 đã đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao nhận thức pháp luật, cải thiện môi trường kinh doanh và thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế về nguồn lực, kinh phí và phương thức triển khai cần được khắc phục. Để tiếp tục phát huy hiệu quả, cần tăng cường đội ngũ chuyên trách, cải thiện chính sách hỗ trợ và ổn định hệ thống pháp luật. Với sự nỗ lực và phối hợp chặt chẽ, công tác hỗ trợ pháp lý hứa hẹn sẽ trở thành động lực quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển bền vững của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Anh Vũ
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật