Tham dự và chủ trì Toạ đàm có đồng chí Phan Hồng Nguyên - Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp; đồng chí Y Hòa, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum. Đến dự Toạ đàm có đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo, một số Phòng Tư pháp, Phòng Giáo dục và Đào tạo; đại diện Ban Giám hiệu, giáo viên dạy môn Đạo đức, Giáo dục công dân, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Pháp luật đại cương… của các cơ sở giáo dục đào tạo trên địa bàn tỉnh.
Tại Tọa đàm, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật đã chia sẻ, cung cấp thông tin một số kết quả khảo sát chính về thực trạng công tác giáo dục pháp luật trong nhà trường đã được tổng hợp từ một số địa phương; đưa ra các nhận xét, đánh giá và kiến nghị, đề xuất triển khai công tác giáo dục pháp luật trong nhà trường thời gian tới. Trên cơ sở các vấn đề được Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật gợi mở, các đại biểu tham dự Tọa đàm đã tập trung trao đổi, thảo luận có trọng tâm, trọng điểm, đưa ra nhiều ý kiến có chất lượng, mạnh dạn đề xuất giải pháp khắc phục hạn chế.
Về việc dạy và học môn Đạo đức, cũng như tổ chức hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật ngoài giờ lên lớp cho học sinh là người dân tộc thiểu số, thầy giáo Cao Văn Vinh, Trường Tiểu học Cao Bá Quát cho biết Trường đã tổ chức đa dạng các hoạt động như lồng ghép kiến thức vào các tiết sinh hoạt dưới cờ, phối hợp với công an phường tổ chức các lớp học thực tế về an toàn giao thông đường bộ… cho các em học sinh. Bên cạnh đó, thầy cho rằng vì 99% học sinh của Trường là đồng bào dân tộc thiểu số nên việc triển khai các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa gia đình, cộng đồng với nhà trường. Đồng thời, hoạt động này cũng cần huy động sự tham gia, hỗ trợ các các ngành khác thì mới triển khai được kịp thời, hiệu quả, thường xuyên.
Đại diện cho Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Kon Tum, cô Y Kiệt đã thông tin, chia sẻ hiện nay trường có 06/15 lớp chọn học môn Giáo dục công dân, giáo viên chưa được quan tâm bồi dưỡng kiến thức pháp luật phục vụ hoạt động dạy môn học này mà chủ yếu do các cô tự nghiên cứu, trang bị kiến thức cho mình.
Đối với cấp Đại học, cô Nguyễn Thị Trúc Phương – Phó Trưởng khoa Luật phân viện Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum cho biết giáo trình môn Pháp luật Đại cương đối với khối không chuyên luật do từng trường lựa chọn và thực tế các trường đang sử dụng các giáo trình khác nhau. Bên cạnh một số nội dung học thống nhất như “Một số vấn đề chung về Nhà nước, Pháp luật”, “Giới thiệu chung về Luật Hiến pháp”… thì các nội dung chuyên sâu có sự khác nhau tùy theo đối tượng và chương trình học của từng trường. Theo đó, để trang bị những kiến thức liên quan đến Nhà nước, pháp luật với ý nghĩa là phông kiến thức cơ bản, kiến thức chung cho các em sinh viên không chuyên về lĩnh vực luật pháp thì cần định hướng áp dụng các khung chương trình giảng dạy chung, tạo cơ sở cho các trường thực hiện thống nhất hoạt động giáo dục pháp luật cho sinh viên, từ đó biên soạn chi tiết chuyên đề phục vụ giảng dạy của mình.
Đồng chí Lê Văn Hào, đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sa Thầy đánh giá chương trình môn học Giáo dục công dân, Giáo dục kinh tế và pháp luật hiện đã phù hợp với học sinh, trình độ chuyên môn của giáo viên đã đáp ứng được yêu cầu dạy và học, hằng năm giáo viên đều được tập huấn kiến thức, chuyên môn theo chương trình do Phòng Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Nhà trường triển khai nhiều hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật ngoài giờ lên lớp, trong đó có mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” được triển khai hiệu quả. Tuy nhiên, việc công tác này cũng có hạn chế, do nội dung pháp luật còn khô khan nhưng các sách, tài liệu chưa có nhiều hình ảnh minh họa giúp các em học sinh hiểu và học kiến thức pháp luật được dễ dàng hơn.
Cũng tại Tọa đàm, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum đã kiến nghị cần nghiên cứu, thể chế cụ thể quy định về chương trình môn học, số lượng tiết học giáo dục công dân, trường hợp giáo viên dạy kiêm nhiệm thì phải quy định rõ về việc được tập huấn, bồi dưỡng cập nhật kiến thức pháp luật theo định kỳ, có chính sách giảm tiết đứng lớp đối với giáo viên kiêm nhiệm dạy Giáo dục công dân, tạo điều kiện cho giáo viên tham gia hoạt động tập huấn, bồi dưỡng. Đặc biệt, các cơ quan cần nghiên cứu và triển khai xây dựng kho tài liệu dùng chung phục vụ công tác giáo dục pháp luật.
Bên cạnh đó, các đại biểu khác cũng chia sẻ những khó khăn, tồn tại mà nhà trường đang gặp phải, từ việc bố trí kinh phí tổ chức các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường đến việc thiếu trang thiết bị phục vụ dạy học, tài liệu tham khảo để giảng dạy… Các đại biểu đề nghị cần quan tâm tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật cho giáo viên giảng dạy môn học Giáo dục kinh tế và pháp luật theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018; mong muốn có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa ngành Giáo dục và ngành Tư pháp để công tác giáo dục pháp luật đạt được hiệu quả tối ưu; đề xuất nghiên cứu, điều chỉnh phương pháp tiếp cận để có thể phổ biến pháp luật tới mọi đối tượng người học; quan tâm đầu tư nguồn lực, kinh phí cho công tác giáo dục pháp luật trong nhà trường nói riêng và công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung.
Các ý kiến đại biểu tham dự Tọa đàm là chất liệu, cơ sở để Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật tiếp tục hoàn thiện kết quả khảo sát công tác giáo dục pháp luật trong nhà trường và kiến nghị, đề xuất giải pháp tiếp tục nâng cao hiệu quả; phối hợp với đơn vị chức năng của Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, đề xuất cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện thế chế, quy định về công tác này trong thời gian tới./.