Lớp tập huấn được tổ chức dưới sự chủ trì của Luật sư Nguyễn Duy Lãm, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp, sự tham gia giảng dạy của Tiến sĩ – Luật sư Nguyễn Thị Thu Hương, Giám đốc Pháp chế Công ty Kiểm toán APOLLO Việt Nam đã thu hút hơn 100 đại biểu là đại diện lãnh đạo, người làm công tác pháp chế doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố và các tỉnh lân cận tới dự.
Tại Lớp tập huấn, Tiến sĩ – Luật sư Nguyễn Thị Thu Hương đã tập trung làm rõ 03 nội dung chính về những vấn đề pháp lý cơ bản trong quá trình doanh nghiệp ký kết và thực hiện hợp đồng cầm cố, thế chấp bảo lãnh với ngân hàng, xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm của doanh nghiệp, bao gồm:
- Những vấn đề cơ bản về hợp đồng tín dụng: Điều kiện vay vốn; Điều kiện bảo đảm; Hồ sơ tín dụng; Hợp đồng tín dụng; Lãi suất và phí tín dụng; Những lưu ý giữa trách nhiệm của doanh nghiệp và ngân hàng.
- Pháp luật về bảo đảm tiền vay và bảo lãnh ngân hàng: Phân biệt giao dịch bảo lãnh với cầm cố, thế chấp; Phân biệt sự khác nhau giữa biện pháp và giao dịch bảo đảm; Việc bảo lãnh ngân hàng của các tổ chức tín dụng; Việc bảo lãnh của công ty, tập đoàn, tổng công ty; Rủi ro trong việc doanh nghiệp chấp nhận bảo lãnh ngân hàng.
- Một số quy định mới của pháp luật và vấn đề phát sinh trong thực tế: Quy định về tiền gửi tiết kiệm, tiền gửi kỳ hạn và mở tài khoản ngân hàng; Quy định về việc thanh toán không dùng tiền mặt; Quy định về việc thu giữ tài sản bảo đảm và giải quyết tranh chấp theo thủ tục rút gọn theo Nghị quyết 41/2017/NQ-QH14; Quy định về việc mua bán thay cho việc vay vốn bằng ngoại tệ; Việc cấm dịch vụ đòi nợ thuế theo Luật Đầu tư năm 2020.
Tại phiên thảo luận, các doanh nghiệp đã tích cực chia sẻ những tình huống, vụ việc pháp lý và kinh nghiệm thực tiễn của mình đối với những vấn đề được giảng viên đưa ra tại Lớp tập huấn, đưa ra những trao đổi, phản hồi và tích cực đặt ra những câu hỏi xoay quanh việc ký kết và thực hiện hợp đồng cầm cố, thế chấp bảo lãnh với ngân hàng, xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm.
Những vấn đề được trình bày tại Lớp tập huấn được đánh giá là những vấn đề thiết thực, được quan tâm rộng rãi, có vai trò quan trọng và liên quan mật thiết đến đời sống doanh nghiệp, đặc biệt là đối với việc huy động – điều tiết nguồn vốn phục vụ hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Việc nắm vững những kiến thức pháp lý liên quan đến quá trình doanh nghiệp ký kết và thực hiện hợp đồng cầm cố, thế chấp bảo lãnh với ngân hàng, xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm giúp doanh nghiệp phòng, tránh những rủi ro ngoài ý muốn liên quan đến những vấn đề trên, góp phần đảm bảo cho hoạt động của doanh nghiệp được thuận lợi, hiệu quả.
Các doanh nghiệp, đại biểu tham dự đánh giá cao chất lượng Lớp tập huấn, gửi lời cảm ơn sâu sắc đến với Ban tổ chức và giảng viên Tiến sĩ – Luật sư Nguyễn Thị Thu Hương. Bên cạnh đó, các đại biểu bày tỏ mong muốn, thông qua Chương trình Hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021 – 2025 do Cục PBGDPL, Bộ Tư pháp chủ trì thực hiện, sẽ có nhiều hơn nữa những lớp tập huấn bổ ích nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp, người dân về những vấn đề pháp lý liên quan tới hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh được tổ chức tại địa phương.
Nguyễn Thành Huy
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật